(GLO)- 12 ngày đêm… Hà Nội và một số thành phố lớn ở miền Bắc trở nên đổ nát hoang tàn khi liên tục phải gánh chịu những trận mưa bom của giặc Mỹ. 12 ngày đêm… dù phải hy sinh, quân và dân ta chưa bao giờ nao núng và lung lay quyết tâm đánh đuổi bọn xâm lăng. Cả nước cùng hướng về thủ đô, trong đó có những người lính đang tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Vừa phải giành giật từng tấc đất với kẻ thù, họ vừa dõi theo cuộc chiến với một niềm tin tất thắng.
Ông Phạm Châu. |
Tìm gặp những người cựu chiến binh trong những ngày cuối tháng 12 lịch sử này, tôi được nghe từ họ nhiều điều thú vị. Ngày ấy, những ngày của “Mười hai ngày đêm” ấy, chiếc radio là cầu nối thông tin hữu hiệu nhất giữa hai miền hậu phương và tiền tuyến. Thông qua những bản tin được cập nhật liên tục trên đài, quân và dân ta ở miền Nam có thể theo dõi và nắm được tình hình chiến sự đang diễn ra ở miền Bắc.
Lật giở lại từng trang ký ức của 40 năm về trước, ông Vũ Ngọc Luyện-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh-chia sẻ: “Việc Mỹ sử dụng máy bay B.52, một trong 3 con át chủ bài chiến tranh bên cạnh tàu ngầm nguyên tử và tên lửa đạn đạo, để rải bom tấn công Hà Nội và một số thành phố lớn ở miền Bắc đã khiến cho chúng tôi cực kỳ lo lắng. Mặc dù tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào dự đoán của Bác Hồ khi Người còn sống nhưng thật sự rất lo, dù nhân dân đã sơ tán nhưng cơ quan đầu não của ta vẫn nằm đó”.
Ông Luyện sinh năm 1948 tại Đồng Phú-Lục Nam-Bắc Giang. Nhập ngũ rồi tham gia chiến đấu cùng Sư đoàn đặc công 305 thuộc Bộ Tư lệnh đặc công (Ba Vì, Hà Tây), đến tháng 6-1972, ông chuyển vào hoạt động tại chiến trường Quảng Nam (Quân khu 5). Cũng chính cuối năm đó, ông nghe tin Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng “siêu pháo đài bay B.52” tàn phá miền Bắc mà trọng tâm là Hà Nội, hòng xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán ở Paris (Pháp). “Nghe tin tức từ radio mà tôi và anh em trong đơn vị cứ hồi hộp theo từng ngày, không biết tình hình sẽ đi tới đâu. Đau lòng nhất là lúc nghe máy bay Mỹ đã ném 39 quả bom xuống phố Khâm Thiên (Hà Nội) vào buổi tối 26-12 làm nhiều người chết, bệnh viện Bạch Mai, nơi tồn tại là để cứu người mà người Mỹ cũng dội bom sang phẳng… Thế rồi mỗi lần biết được quân ta bắn hạ được thêm máy bay B.52 anh em ai cũng vui mừng khôn siết”- ông Luyện xúc động nhớ lại.
Lễ tưởng niệm đồng bào bị sát hại ở Khâm Thiên (Hà Nội) năm 1972. |
Là một người con của đại ngàn Tây Nguyên hùng vỹ, lớn lên theo tiếng súng và khói lửa chiến tranh, bà Rơ Châm H’Yéo đã nung nấu quyết tâm đánh giặc cứu nước ngay từ khi còn bé. Chứng kiến những người thân trong gia đình lần lượt quên mình vì Tổ quốc, bà càng quyết tâm một lòng theo Đảng, theo Bok Hồ và căm thù lũ giặc Mỹ xâm lược. Cùng chung niềm xúc cảm như ông Luyện, nữ cựu chiến binh cũng nhắc nhớ cho tôi những ký ức của mình về trận “Điện Biên Phủ trên không” đau thương mà oanh liệt năm nào.
Dù chỉ là gián tiếp nghe, gián tiếp cảm nhận nhưng với bà, đó là những tháng ngày không thể nào quên của mình và đồng đội: “Những ngày Mỹ rải bom B.52 xuống Hà Nội, Hải Phòng… cũng là lúc đơn vị tôi (Đại đội 31, Huyện đội khu 4-N.V) chuẩn bị đánh một trận lớn tại đồn Chư Nghé thuộc huyện Ia Grai bây giờ. Vừa phải hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi vừa dõi theo trận chiến ngoài đó qua loa phóng thanh. Lúc nào anh em cũng tin tưởng và cầu chúc cho Hà Nội thắng to. Rồi khi tin chiến thắng được báo về, cả đơn vị cùng cầm súng nhảy lên, ôm nhau hò reo vui mừng, nhất là những người quê ở ngoài Bắc vào đây chiến đấu”.
Khác với ông Luyện, bà H’Yéo, ông Phạm Châu (chi hội cựu Chiến binh tổ dân phố 5, phường An Tân, thị xã An Khê) bồi hồi nhớ lại: “Thời gian đó, tôi đang cùng đồng đội tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Ở nơi xứ người, chiếc radio mà chúng tôi mang theo người lúc đó là mối dây liên lạc duy nhất để cập nhật tin tức từ quê nhà vì sóng phát thanh vẫn có thể bắt được tuy ở đất bạn, nhưng cũng có lúc bị mất”.
Ông Châu bảo rằng, lúc nghe tin thắng trận, ông rất vui mừng phấn khởi. “Cái âm mưu biến Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá đã thất bại, tụi Mỹ đứng đầu là Nixon và tên cố vấn Kissinger khỏi còn cớ mà vênh váo, trở mặt, không chịu ký kết hiệp định Paris với ta nữa”-ông Châu khẳng khái.
Hy vọng vào canh bạc chót nhưng cuối cùng lại thất bại thảm hại, nhà cầm quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và nối lại cuộc đàm phán ở Paris. Theo lời những cựu chiến binh, cho đến giờ mới chỉ có Việt Nam là nơi duy nhất máy bay B.52 của Mỹ bị bắn hạ. Điều này một lần nữa khẳng định, với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết, đấu tranh vì chính nghĩa, một đất nước nhỏ có thể đánh thắng được một cường quốc lớn mạnh.
Những ngày này, bài hát “Hà Nội-Điện Biên Phủ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên lại vang lên đâu đó trên phố phường. Những ca từ như đưa chúng ta về với một thời đau thương mà oanh liệt của dân tộc-40 năm máu và hoa: “B52 tan xác cháy sáng bầu trời/Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời/Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu/Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù/Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng…”.
Hồng Thi