Với việc có đến 82 dự án đã cấp phép, chấp thuận chủ trương đầu tư trên núi thì TP.Nha Trang (Khánh Hòa) được xem là “quán quân” cả nước về loại hình dự án này.
Việc cấp phép dự án ở các vị trí nhạy cảm, nếu không đánh giá tác động môi trường, quản lý xây dựng tốt sẽ gây hậu quả khôn lường.
Nha Trang không chỉ có biển đẹp, mà quần thể dãy núi tại TP này đã góp sức tạo cho nơi đây một vẻ đẹp hài hòa giữa biển, núi và rừng. Nha Trang có dãy núi Cô Tiên, Chín Khúc, Cảnh Long… đều là biểu tượng và xem như lá phổi xanh của TP cần được bảo vệ nghiêm. Nhưng hơn 5 năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã đồng thuận cho triển khai đến 82 dự án tại đây, khiến nhiều dãy núi bị biến dạng hoàn toàn, trông rất xót xa.
Nghiêm trọng hơn, nhiều vụ sạt lở có liên quan các dự án san núi đã xảy ra. Con số 31 người tử vong trong hơn 3 năm qua có liên quan các vụ sạt lở núi tại TP.Nha Trang cho thấy việc làm dự án trên núi là rất nguy hiểm.
Trong số 82 dự án này chỉ có 13 dự án phù hợp quy hoạch chung TP.Nha Trang đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2012. Số còn lại chỉ phù hợp một phần, đa số đều trái quy hoạch. Có những dự án đã được cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng nghịch lý là chưa có quy hoạch 1/2.000. Đây là quy trình ngược trong cấp phép dự án. Nói như nguyên một Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, lẽ thường các dự án trên núi, nơi có vị trí nhạy cảm, sẽ được lấy ý kiến các hội, trong đó có Hội kiến trúc sư tỉnh. Nhưng vì sợ phản bác quyết liệt, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thời điểm đó đã “âm thầm” cấp phép nhiều dự án mà không lắng nghe tham vấn.
Liên quan các dự án trên núi ở Nha Trang, đến nay có đến 2 cựu chủ tịch tỉnh và 2 cựu giám đốc sở (nhiệm kỳ 2010 - 2020) đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Họ rồi sẽ đối diện với những bản án nghiêm minh của pháp luật; nhưng làm sao để khắc phục những hậu quả nặng nề và lấy lại niềm tin của nhân dân tại các dự án là việc đáng làm của các lãnh đạo đương nhiệm tỉnh Khánh Hòa lúc này.
Có lẽ mới đây, nhận thấy rõ những bất cập của các dự án trên núi ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định dừng toàn bộ 82 dự án để rà soát lại quy trình cấp phép của từng dự án để điều chỉnh, bổ sung vào Đồ án quy hoạch chung TP.Nha Trang đến năm 2040 mà tỉnh đang làm. Động thái này tuy muộn nhưng biết sai mà sửa thì dân chúng sẽ cảm thông!
Phá núi, chặt cây rừng là một tác nhân nguy hại cho biến đổi khí hậu. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh hôm 1.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Để cụ thể những tâm huyết của người đứng đầu Chính phủ, thì ngay lúc này mỗi tỉnh, thành phải có những cân nhắc kỹ mỗi khi đặt bút ký cấp phép các dự án có tác động xấu đến môi trường, dân sinh. Phát triển kinh tế là cần, nhưng không làm vì mọi giá.
Theo HIỀN LƯƠNG (TNO)