Bảo tàng "cấp xóm" của vị cha xứ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người ta có thể phải tìm hiểu văn hóa của một dân tộc tại một bảo tàng cấp tỉnh, cấp huyện nào đó. Nhưng với dân tộc Churu, họ vẫn luôn tự hào rằng, đồng bào mình có nguyên một bảo tàng với hàng ngàn vật thể, mỗi vật thể hiện lên từng nét văn hóa, phong tục của quê hương. Từng vật thể được Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc (cha Ngọc) sưu tập suốt 45 năm gắn bó với núi rừng Tây Nguyên. Nhưng cha khiêm tốn, chỉ gọi đó là “bảo tàng cấp xóm”.

Những buổi chiều Churu

 

Một góc bảo tàng cấp xóm chứa đựng văn hóa đồng bào Churu.
Một góc bảo tàng cấp xóm chứa đựng văn hóa đồng bào Churu.

Bảo tàng cấp xóm của cha nằm trong khuôn viên nhà thờ Ka Đơn ở thôn Krăng Go 2, xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Một nhà thờ nằm giữa rừng thông bạt ngàn, giữa cái se se lạnh và mùi phù sa thơm thơm, ngai ngái của dòng sông Đa Nhim huyền thoại. Ở đây, từ kiến trúc nhà thờ đến phòng trưng bày đều được cha Ngọc lên ý tưởng sao cho đơn sơ, khiêm tốn nhất, gần gũi với kiến trúc của đồng bào người dân tộc Churu xứ Đơn Dương. Những câu chuyện cha kể cho chúng tôi nghe cũng không cao xa, triết lý, chúng chỉ xoay quanh mớ rau, con cá, những câu hát của đồng bào.

Cha kể rằng, vùng đất Đơn Dương lúc cha mới đặt chân đến đây còn là một vùng đất trũng, ngập nước. Đường sá quanh năm lầy lội và đầy đất đá. Người dân khi ấy còn nghèo khó. Bởi vậy, trong nhà có cái gì quý, họ bán đi để đổi lấy những bữa ăn. “Cha thấy nếu không giữ lại những thứ này, vài chục năm nữa anh em sẽ để mất hết”.

Vậy là từ đó, cha đi nhặt nhạnh, mua lại từng thứ một, giữ lại cho đồng bào. Sau vài chục năm, nhiều vật thể người dân đã không thể tìm được ở đâu trong buôn làng, ngoài bảo tàng cấp xóm của cha Ngọc. Những thứ mà cha sưu tập, có cái đồ sộ, hoành tráng như bộ cồng chiêng, đồng la, cái ché từng đổi được 40 con trâu…Cũng có những món đồ giản dị như cái lược chải chấy, cái vòng tay bằng hạt cây rừng đầy màu sắc hay cái chén ăn cơm, cái mành cửa xếp bằng xương thú…

“Bây giờ anh em không còn dùng đến cái lược chải chấy này nữa nên chẳng ai còn giữ. Nhìn nó đơn sơ vậy thôi nhưng lợi hại lắm. Ngày xưa, lúc cha đến đây, thấy các bà các mẹ người Churu chiều chiều hay ngồi bậc thềm chải chấy cho con gái. Răng lược sát nhau, chải một cái là lấy được cả chấy lẫn trứng chấy. Quả bầu khô này là để ủ cháo chua. Bây giờ bà con ít ăn cháo chua vì nó công phu lắm. Đây là món ăn truyền thống của người Churu, ăn rất ngon và mát. Cái ché này, ngày xưa quý lắm vì người dân không tự làm ra được. Một cái ché có thể đổi được 40-50 con trâu. Còn đây là cặp nhẫn trống - mái không thể thiếu trong các lễ hỏi. Cái này trong buôn còn nhiều và vẫn còn người giữ nghề làm nhẫn…”. Cha Ngọc giải thích, chúng tôi có thể mường tượng ra khung cảnh xưa của buôn làng, những buổi chiều êm ả của người Churu, những đụn khói, chái bếp, mái nhà…Lời kể say xưa cũng toát lên sự thấu hiểu, tấm lòng của một vị cha xứ được người dân yêu quý.

Người nhặt nhạnh văn hóa

 

Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc giải thích về chiếc đòn tre mang tên “triết lý cộng sinh“.
Linh mục Giuse Nguyễn Đức Ngọc giải thích về chiếc đòn tre mang tên "triết lý cộng sinh".

Cha Ngọc gọi hành trình tìm hiểu văn hóa và dựng nên cái “bảo tàng cấp xóm” này là hành trình nhặt nhạnh: “Cha sưu tập những vật thể này với tinh thần liệu cơm gắp mắm. Có những cái cha phải mua lại của người dân. Nhưng không có cái nào đắt tiền cả. Bởi những cái đắt tiền không phải là của đồng bào mình mà là hàng ngoại, của dân tộc khác”.

Đúng nghĩa là hành trình nhặt nhạnh như vị linh mục nói, bởi nhiều cái đồng bào bỏ, cha tiếc, cha nhặt lại rồi để dành. Ví như những đồ nghề của thầy cúng. Khi mảnh đất còn hoang sơ, người dân đồng bào Churu chỉ biết vin vào các thế lực tâm linh, họ tin thầy cúng là người kết nối họ với thế giới tâm linh đó, giúp họ vượt qua bệnh tật, vượt qua u mê. Chính vì vậy, đồ nghề của thầy cúng được xem là nơi trú ngụ của thần, của ma quỷ. Người dân chẳng ai dám giữ những vật như vậy, họ mang đến cho cha. Cha giữ lại hết. Đến giờ, những hiện vật đó lại trở thành hàng độc, lạ.

Vào những năm 2003-2004, người Kinh ở thành phố nhiều người lặn lội về các vùng quê ở Tây Nguyên hẻo lánh để mua lại cồng chiêng. Họ trả giá 3-4 triệu đồng/bộ. Thấy được giá, người dân bán hết. Sợ mất, cha bỏ tiền ra mua để đó. Sau này, buôn làng thiếu, cha mang ra cho cả làng dùng.

Trong những vật thể được lưu giữ, có những cái nhìn đơn giản nhưng ẩn chứa cả một nền văn hóa huyền nhiệm và trí thông minh của người dân. Ví như cái đòn tre 2 đầu có sợi dây da buộc vào để ở một góc phòng trưng bày. Một vị giáo sư nghiên cứu về dân tộc học ở TPHCM đến bảo tàng cấp xóm của cha thăm và đặt tên cho hiện vật đó là “triết lý cộng sinh”.

Chuyện là từ xa xưa, khi đi chăn trâu, người nông dân gặp rắc rối vì đàn trâu khó bảo. Giống con người, mỗi con trâu cũng có một tính cách. Mỗi khi đi chung đàn, có con này ghét con kia. Một khi chúng húc nhau là cả đàn trâu loạn lên, không ăn cỏ được. Người Churu đã rất thông minh, nghĩ ra cái đòn tre dài hơn 1 mét. Ở mỗi đầu đòn có dây da để xỏ mũi trâu vào đấy khiến cho đàn trâu cả trăm con trở nên trật tự. Chúng ghét nhau nhưng vẫn đi được với nhau trên một con đường, cùng ăn cỏ, không ảnh hưởng đến cả đàn.

“Cha nể cái tên mà vị giáo sư đặt cho đòn tre này, nể cả sự thông minh của người dân. Văn hóa là cái đẹp và lao động cũng là cái đẹp” - Cha Ngọc chia sẻ.

Đừng giữ văn hóa trong bảo tàng

 

Bảo tàng cấp xóm giản dị giữa rừng thông bạt ngàn.
Bảo tàng cấp xóm giản dị giữa rừng thông bạt ngàn.

Mấy chục năm qua, hơn 5.000 giáo dân ở xứ Đơn Dương vẫn đến nhà thờ Ka Đơn để hát thánh ca, làm lễ, xưng tội bằng tiếng Churu và K’Ho: “Ngôn ngữ là sợi dây kết nối chúng ta đến văn hóa, đời sống của anh em, đồng bào mình”. Đó là lý do, ngay sau khi đặt chân lên xứ Đơn Dương từ năm 1972, cha Ngọc đã tự học tiếng Churu, tiếng K’Ho để kết nối với đồng bào và thấu hiểu họ.

Ngoài hàng ngàn vật thể của đồng bào Churu, phòng trưng bày của nhà thờ Ka Đơn còn có tủ sách do cha Ngọc và các nhà chuyên môn biên soạn. Đó là những cuốn sách viết về truyện cổ, ca dao tục ngữ, kinh thánh, những cuốn sách nói về phong tục của đồng bào Churu, viết bằng tiếng Churu và tiếng Việt. Những ngày cuối năm, cha Ngọc đang cố hoàn thành cuốn từ điển Churu. Nhóm biên soạn của cha gồm 10 người, có già làng Churu và các chuyên viên giúp cha dịch, sưu tầm: “Bây giờ, anh em Churu nhiều người trẻ thích nói tiếng Kinh giống như người Kinh thích nói ngoại ngữ. Cha sợ họ đánh mất ngôn ngữ của mình nên lưu giữ lại và khuyến khích họ giữ tiếng nói của dân tộc mình” - Cha Ngọc giải thích.

Với Cha, ngôn ngữ của Churu hay và đẹp, nhất là những câu ca dao tục ngữ đầy hình tượng, xúc tích, thông minh. Cha đã sưu tập và dịch lại, để nếu những người già có mất đi, ít nhất, chúng còn được lưu giữ trong sách vở. “Những vật thể mà cha lưu giữ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là văn hóa phi vật thể. Quan trọng hơn nữa là làm sao để lưu giữ trong cuộc sống chứ không chỉ lưu giữ trong bảo tàng” - Cha Ngọc băn khoăn.

Đó là lý do, trong những buổi thánh lễ, đám tang, đám cưới, bộ cồng chiêng, chiếc đồng la mà cha lưu giữ luôn được đem ra sử dụng bởi chính các chàng trai, cô gái người Churu. Trước lễ thì đánh đồng la và trống. Trong thánh lễ cũng không thiếu tiếng cồng chiêng, tiếng kèn vang vọng. Rồi lễ nào hợp thì cha khuyến khích mang vào điệu múa của người dân tộc để họ không quên. Cha còn tổ chức ngày hội giao lưu văn hóa anh em dân tộc hằng năm để anh em tham gia và ý thức giữ gìn văn hóa.

Với cha Ngọc, cách lưu giữ tốt nhất là lưu giữ trong cuộc sống. Ví như 4 nghề truyền thống của đồng bào Churu bao gồm: làm gốm, làm nhẫn bạc, làm mây tre, rượu cần. Cha dành riêng một góc quan trọng nhất trong phòng trưng bày để giới thiệu: “Cha giới thiệu để nghề được quan tâm và có đầu ra. Bán được sản phẩm anh em mới sống được với nghề và chịu giữ nghề”. Hiện nay, nhiều người dân đồng bào Churu xứ Đơn Dương đã sống được với nghề làm rượu cần, nhẫn bạc, mây tre. Riêng nghề gốm, do phải cạnh tranh với những món hàng khác nên trong làng chỉ còn 1-2 người làm nghề.

Phòng trưng bày cấp xóm của cha không quy mô, đồ sộ mà khiêm tốn ẩn giữa rừng thông nhưng mỗi ngày có hàng trăm khách đến thăm. Có lẽ, ngày nay, người ta trở nên bội thực khi quá nhiều công trình hoành tráng, kiểu cọ mọc lên. Thì chính những điều giản dị, mộc mạc, gần gũi và đời thường lại được yêu quý, mong chờ.

Khương Quỳnh/laodong

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.