(GLO)- Từ năm 2015, thực hiện chỉ đạo của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, BHXH tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, giao dịch điện tử trên phạm vi toàn tỉnh đối với việc đăng ký, thu nộp BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh-cho biết:
Ông Lê Quốc Khánh. Ảnh: N.N |
Đơn vị cũng thực hiện rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục kê khai tham gia BHXH bắt buộc đối với doanh nghiệp xuống còn 49 giờ; rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), việc cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày. Toàn bộ TTHC được công khai trên Cổng thông tin điện tử của BHXH tỉnh và niêm yết tại bộ phận một cửa của BHXH các huyện, thị xã, thành phố và tại Văn phòng BHXH tỉnh. Bên cạnh đó, đơn vị không ngừng đổi mới tác phong, lề lối làm việc, thái độ phục vụ của viên chức, người lao động theo hướng chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân, các tổ chức, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn.
Việc đẩy mạnh cải cách TTHC giúp các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn giảm thời gian và chi phí vật chất, các chi phí khác trong giao dịch, đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Người dân được tiếp cận các chế độ chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp một cách nhanh chóng, thuận tiện…
* P.V:Trong quá trình triển khai cải cách TTHC, BHXH tỉnh gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
- Ông LÊ QUỐC KHÁNH: Gia Lai là địa bàn điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ công nghệ thông tin không đồng đều, thói quen của người dân là muốn đến cơ quan BHXH giải quyết các TTHC để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp… Nhiều người chưa thấy hết lợi ích của việc giải quyết TTHC qua giao dịch điện tử và qua dịch vụ bưu chính công ích nên tỷ lệ giao dịch hồ sơ giấy, trực tiếp tại cơ quan BHXH vẫn còn cao.
Ngoài ra, nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nên chưa tích cực triển khai giao dịch điện tử; một số đơn vị có cơ sở hạ tầng, nhân lực, máy móc, đường truyền internet còn hạn chế hoặc có số lao động nhỏ, ít phát sinh tăng, giảm, quen sử dụng phương thức nộp hồ sơ giấy... cũng gây ảnh hưởng đến kết quả triển khai giao dịch điện tử.
Thủ tục hành chính về BHXH, BHYT mặc dù đã được đơn giản hóa song vẫn tồn tại nhiều bất cập; việc hướng dẫn thực hiện một số chế độ theo quy định pháp luật của các cơ quan chức năng còn chưa đầy đủ hoặc chưa kịp thời, dẫn đến cơ quan BHXH lúng túng trong tổ chức thực hiện, quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT bị ảnh hưởng, nhất là người lao động làm việc tại các đơn vị đang nợ tiền đóng BHXH, đơn vị đang trong quá trình làm thủ tục phá sản, giải thể hoặc chủ sử dụng lao động bỏ trốn…
Bảo hiểm Xã hội tỉnh giao lưu trực tuyến giải đáp trực tiếp thắc mắc của người dân về chính sách BHXH, BHYT. Ảnh: N.N |
* P.V: Vậy BHXH tỉnh có giải pháp gì trong thời gian tới để khắc phục khó khăn và phục vụ tốt hơn, thưa ông?
- Ông LÊ QUỐC KHÁNH: Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, ngành BHXH tiếp tục phát huy và duy trì công tác cải cách TTHC. Cụ thể là tập trung thực hiện các giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp về lợi ích thiết thực của cải cách TTHC, tạo sự đồng thuận của người dân trong vấn đề này; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm những TTHC không còn phù hợp; duy trì áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tiến tới triển khai “một cửa liên thông hiện đại” ở BHXH huyện, thị xã, thành phố và tại Văn phòng BHXH tỉnh.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, giáo dục viên chức và người lao động chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện cải cách TTHC. Tăng cường tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn, các nhà mạng triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đẩy mạnh giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Phấn đấu đến năm 2021, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp dưới 49 giờ (mức ASEAN 4), chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt trên 80%. Đến năm 2025, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt trên 85% và đến năm 2030, chỉ số này đạt trên 90%.
* P.V:Xin cảm ơn ông!
Như Nguyện