(GLO)- Sau nghi án mất an toàn vệ sinh thực phẩm, các gian hàng bán bánh trung thu mang thương hiệu Kinh Đô trên địa bàn Phố núi cũng trở nên vắng khách hơn. Trước khi quyết định rút hầu bao để mua một chiếc bánh, nhiều người dân tỏ ra khá e dè…
Các gian hàng bánh trung thu Kinh Đô vắng khách. Ảnh: Hồng Thi |
Dù đã cận đêm Rằm phá cỗ, song dạo qua một vòng các gian hàng đại diện cho nhãn hiệu này cũng như một số đại lý, cửa hàng tạp hóa ở TP. Pleiku, P.V nhận thấy hầu hết đều rất thưa thớt người mua. So với năm ngoái và thời điểm đầu mùa, không khí bán buôn tại những nơi này khá buồn tẻ.
Anh Trương Công Việt (phường Yên Đổ, TP. Pleiku)-chủ quầy hàng đại diện cho Kinh Đô tại góc ngã tư Trần Hưng Đạo-Hùng Vương, chia sẻ rằng, đây là năm thứ 5 anh đăng ký làm gian hàng đại diện cho công ty và cũng là năm anh nhận thấy bánh trung thu tiêu thụ chậm nhất.
Khi được hỏi rằng nguyên nhân có phải do Kinh Đô vừa mới dính vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, anh Việt bày tỏ: “Tôi cũng có nghe chuyện đó của Kinh Đô miền Bắc, nhiều khách hàng khi vào mua bánh cũng có thăm dò trước khi mua. Tuy nhiên, sau khi nghe tôi giải thích về một số vấn đề liên quan đến việc bánh trung thu nơi đây đã được kiểm định đàng hoàng, các ngành chức năng cũng thường xuyên kiểm tra nên họ cũng vui vẻ mua”.
Theo các nhân viên, sức mua chậm là do người dân khó khăn về kinh tế. Ảnh: Hồng Thi |
Anh Việt còn phân tích thêm rằng, sở dĩ sức mua mùa trung thu năm nay chậm hơn mọi năm phần là do kinh tế đang khó khăn, người dân hạn chế chi tiêu lại, phần là bởi khách hàng có nhiều lựa chọn hơn giữa các thương hiệu bánh đang nở rộ trên thị trường.
Tại một số cửa hàng tạp hóa lớn, nhỏ, số lượng bánh trung thu Kinh Đô cũng còn tồn đọng khá nhiều. Theo các chủ cửa hàng, việc Công ty Kinh Đô bị phanh phui về sản xuất bánh mất vệ sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng mấy ngày gần đây cũng không ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ bánh. Hầu như các khách hàng quen đều vẫn trung thành với thương hiệu này. Còn tình trạng bánh tồn, theo họ cũng chẳng qua vì người dân eo hẹp về túi tiền hoặc thận trọng sợ mua phải bánh giả của Trung Quốc.
Người dân cũng tỏ ra khá phân vân khi mua bánh trung thu về dùng. Ảnh: Hồng Thi |
Đang phân vân lựa chọn bánh trung thu tại một gian hàng trên đường Trần Phú (TP. Pleiku), bà Nguyễn Thị Dinh (thôn Thanh Hà 1, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cho biết, bà cùng với một thành viên trong chi hội phụ nữ của thôn ra TP. Pleiku mua bánh để chuẩn bị tổ chức Tết Trung thu cho khoảng 40 cháu nhỏ tại địa phương. “Mọi năm chúng tôi vẫn hay mua bánh Kinh Đô, giá có cao nhưng mà ngon. Năm nay nghe đài, báo nói nhiều về bánh trung thu giả, không có nguồn gốc, rồi thì bánh bẩn nên cũng sợ quá, lỡ phát cho các cháu vui Rằm mà ăn vào ngộ độc thì biết phải làm sao. Bởi vậy nên chúng tôi cứ phải cân nhắc giữa bánh Kinh Đô với các nhãn hiệu bánh khác và quyết định mua bánh Đồng Khánh”-bà Dinh nói.
Khi P.V liên hệ với nhân viên điều hành kinh doanh tại Gia Lai cũng như Giám đốc kinh doanh phụ trách khu vực Tây Nguyên của Công ty Kinh Đô để trao đổi về một số nội dung liên quan đến quy mô đầu tư, sức mua cũng như doanh thu ở thị trường Gia Lai trong mùa Trung thu 2015 đều bị từ chối trả lời. Lý do được cả 2 nhân vật này đưa ra là không được phép phát ngôn với báo chí, tất cả đều phải liên hệ trực tiếp với Công ty; trong khi những dịp Trung thu trước, chính họ đã rất vui vẻ hợp tác và cung cấp thông tin cho các báo.
Ngày Tết Trung thu đã rất cận kề trong khi lượng bánh trung thu của Kinh Đô nói riêng và các thương hiệu khác nói chung đều đang còn nằm lại khá nhiều tại các quầy sạp. Các nhân viên bán hàng cho biết, từ ngày 13 Âm lịch trở đi, những chiếc bánh này sẽ được luân chuyển đến nơi khác để bán chạy hàng. Làm thế nào để con em mình đón một đêm Rằm phá cỗ an toàn, vui tươi, điều ấy cũng phụ thuộc khá nhiều vào sự lựa chọn thông minh của người lớn trong gia đình.
Hồng Thi