(GLO)- Trong những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi tìm về ngôi nhà số 57 Nguyễn Đức Cảnh (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) để tìm gặp ông Lâm Huế-nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, người đã trực tiếp tiếp quản Pleiku ngay từ ngày đầu mới giải phóng. Bước sang tuổi 90, bước đi có phần chậm chạp, song tinh thần và trí nhớ của ông quả thật khiến chúng tôi bội phần cảm phục. Qua lời kể của ông, chúng tôi không chỉ cảm nhận được những thước phim quay chậm về một Pleiku cách đây vừa tròn 40 năm, mà ở đó còn là phối hợp tác chiến giữa lực lượng vũ trang tỉnh nhà với các đơn vị chủ lực để viết nên bản hùng ca tháng 3 rực sáng.
Nhân dân Pleiku chào mừng Quân Giải phóng chiến thắng trở về. Ảnh tư liệu |
... Đầu năm 1975, lực lượng vũ trang tỉnh nhận nhiệm vụ từ Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên là hoạt động nhử kéo địch về giữ Bắc Tây Nguyên; phối hợp với quân chủ lực cắt đường giao thông 19, chia cắt Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải miền Trung, cắt đường 14-chia cắt giữa cụm phòng ngự Pleiku và Kon Tum; đồng thời tranh thủ thời cơ phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn. Thực hiện nhiệm vụ trên, Tỉnh đội đã triển khai cho hai Tiểu đoàn: 67 và Đặc công 408 tập trung về hướng Đông Nam và Đông Bắc thị xã Pleiku, áp sát các vùng ven thị xã, các căn cứ quân sự đầu não của Quân khu 2-Ngụy, đặc biệt sẵn sàng tiêu diệt toàn bộ bộ máy kìm kẹp vùng Đông Nam thị xã sát ngã ba Mỹ Thạch. Còn các Đại đội Công binh 17, 18 áp sát đường 19 phối hợp chốt chặn, chia cắt con đường vận chuyển của địch. Bản thân ông Lâm Huế lúc đó là Tỉnh đội phó được Thường vụ Tỉnh ủy phân công phụ trách hướng mặt trận khu 6, chỉ đạo lực lượng đánh chiếm ấp Kồ, ấp Bar Maih, uy hiếp đường 14 và đánh nghi binh.
Chỉ chưa đầy 3 ngày sau (từ 13-3 đến 16-3), lực lượng của ta đã chiếm được ấp Kồ, ấp Bar Maih, đánh sập cầu Ia Pết, tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên địch, nhiều tên hoảng loạn bỏ chạy. Cùng lúc đó, lực lượng chủ lực ở các nơi đánh mạnh, địch rơi vào bẫy nghi binh của ta và tìm đường tháo chạy. “Chiều 16-3, tôi nhận được lệnh đưa lực lượng ra chốt chặn trên đường 14-đoạn Mỹ Thạch để tước vũ khí của địch trên đường tháo chạy. Lúc này, tinh thần của bọn ngụy vô cùng bạc nhược, chúng mặc đồ dân thường để ngụy trang tìm đường tháo chạy trong sự hỗn loạn và hoảng loạn”-ông Lâm Huế nhớ lại. “Khoảng 10 giờ sáng 17-3, tôi được lệnh vào tiếp quản thị xã Pleiku. Ngay lúc đó, không biết anh em dân quân mật ở Mỹ Thạch đã kiếm đâu ra hai chiếc xe Honda tức tốc chở tôi cùng một số đồng chí trinh sát tiến vào tiếp quản thị xã Pleiku. Vào tới trường học Pleiku, tôi gặp Trung đoàn 95 và cuộc bàn giao cũng diễn ra vô cùng nhanh chóng và giản đơn giữa hai vị chỉ huy với một câu nói của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 “ông nhận giùm Pleiku giúp tôi để tôi rút quân về Mặt trận nhận nhiệm vụ mới””- ông Huế kể tiếp.
Ông Lâm Huế. Ảnh: A.H |
Ngay sau khi tiếp quản thị xã Pleiku, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh nhanh chóng nắm bắt tình hình nội thị, tiếp quản các trung tâm hành chính quan trọng và các căn cứ quân sự đầu não trong thị xã. “Đầu tiên, chúng tôi bắt liên lạc với anh em nhà máy điện giữ ánh sáng suốt đêm, sau đó tiếp quản kho lương thực; thông báo những ai còn giữ vũ khí thì đem giao nộp; ổn định tư tưởng cho các tầng lớp nhân dân...”-ông Lâm Huế tiếp tục câu chuyện. Cùng với đó, Tiểu đoàn Đặc công 408 phối hợp cùng lực lượng tại chỗ tăng cường chốt chặn tại các ngã ba, thành lập các tổ kiểm soát cơ động, nhanh chóng ổn định tình hình đường phố, kịp thời ngăn chặn các hoạt động đập phá, cướp giật; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định đời sống. “Đêm đầu tiên sau giải phóng, đường phố Pleiku vắng tanh, đồ đạc, cuốc xẻng vứt ngổn ngang ngoài đường… Nhưng chỉ vài ngày sau, tình hình đã đi vào ổn định, nhân dân di tản trở về nơi cư trú, nhiều xe lương thực đã kịp thời cứu đói cho bà con…”- ông Lâm Huế cho biết.
Cũng theo ông Lâm Huế, lực lượng vũ trang tỉnh đã vận dụng linh hoạt, có hiệu quả phương châm đấu tranh bằng “hai chân ba mũi giáp công” đánh địch liên tục, không để cho địch tạo ra hai tuyến, vùng trắng để đánh phá ta. Hơn thế, các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh cũng đã được sử dụng vào các mục tiêu quan trọng, như: Tiểu đoàn 67 tham gia đánh phá các tuyến giao thông, giải phóng ấp chiến lược; 2 Đại đội Công binh 17, 18 tham gia cùng bộ đội chủ lực đánh địch trên đường 19, ngăn cản những đoàn xe tiếp tế của địch từ dưới đồng bằng lên Pleiku, buộc địch khó khăn trong tiếp tế đạn dược; còn du kích các xã cùng với đại đội địa phương thì tham gia phá ấp chiến lược, ngăn chặn hoạt động của bọn bảo an, dân vệ không thâm nhập được vào khu căn cứ của ta. Riêng lực lượng đặc công đã được dùng vào đánh những mục tiêu quan trọng như phá sân bay, kho xăng… tạo cho địch phán đoán sai và phân tán lực lượng.
Có thể nói, trong suốt những năm kháng chiến, lực lượng vũ trang tỉnh luôn sát cánh cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh, anh dũng, kiên cường, chủ động đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi và bằng mọi thứ vũ khí làm nên những thắng lợi to lớn.
Anh Huy