BẢO VỆ VÙNG BIÊN, VÌ BÌNH YÊN CỦA TỔ QUỐC (*): "Lá chắn thép" khó vượt qua

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nằm trên tuyến biên giới Tây Nam giáp với Campuchia, các đồn biên phòng của tỉnh Tây Ninh, Đồng Tháp... luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ xuất nhập cảnh trái phép
Từ sau khi xảy ra vụ việc bệnh nhân Covid-19 thứ 1440 khai báo không trung thực, nhập cảnh trái phép từ Campuchia qua đường biên giới Tây Ninh, công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Tây Ninh cùng các lực lượng chức năng thắt chặt nghiêm ngặt hơn bao giờ hết.
Canh phòng nghiêm ngặt
Tỉnh Tây Ninh có 20 xã biên giới với đường biên giới dài hơn 240 km, tiếp giáp 3 tỉnh của Campuchia. Tỉnh này là cửa ngõ kết nối TP HCM với Campuchia cùng với Lào, Thái Lan, Myanmar qua 16 cửa khẩu và nhiều đường mòn lối mở, địa hình bằng phẳng, thuận tiện qua lại.
Chúng tôi được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh bố trí, đưa lên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Xa Mát - một trong 3 CKQT của tỉnh này, đóng tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên để theo chân các chiến sĩ đến các chốt, trạm tuần tra.

Các chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát tuần tra đường mòn biên giới .Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Các chiến sĩ của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát tuần tra đường mòn biên giới .Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Đại tá Nguyễn Công Tuân, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Tây Ninh, cho biết Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 14,5 km với 7 mốc chính (từ mốc 115 đến 121), 29 mốc phụ và 6 dấu đặc trưng. Đồn có 2 điểm cảnh giới và một tổ công tác Cầu Ván, cùng 10 chốt dã chiến chống dịch Covid-19.
Tại chốt phòng chống dịch số 1 đóng tại một cánh rừng gần CKQT Xa Mát, một tổ công tác vừa làm nhiệm vụ trở về, một tổ khác liền lên đường làm nhiệm vụ. Cứ như thế, bất kể ngày hay đêm, mọi ngả đường biên giới đều có dấu giày của các chiến sĩ. "Do địa hình bằng phẳng nên rất dễ dàng qua lại biên giới, vì vậy chúng tôi phải canh phòng nghiêm ngặt" - chiến sĩ Võ Văn Dương, đóng quân tại chốt số 1, nói.
Thiếu tá Phạm Đình Tố - chính trị viên, Phó Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát - khẳng định từ ngày có dịch Covid-19 đến nay, chiến sĩ đều trực chốt 24/24 giờ. Cán bộ, chiến sĩ luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Theo thiếu tá Tố, kể từ khi lập 10 chốt dã chiến phòng chống dịch Covid-19, Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát phối hợp với các lực lượng phát hiện 50 vụ nhập cảnh trái phép, bắt giữ 74 người. Đặc biệt, qua công tác vận động, đã có 500 hộ dân và 30 người hành nghề xe ôm thuộc khu vực đồn quản lý đăng ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, không tiếp tay cho người xuất nhập cảnh trái phép.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh, BĐBP tỉnh đã lập 29 điểm cảnh giới, 16 trạm kiểm soát biên phòng; phối hợp cùng lực lượng công an, dân quân các xã biên giới triển khai 123 tổ chốt phòng chống dịch Covid-19. Đến nay, các lực lượng đã phát hiện, xử lý 199 vụ với 375 người liên quan đến nhập cảnh trái phép. Trong số 11 vụ được khởi tố với 32 bị can, có 3 vụ đưa ra xét xử với 6 bị cáo bị phạt tù từ 5 năm trở lên. Đáng chú ý, có 41 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị xử lý, trục xuất về nước.
Đại tá Nguyễn Công Tuân khẳng định cùng với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, lực lượng BĐBP quyết tâm tạo những "lá chắn thép" ở đường biên nhằm chống buôn lậu, hạn chế thấp nhất các vụ việc xuất nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới.
Thức giữ biên cương
Toàn tuyến biên giới trên bộ giáp Campuchia của tỉnh Đồng Tháp dài hơn 50 km, đang được bố trí dày đặc các chốt biên phòng, phòng chống dịch, khép kín với 4 cửa khẩu của tỉnh này.
Được sự đồng ý của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đồng Pháp, phóng viên Báo Người Lao Động đã cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT Thường Phước (xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự) tuần tra biên giới trên hai tuyến biên giới đường sông và đường bộ do đồn này quản lý.
Trên tuyến sông, tại phao số 0 ở khu vực CKQT Thường Phước, một tổ công tác sau ca trực chạy ca-nô vào bờ. Liền sau đó, một tổ khác trở ra. Sau khi thực hiện giao ca theo điều lệnh, tổ công tác bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tuần tra, quan sát. Giữa màn đêm, cứ cách khoảng vài phút, các chiến sĩ làm nhiệm vụ pha đèn khắp mặt sông.

Trên tuyến biên giới 7,1 km, các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước ngày đêm canh phòng nghiêm ngặt .Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Trên tuyến biên giới 7,1 km, các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Thường Phước ngày đêm canh phòng nghiêm ngặt .Ảnh: TRƯỜNG SƠN
Thiếu tá Trần Duy Ê, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Thường Phước, nói các đối tượng thường lợi dụng tuyến sông này để vận chuyển hàng lậu hoặc tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép. Do đó, công tác tuần tra, kiểm soát được thực hiện gắt gao.
Còn trên tuyến biên giới dài hơn 7 km do Đồn Biên phòng CKQT Thường Phước quản lý, với mức độ canh phòng nghiêm ngặt của lực lượng BĐBP, khó có người nào lọt ra khỏi tầm ngắm. Ngày cũng như đêm, các chiến sĩ nối chân nhau, từng tốp rảo khắp tuyến biên giới này.
Trong năm qua, Đồn Biên phòng CKQT Thường Phước đã bắt giữ 39 vụ buôn lậu; 68 vụ xuất nhập cảnh trái phép với 180 đối tượng… Mới đây, Đồn Biên phòng CKQT Thường Phước phối hợp với lực lượng công an bắt giữ Võ Văn Sơn (SN 1963; ngụ xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) dùng xuồng máy chở 2 người Việt và 3 người quốc tịch Campuchia về Việt Nam. Vụ việc được Đồn Biên phòng CKQT Thường Phước ra quyết định khởi tố vụ án "Tổ chức môi giới cho người khác xuất nhập cảnh trái phép".
Lãnh đạo Đồn Biên phòng CKQT Thường Phước nhận định hiện nay, tình trạng người dân về nước đón Tết nhập cảnh qua đường biên giới trên bộ rất phức tạp. Lo ngại nhất là thời điểm cận Tết Tân Sửu, có nguy cơ phát sinh tình trạng một số người Việt trong nước cấu kết với người ngoài nước tổ chức đưa công dân, lao động từ Campuchia về nước trái phép để trốn cách ly theo quy định.
"Chúng tôi quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ là trước, trong và sau Tết nguyên đán, luôn sẵn sàng nêu cao tinh thần chiến đấu, trấn áp tội phạm, quyết liệt ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Tinh thần chung là thường trực tuần tra, tác chiến, thức giữ biên cương cho người dân ăn Tết" - thiếu tá Trần Duy Ê bày tỏ quyết tâm. 
Kỳ tới: Không để chiến sĩ biên phòng đơn độc
Nghệ An: Bắt giữ 189 người xuất nhập cảnh trái phép
BĐBP tỉnh Nghệ An vừa có báo cáo công tác quản lý, bảo vệ an ninh chủ quyền biên giới và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Đến nay, BĐBP tỉnh Nghệ An đã bố trí 31 chốt với 220 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Trong năm 2020, BĐBP tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 99 vụ với 189 người có hành vi xuất nhập cảnh trái phép; xử phạt vi phạm hành chính 87 vụ/140 người; khởi tố 3 vụ, 4 bị can có hành vi tổ chức, đưa đón người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Từ đầu tháng 1 đến nay, BĐBP tỉnh Nghệ An đã tăng cường tuần tra, chốt chặn dọc theo đường biên giới Việt - Lào, kịp thời phát hiện, bắt giữ nhiều vụ nhập cảnh trái phép. Mới đây nhất vào đêm 18-1, 7 người đàn ông quê Nghệ An vượt biên từ Lào về Việt Nam qua đường mòn ở xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Nhờ tập trung chốt chặn, 7 người này vừa ra khỏi biên giới thì bị các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Hạnh Dịch bắt giữ.
Thượng tá Hồ Quyết Thắng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Nghệ An - cho biết Nghệ An là tỉnh có đường biên giới với Lào dài nhất cả nước, hơn 419 km, tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay của nước bạn. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, rất nhiều người lao động từ Lào tìm cách nhập cảnh chui để trốn cách ly. "Với tinh thần chống dịch như chống giặc, toàn lực lượng quyết tâm ngăn chặn, bắt giữ kịp thời những trường hợp nhập cảnh trái phép qua biên giới" - thượng tá Thắng nói.
Đ.Ngọc
THÀNH ĐỒNG - MINH SƠN - QUANG TRƯỜNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...