Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đồng Lộc ngày nay trở thành một điểm lưu giữ chứng tích tàn khốc của chiến tranh và sự hy sinh cao cả không chỉ của 10 nữ TNXP mở đường mà của hàng ngàn anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên con đường 15 huyền thoại.

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay
Ngã ba Đồng Lộc hôm nay


Ngày gặp lại

50 năm sau sự kiện 10 cô gái mở đường ở Ngã ba Đồng Lộc hy sinh vì bị bom vùi, ngày 14-7 vừa qua, hơn 200 con người từng sinh tử có nhau, cống hiến cả tuổi xuân của mình để bảo đảm mạch máu giao thông nối miền Bắc với miền Nam đã có cuộc hội ngộ cùng nhau tại Ngã ba Đồng Lộc. Những chàng trai, cô gái TNXP ngày nào giờ đã ngấp nghé hoặc qua tuổi 70, gặp lại nhau, họ trào nước mắt xúc động khi nhắc đến những ngày tháng gian khổ, hào hùng.


 

Di ảnh 10 nữ TNXP mở đường hy sinh tại Đồng Lộc
Di ảnh 10 nữ TNXP mở đường hy sinh tại Đồng Lộc

"Nhiều người sau khi chiến tranh kết thúc bị quá lứa lỡ thì, không lập được gia đình, không có con, cuộc sống rất khó khăn. Chúng ta đã rất cố gắng để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, những TNXP rất cần được quan tâm hơn nữa"-bà Nguyễn Thị Áng 76 tuổi, ở H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh, tham gia TNXP từ năm 1965 đến khi chiến tranh kết thúc



Trở lại Đồng Lộc, bà Nguyễn Thị Lân (ở H.Đức Thọ, Hà Tĩnh) nói, nay đã ở tuổi 74, nhưng khi khoác tấm áo TNXP trở về đây, bà lại cảm thấy như đang thời con gái. Bà Lân gia nhập TNXP năm 1965 và được điều động vào Quảng Trị, năm 1967 bà được điều động về bám trụ tại Ngã ba Đồng Lộc. “Đó là những ngày tháng vô cùng ác liệt, bom đạn dội như mưa, sống chết trong gang tấc. Đồng đội tôi nhiều người đã hy sinh, có người hy sinh ngay trước mắt tôi vì bị trúng bom nổ chậm, nhưng tôi không nao núng. Nghĩ đến đồng đội, tôi làm việc càng hăng hơn”, bà Lân nói.

Ông Nguyễn Đình Cứ (72 tuổi, ở H.Vũ Quang, Hà Tĩnh) là con duy nhất trong gia đình nên được miễn nhập ngũ. Năm 1965, ông tình nguyện gia nhập TNXP, được cử đi học lớp công binh tháo gỡ bom mìn. Ngày 11.7.1968, tiểu đội của ông gồm 11 người (6 nữ, 5 nam) vừa nhận nhiệm vụ vào xã Xuân Lộc, cách Đồng Lộc chừng 2 km, để tháo bom nổ chậm thì một đồng đội đã hy sinh vì bị bom phát nổ. Ông Cứ bị sức ép của bom làm chảy máu tai. “Thật khủng khiếp vì trận đầu đã có người hy sinh, nhưng sau đó chúng tôi nhanh chóng củng cố tinh thần và 4 ngày sau, khi sức khỏe hồi phục, chúng tôi lại vào bãi bom, có ngày gỡ được 25 quả”, ông Cứ kể.

Tham gia TNXP từ năm 1965 đến khi chiến tranh kết thúc, bà Nguyễn Thị Áng (76 tuổi, ở H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) được chuyển về làm công nhân ngành giao thông. Trở lại Đồng Lộc, bà nói mình là người may mắn vì khi trở về có được một gia đình êm ấm. “Nhiều người sau khi chiến tranh kết thúc bị quá lứa lỡ thì, không lập được gia đình, không có con, cuộc sống rất khó khăn. Chúng ta đã rất cố gắng để làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, những TNXP rất cần được quan tâm hơn nữa”, bà Áng trăn trở.

Nặng lòng với Đồng Lộc

Sau khi hy sinh, 10 cô gái mở đường ở Ngã ba Đồng Lộc được an táng tại Nghĩa trang xã Xuân Lộc. Năm 1989, hài cốt các chị được đưa trở lại Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1989, được đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm TNXP toàn quốc. Năm 2013, khu di tích này được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh.

Năm 1995, khi đến thăm Đồng Lộc, nhà thơ Vương Trọng đã viết Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc với những câu thơ day dứt: “Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều/Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/Ngày bom vùi tóc tai bết đất/Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/Cho mọc dậy vài cây bồ kết/Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…”. Ba năm sau khi bài thơ này ra đời, ông Nguyễn Tiến Tuẫn, người từng tham gia chiến đấu ở Đồng Lộc, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, đọc được. Ông cảm động và về quê tìm 2 cây bồ kết mang đến trồng ở gần khu mộ phần của các nữ thanh niên mở đường này. Nay, 2 cây bồ kết ấy đã cao lớn, sai quả.

Năm 2009, tháp chuông Ngã ba Đồng Lộc với kinh phí hơn 24 tỉ đồng được xây dựng từ sự đóng góp tự nguyện của nhiều người nặng lòng với Đồng Lộc. Tháp đứng trên quả đồi thuộc núi Mũi Mác, cách khu mộ 10 cô gái vài trăm mét, cao 7 tầng (36,6 m), 8 mái, kết hợp khai thác theo hình thức Đại tháp và Lầu vọng cảnh truyền thống được cách tân ở phần thân tháp. Trên đỉnh tháp là quả chuông nặng 5,7 tấn được đúc bằng đồng nguyên chất. Hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật được lắp đặt bao phủ bề ngoài tháp chuông với ánh sáng lung linh, đứng cách xa nhiều cây số vẫn nhìn thấy. Đồng Lộc sau chiến tranh đã được phục hồi từ những tấm lòng như thế.

Từ mảnh đất hố bom chồng hố bom, không cỏ cây nào sống nổi, 50 năm trôi qua, Đồng Lộc nay đã khác. Những đồi thông xanh rì, con đường 15 - nơi đã bị bom cày đi xới lại, nay thành QL15, được trải thảm nhựa phẳng lì. Đoạn QL15 chạy qua đây luôn tấp nập người và xe cộ đến viếng thăm Đồng Lộc. Hôm chúng tôi đến cũng vừa gặp nhóm gia đình gần 20 người của anh Phan Hữu Toàn (ở Hà Nội) có mặt ở Đồng Lộc để viếng các liệt sĩ. Anh Toàn nói, gia đình anh cùng với 4 gia đình khác ở Hà Nội vào Cửa Lò (Nghệ An) du lịch. Sáng sớm, cả đoàn vào đây viếng, thắp hương. “Tôi đã nghe nói nhiều về Đồng Lộc, đến đây, nhìn các chứng tích mới thấy sự khủng khiếp của chiến tranh. Tôi rất ngưỡng mộ, cảm phục ý chí, sự hy sinh cao cả của các bậc cha anh, nhất là các nữ TNXP anh hùng, gan dạ”.

Đến Đồng Lộc, chứng kiến sự đổ nát, tàn khốc của chiến tranh, cũng là để thấy giá trị của hòa bình.


 

Tại di tích Đồng Lộc còn Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc được T.Ư Đoàn đầu tư xây dựng vào năm 1998, ghi danh 1.950 anh hùng liệt sĩ. Năm 2007, nhà bia được tu bổ và tôn tạo, đến nay, nhà bia đã ghi danh gần 4.000 anh hùng liệt sĩ.


Khánh Hoan (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.