Tạp chí chính trị uy tín Politico của Mỹ đánh giá Việt Nam ứng phó COVID-19 thành công nhất thế giới.
Việt Nam được đánh giá là ứng phó COVID-19 thành công. Ảnh: TTXVN |
Việt Nam đứng đầu về hiệu suất kinh tế và sức khỏe cộng đồng
Tạp chí Mỹ Politico lập danh sách 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đi đầu về hiệu suất kinh tế và sức khoẻ cộng đồng, trong bối cảnh gần như tất cả các nước trên thế giới vừa vật lộn để mở cửa trở lại nền kinh tế một cách an toàn, vừa tiếp tục chiến đấu với COVID-19.
30 quốc gia và vùng lãnh thổ được phân nhóm dựa trên các biện pháp hạn chế từ nhẹ, đến trung bình hoặc nghiêm ngặt đối với các tương tác thương mại và xã hội.
Theo đó, Politico xếp Việt Nam là nước thuộc danh sách áp dụng các biện pháp hạn chế nhẹ, và đứng đầu cả trong sơ đồ hiệu suất kinh tế lẫn sức khoẻ cộng đồng.
“Là một nước đông dân với dân số 95 triệu người, song Việt Nam mới chỉ ghi nhận hơn 300 ca nhiễm và chưa có ca tử vong nào. Nền kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với COVID-19 trên toàn cầu” - tạp chí Politico viết.
Bảng đánh giá này dựa trên việc thống kê những điểm mấu chốt của các nước như tình trạng lây nhiễm, số ca tử vong, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỉ lệ thất nghiệp cũng như biện pháp chống dịch của chính phủ.
Sơ đồ hiệu suất kinh tế và sức khoẻ cộng đồng của 30 quốc gia và vùng lãnh thổ của Politico, trong đó Việt Nam xếp hạng cao nhất. Ảnh: Politico |
Dù có một số điểm sáng nhưng gần như tất cả các nước đều có bức tranh tổng quan phức tạp. Chẳng hạn Đức, nền kinh tế đã suy giảm tương tự như các nước láng giềng, nhưng tỉ lệ tử vong vì COVID-19 tương đối thấp so với các nước khác nhờ tỉ lệ xét nghiệm lớn.
New Zealand và Thụy Điển có những cách tiếp cận trái ngược nhau để chống dịch. Hai bên có kết quả sức khỏe cộng đồng rất khác nhau, nhưng suy thoái kinh tế của hai quốc gia này gần như giống hệt nhau.
Một số nước có cùng mức GDP nhưng tỉ lệ thất nghiệp rất khác nhau như Mỹ, Anh và Nhật Bản. Ấn Độ cố gắng tránh để hệ thống y tế quá tải bằng lệnh phong tỏa lớn nhất thế giới nhưng hậu quả là kinh tế thu hẹp đến 45% trong quý này. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) gần như đã làm mọi thứ đúng đắn để ứng phó COVID-19, nhưng cũng không thể thoát khỏi suy thoái 70% do xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề - theo Politico.
Không chỉ có tạp chí Mỹ, mới đây một khảo sát của YouGov - công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh - cho hay, có 97% người Việt Nam tin tưởng Chính phủ đang xử lý dịch COVID-19 tốt và 89% người dân tin tưởng vào thông tin của truyền thông đăng tải về đại dịch COVID-19.
Việt Nam tái khởi động nền kinh tế
Trong tuần qua, báo chí quốc tế tiếp tục có những bài viết khẳng định, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên bước ra khỏi vòng phong toả của đại dịch COVID-19 và đang nhanh chóng trở lại nếp sống bình thường. Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo Việt Nam là tái khởi động nền kinh tế càng nhanh càng tốt.
Tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP) viết, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ thực tế là nhiều quốc gia muốn chuyển các doanh nghiệp của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Bloomberg xác nhận thông tin này và cho biết Nhật Bản - nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam - từ tháng trước đã tuyên bố sẽ phân bổ 2,2 tỉ USD từ gói kích thích kinh tế của mình để cấp xung lực giúp các nhà sản xuất Nhật Bản rút dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Reuters cho hay, để gia tăng hiệu quả sản xuất, vào mùa thu này hãng Panasonic sẽ đóng cửa một nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng lớn ở ngoại ô Bangkok và chuyển sang Việt Nam. Việt Nam có nhiều lợi thế để được lựa chọn làm nơi chuyển dịch sản xuất, chẳng hạn như sát gần Trung Quốc, có đội ngũ lao động lành nghề và kỷ luật, công lao động không đắt. Phương pháp không quá tốn kém nhưng rất hiệu quả của Việt Nam trong cuộc chiến với COVID-19 cũng là điểm cộng nổi bật, làm tăng thêm giá trị lợi thế cho uy tín.
Giáo sư tiến sĩ Vladimir Mazyrin, chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định trên Sputnik rằng, nền kinh tế Việt Nam đã tích lũy được động lực lớn, cho phép tiến mạnh lên phía trước.
“Việt Nam có thuận lợi rất lớn là đã ký được hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và các khối khác nhau. Ngoài ra, nhờ các biện pháp kịp thời và nghiêm túc của Chính phủ, người dân trong nước đã tránh được tổn thất nặng nề do đại dịch. Kết quả này tạo điều kiện bảo tồn thị trường nội địa rộng lớn, để rồi sau đây thị trường đó sẽ phát triển nhanh chóng - cũng là một động lực của sự phát triển kinh tế” - giáo sư tiến sĩ Mazyrin nhận định.
Theo Ngọc Vân (LĐO)