Theo PGS TS bác sĩ Vũ Nam-Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, tưa miệng là một thứ bệnh thường thấy ở trẻ em dưới 1 tuổi, đặc biệt là trẻ em mới sinh vì trong miệng, lưỡi trẻ em bị bệnh mọc dày một lớp vẩy trắng rất giống miệng con ngỗng cho nên gọi là nga khẩu sang (tuyết khẩu).
Nguyên nhân
Do nhiệt ẩn nấp từ trong bào thai, kết đọng ở tâm tỳ, sau khi sinh ra nhiệt độc hun bốc lên miệng, lưỡi thành bệnh.
Do nuôi dưỡng không đúng cách, cho bú không cẩn thận hoặc thân thể yếu cũng gây ra bệnh tưa lưỡi.
Triệu chứng
Khi bệnh này mới phát, trong miệng xuất hiện vẩy trắng, dần dần vẩy trắng lan khắp miệng, xung quanh vẩy trắng có một quầng màu đỏ hồng dính liền với nhau tương tự như một lớp váng sữa bò đóng lại, lau cũng không sạch được.
Một số trẻ em bị nặng, lớp vẩy trắng này mọc lan khắp miệng, chỉ trong vài ngày là lan khắp cả hầu họng, lớp này nổ chồng lên lớp khác rồi sưng lên làm tắc cửa họng, có khi lan đến lỗ mũi hoặc mình nóng, buồn phiền vật vã, miệng lưỡi lở loét, đau nhức, trẻ kêu khóc liên tục.
Một số trường hợp lớp vẩy ấy tích lại quá nhiều, làm cho ăn bú khó khăn, hơi thở cũng không thông, dẫn đến hậu quả không tốt.
Bệnh được chữa sớm rất tốt, chỉ trong 3 – 4 ngày có thể khỏi, nếu chữa không kịp thời, để đến mức vẩy trắng nổi lan đến hầu họng kèm theo chứng mặt xanh, môi tím, trong họng đờm kéo cưa, có thể dẫn đến tử vong.
Lở miệng, loét miệng cũng là một bệnh ở miệng. Lở miệng là ở những chỗ mép và hai bên lưỡi mọc ra nhiều bọng nước nhỏ, sắc trắng mà vỡ loét ra, sưng đỏ, đau nhức, phát nóng nhẹ và cách quãng; loét miệng là khắp miệng đều lở loét, đỏ mà đau.
Chứng trạng và phát bệnh của 2 chứng này gần giống như tưa miệng, nhưng không phải là tưa miệng nên phải phân biệt rõ. Nguyên nhân của cả 3 bệnh đều do nhiệt tích ở 2 kinh tâm, tỳ xông bốc lên miệng lưỡi mà sinh ra nhưng tưa miệng là ảnh hưởng đối với trẻ em tương đối nặng hơn lở miệng và loét miệng. Nguyên tắc điều trị tất cả các bệnh đó đều có thể hỗ trợ cho nhau.
Sau đây là bài thuốc của PGS TS bác sĩ Vũ Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
Phương pháp điều trị:
Thanh giải nhiệt tích ở tâm tỳ làm chủ yếu.
Phương thuốc: Dùng bài thanh niệt tả tỳ tán
Sinh địa 8g Đăng tâm 1g
Hoàng cầm 2g Hoàng liên 2g
Chi tử 4g Thạch cao 8g
Xích linh 8g
Nước 1 bát, sắc còn ½ bát, chia 2 lần uống.
Phối hợp dùng hoàng liên, cam thảo nấu lấy nước lau miệng, sau đó dùng băng bằng tán xát vào chỗ đau.
Băng phiến 2g Bằng sa 20g
Huyền minh phấn 20g Chu sa 2g
Các vị nghiền nhỏ, mỗi lần dùng 1 ít xát vào chỗ đau, ngày 5-6 lần, nếu đem thuốc này quấy với mật thành như hồ mà bôi vào miệng lưỡi thì càng thích hợp với trẻ em.
Theo VOV