Đến thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) hỏi về người Quảng Trị, một vị cán bộ chỉ ngay đến nhà ông Trương Thái Anh Quốc, nơi được xem là một “bảo tàng làng quê Quảng Trị” tại vùng đất mới Tây nguyên đầy nắng gió này.
“Quê miềng đó!”
Đó là căn nhà rường một gian hai chái theo kiểu vùng quê miền Trung nằm ở số 25 đường Nguyễn Đình Chiểu, thị trấn Đạ Tẻh của ông Trương Thái Anh Quốc, phó bí thư thường trực Huyện ủy Đạ Tẻh.
Ông Trương Thái Anh Quốc bên những nông cụ mang “hình bóng quê hương” Quảng Trị. |
Tiếp chúng tôi, ông Quốc khoe vừa được báo Lâm Đồng đăng tấm ảnh về quê hương do ông chụp trong lần về quê Quảng Trị giỗ cha hồi tháng 3 vừa rồi. Đó là bức ảnh Hoàng hôn trên sông Thạch Hãn - Quảng Trị. “Quê miềng đó!” - ông Quốc nói (người Quảng Trị gọi quê mình là quê miềng).
Ngôi nhà rường gỗ một gian hai chái rộng rãi, trưng bày đủ các loại nông cụ y như một “bảo tàng làng quê Quảng Trị”.
Chính giữa là một dàn xe đạp nước cũ kỹ và các loại dụng cụ dùng để tát nước lên đồng ruộng ngày xưa.
Ở một bên là các loại cuốc, xẻng, cày, bừa. Một góc khác là bộ dụng cụ chế biến từ hạt lúa ra hạt gạo gồm giàn xay, cối tre, cối đá, chày và cối giã gạo, bộ giần, sàng, thúng, mủng, rổ, rá bằng tre nứa. Cạnh đó là bộ dụng cụ bắt cá trên đồng ruộng như nơm, dũi, oi, nò.
Một góc khác là các vật dụng sinh hoạt, nấu nướng như nồi đồng, nồi đất, ấm đất, ông núc, lu hũ bằng gốm...
Hầu hết các hiện vật đều “tự nói về mình” bằng một bảng hướng dẫn sử dụng và diễn giải công năng ở bên cạnh. Phần lớn hiện vật đều sưu tầm được từ các vùng quê Quảng Trị đưa vô đây. “Vì nhớ quê mà làm, cũng nhờ rứa mà nguôi ngoai nỗi nhớ quê!” - ông Quốc chia sẻ.
Ông Quốc quê ở xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), vào vùng kinh tế mới ở huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) từ năm 1980.
Ông kể những ngày xa quê, điều đầu tiên nghĩ đến là làm sao tạo lập một cái gì đó mang hình bóng quê hương tại vùng đất mới.
Và ông chọn ngay hình ảnh làng quê Quảng Trị thông qua những vật dụng ngày xưa mà cha ông gắn liền với văn hóa nông nghiệp.
Đến năm 1984, khi làm việc tại Phòng văn hóa thông tin huyện Đạ Tẻh, hình ảnh một “bảo tàng làng quê” hiện dần trong đầu. Mãi cho đến khi về thăm quê lần đầu vào năm 1993, ông Quốc đi tìm khắp làng sưu tầm những dụng cụ nằm trong ý tưởng để chuyển vào Lâm Đồng.
Kể từ đó, ông nhờ người làng tìm giúp những loại “hiện vật gốc” rồi gửi vô. Hễ nghe ở đâu có thứ cần tìm, ông tranh thủ đến và tậu về nhà cho bằng được.
Dựng lên ngôi nhà rường theo lối quê Quảng Trị, và để không gian phù hợp với công năng mới, ông nghĩ cách biến tấu: phần trên thì nhà rường theo đúng kiểu ở quê, còn phần dưới thì cách tân theo kiểu nhà sàn để có chỗ bày biện vật dụng và có chỗ tiếp khách.
Căn nhà rường trở thành “bảo tàng” với những hình ảnh mang hồn quê hương, trở thành nơi tụ hội của không chỉ những người Quảng Trị mà cả những người miền Trung đi kinh tế mới.
Nhiều học sinh trong huyện cũng thường tìm đến tham quan. “Vì hoàn cảnh mà mỗi người phải xa quê hương, tạo lập đời sống ở quê hương mới. Dù có xa quê nhưng không thể nào chúng tôi quên tổ tiên. Ly hương nhưng bất ly tổ” - ông Quốc nói.
Làng của người Quảng Trị
Chợ Triệu Hải ở xã Quảng Trị, Đạ Tẻh, Lâm Đồng lấy theo tên một xã thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. |
Từ “bảo tàng làng quê” ở nhà ông Quốc, chúng tôi vượt con đường dốc ngoằn ngoèo 5 cây số dọc theo con suối Đạ Kho để vào xã Quảng Trị của huyện Đạ Tẻh.
Không gian ven con đường nhựa xuyên suốt xã này không khác một làng quê ở Quảng Trị với những ngôi từ đường các dòng họ khảm nạm sành sứ hướng mặt ra đường, những căn nhà xây ba gian lợp ngói nằm giữa những khu vườn rợp cây xanh.
Những chiếc cổng chào mang tên các địa danh của Triệu Phong, Hải Lăng và khu chợ mang tên Triệu Hải.
Ông cụ Lê Kim Văn, 86 tuổi, nguyên chủ tịch Mặt trận xã Quảng Trị, đi kinh tế mới đợt thứ hai vào năm 1980, cho biết người xã Quảng Trị này từ các xã của huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vào đây.
Đợt đầu tiên đi kinh tế mới là 1.000 hộ dân Triệu Phong. Họ hạ trại rồi khai hoang cả một vùng rừng nguyên sinh dày đặc cây rừng và tre nứa khiến tro than có chỗ ngập đến đầu gối.
Trong hai năm đầu, đất đai tốt vô cùng, chỉ cần dùng gậy thọc một lỗ trỉa hạt giống xuống là ít bữa sau có ngay cái ăn. Trái bắp to bằng bắp tay lực sĩ, nhiều cây đến hai ba trái. Khoai mì (sắn) thì có bụi lên đến 50kg. Lúa giống baxe và đít rằn bản địa mọc cao quá đầu người, bông dài thõng xuống.
Người dân sung sướng tiếp tục phát rừng mở đất, có nhà mở đến bốn năm mẫu. Niềm vui chỉ dài trong hai năm đầu được mùa, đến vụ thứ ba thì đất bắt đầu bạc màu, cằn cỗi vì quá nhiều đất sét nên mưa là ngập úng, nắng lại khô hạn.
Cây trái lâu năm trồng không tốt tươi vì tầng đất mặt rất mỏng, tầng dưới úng nước. Người dân bỏ hoang dần vì cỏ dại tràn lan, thiếu nước tưới.
Tuy vậy, đối với nhiều người, vùng đất mới này vẫn “sướng gấp ngàn lần” ở quê cũ đất cát nóng, gió Lào và bão lụt liên miên.
Cụ Lê Kim Văn nhớ lại hồi năm 1976, hơn hai mẫu đất của gia đình cụ nhập vô hợp tác xã. Thời gian đầu, mỗi lao động được chia mỗi ngày công 1-2 cân lúa. Về sau, do tổ chức làm ăn sa sút, có ngày chỉ được 1-2 lạng, đói triền miên.
“Đói khổ quá nên nghe trong vùng kinh tế mới đất đai bạt ngàn, nhà tui đăng ký đi ngay. Ở đâu thì cũng phải cày cuốc mà sống. Nhưng mà ở đây cày cuốc bao nhiêu thì được bấy nhiêu, chớ ngoài quê chưa chắc ông trời đã cho ăn” - ông Văn tỏ bày.
Theo tuoitre
Kỳ tới: Gặp “Huế thương” ở Krông Năng
Chọn đất... nhầm Bên cạnh xã Quảng Trị là xã Triệu Hải - hai xã kinh tế mới của Quảng Trị ở Đạ Tẻh. Ông Lê Hữu Thanh, người xã Triệu Hải, nói rằng lấy làm tiếc vì khi quyết định lựa chọn cuộc đất kinh tế mới cho người Quảng Trị đã không nghĩ tới kế lâu dài. Ông Thanh là một trong nhóm bảy người tiền trạm và chọn đất chuẩn bị để đưa dân Quảng Trị đi kinh tế mới vào tháng 12-1979. Thay vì chọn đất đỏ bazan để trồng cây công nghiệp thì họ lại chọn vùng đất xám quen thuộc với việc trồng sắn, khoai, đậu, mè như ở quê. Sau này các chuyên gia gọi là “đất bạc màu trên phù sa cổ và trên đá granite” với đặc tính là nghèo dinh dưỡng. Người Quảng Trị chỉ quen làm ruộng và trồng sắn khoai, chưa từng biết đến đất bazan và cà phê, hạt điều. Thời điểm đó, lương thực lại là thứ quý như vàng. “Khi nớ ban chỉ đạo kinh tế mới giới thiệu chúng tôi đến khu vực Đạm Ri (huyện Đạ Huoai bây giờ). Thấy nhiều núi đồi nhấp nhô, khác với quê miềng quá nên sợ. Thấy vùng đất giữa hai con suối Đạ K'La và Đạ Kho ni bằng phẳng nên chọn luôn. Ai ngờ bên Đạm Ri đất đỏ bazan trồng được cây công nghiệp, còn đất vùng ni chỉ trồng được cây lương thực, hoa màu thôi” - ông Thanh kể. |