Bảo hiểm thất nghiệp: Đồng hành cùng người lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm triển khai, đến nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người lao động duy trì các điều kiện sống cơ bản trong thời gian thất nghiệp.
Chính sách nhân văn, thiết thực
Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, tính đến hết tháng 3-2019, số người tham gia BHTN là 65.003 người, chiếm 7,99% lực lượng lao động trong độ tuổi toàn tỉnh. Để chính sách BHTN triển khai thuận lợi, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh trong việc thực hiện chính sách này, đảm bảo các quyền lợi cho người lao động khi chẳng may thất nghiệp.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, nếu năm 2010, chỉ có 424 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 344 người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp) thì đến năm 2018 đã có 4.614 người đăng ký, nộp hồ sơ và có 4.571 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tính từ năm 2010 đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 23.735 người đăng ký nộp hồ sơ, qua đó có 22.875 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả gần 223 tỷ đồng. Ngoài ra, có 23.559 người được tư vấn, giới thiệu việc làm; nhiều trường hợp được hỗ trợ học nghề với số tiền hỗ trợ trên 325 triệu đồng.
  Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh.           Ảnh: N.N
Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh. Ảnh: N.N
Để thực hiện hiệu quả chính sách BHTN, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đã triển khai mô hình “một cửa” tại địa điểm chính ở số 50 đường Sư Vạn Hạnh (phường Hội Thương, TP. Pleiku); ngoài ra còn thành lập thêm 2 điểm giao dịch ở cụm Chư Sê (Trung tâm Dạy nghề Chư Sê) và cụm phía Đông Nam ở thị xã An Khê (Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Đông Gia Lai). Ông Trần Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh-thông tin: Sau 10 năm triển khai thực hiện, chính sách BHTN đã thực sự đi vào đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như chủ sử dụng lao động. Đây là chính sách thiết thực, nhân văn, hỗ trợ kịp thời cho người lao động trong thời gian thất nghiệp chờ tìm việc mới. Ngoài được hưởng trợ cấp thất nghiệp do BHXH chi trả, người lao động còn được tham gia các khóa học nghề (có thể là bổ túc thêm tay nghề hoặc học nghề mới phù hợp với môi trường công việc mới); được tư vấn, giới thiệu việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cụ thể, mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN; 12 tháng nếu có đủ từ 144 tháng đóng  BHTN trở lên.
“Phao cứu sinh” của người lao động
Nhờ chính sách BHTN, nhiều người lao động đã được hỗ trợ kịp thời, có thêm điều kiện trang trải cuộc sống trong thời gian tìm việc làm mới. Anh Rơ Lan Hlơn (SN 1980, làng Ngó, xã Ia Pia, huyện Chư Prông) chia sẻ: “Tôi làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Grai từ năm 2007. Đến tháng 5-2018, do sức khỏe không đảm bảo nên tôi xin nghỉ việc. Sau đó, tôi đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh và được hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 9 tháng, mỗi tháng được 2,2 triệu đồng. Nhờ vậy, tôi có thêm điều kiện chăm lo cho gia đình trong thời gian chưa có việc làm mới. Bản thân tôi thấy chính sách BHTN này rất ý nghĩa, thiết thực”.
Đã có kinh nghiệm nên hôm 16-4 vừa qua, anh Rơ Lan Hlơn đi cùng ông Kpuih Quong (cùng làng) để giúp ông Quong làm hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Kết quả, ông Quong đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 9 tháng với số tiền mỗi tháng trên 2,2 triệu đồng bắt đầu từ ngày 10-5-2019. “Có tiền trợ cấp thất nghiệp giúp mình an tâm, không phải lo lắng khi nghỉ việc. Ngoài ra, mình còn được hưởng bảo hiểm y tế trong thời gian này nên sẽ có điều kiện thăm khám, cải thiện sức khỏe”-ông Quong bộc bạch.
Do bị tai nạn lao động, chị Bùi Thị Duyên (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) xin thôi việc tại một công ty và được hướng dẫn lên Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Xét thời gian đóng BHTN, chị Duyên được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong vòng 6 tháng với mức trợ cấp trên 2,6 triệu đồng/tháng. “Đến nay, tôi đã hưởng được 4 tháng. Số tiền này giúp tôi trang trải sinh hoạt và có thêm chi phí khám-chữa bệnh”-chị Duyên cho hay.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh nhấn mạnh: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội tỉnh, các đơn vị, ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và phù hợp để nâng cao hơn nữa nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan, ban, ngành trong việc thực hiện chính sách BHTN”.  
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.