Bài ca Ia H'Drai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tháng Ba. Đất trời Ia H’Drai chói chang nắng và chan hòa gió. Nắng và gió Ia H’Drai như đang hát bài hát ca ngợi ý chí và nghị lực của con người nơi miền biên viễn.

Nằm ở phía Bắc xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, giáp với tỉnh Gia Lai, có đường biên giới dài hơn 76km với Campuchia, vùng đất rộng hơn 980km² này được gọi theo tên địa phương của sông Sa Thầy, tức Ia H’Drai.

Cứ như tài liệu tìm được, ghi chép sớm nhất về vùng đất này là trong tác phẩm Les Jungles moïs (Rừng Mọi) xuất bản năm 1912 của nhà thám hiểm Henri Maitre. Trong đó, ông mô tả một số làng của người Gia Rai, Rơ Măm mà ông đã gặp khi đi dọc theo thung lũng sông Sa Thầy.

Trong biên niên sử của vùng đất này, có những chặng dài lê thê chìm trong giấc ngủ sâu giữa đại ngàn. Kể cả nhiều năm sau giải phóng, vùng đất Ia H’Drai ngày nay còn hoang vu, thuộc xã Mô Rai, huyện Sa Thầy.

Quá trình đánh thức vùng biên viễn xa xôi nhưng giàu tiềm năng phát triển cây công nghiệp, năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió) bắt đầu từ tháng 12/2013, khi một phần diện tích và dân số của xã Mô Rai được tách ra để thành lập thêm 3 xã Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi.

Ngày 11/3/2015, lịch sử vùng đất này sang trang mới, với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 890/NQ-UBTVQH13 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Sa Thầy để thành lập huyện Ia H'Drai.

Là người gắn bó với Ia H’Drai từ những ngày đầu thành lập, tôi nhớ như in những lần chật vật vượt Quốc lộ 14C để vào Ia H’Drai, với dốc cao thăm thẳm, mưa xuống là lầy lội, vào không dễ mà ra lại càng khó. Những lần xuống điểm dân cư, có nơi cách trung tâm xã 40-60km, toàn đường mòn, chạy hun hút trong rừng, hiếm khi gặp bóng người.

Đêm về, ngồi bên đống lửa xua muỗi, mọi người lại chất chứa trong lòng bao lo toan. Ngay cả người lạc quan nhất cũng chẳng mơ đến cái ngày vùng biên viễn này “lột xác”.

Đúng là lửa thử vàng!

Những ngày ấy, người dựa vào người, ấm áp, nghĩa tình, đem ý chí và sức lực làm thay đổi vùng đất hoang vu, xua đi giá lạnh của núi rừng, đánh thức dải đất biên cương.

Không ai tin vào phép lạ, nhưng ai cũng tin rằng, sức lực, ý chí con người có thể làm nên những điều kỳ diệu. Những thành quả của ngày hôm nay, sự phát triển ổn định và bền vững hôm nay chính là điều kỳ diệu nhất mà đất và người Ia H’Drai đã làm được.


 

Giao thông được đầu tư mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: HL
Giao thông được đầu tư mở rộng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: HL


Xét ở nhiều phương diện, năm 2021 là một năm thành công của Ia H’Drai khi thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid - 19.

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản đạt và vượt kế hoạch, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn vẫn tăng hơn 200% so với năm 2020 (đạt 5.811,41 tỷ đồng, bằng 110,03 % kế hoạch). Thu ngân sách nhà nước tại địa bàn cũng vượt 87% dự toán tỉnh giao. Các nhóm ngành chủ lực như nông - lâm - thủy sản; công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ đều có bước phát triển.

Hệ thống tổ chức bộ máy từ huyện đến cơ sở được kiện toàn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Y tế, giáo dục, văn hóa đều có bước phát triển vượt bậc.


 

 Điện lưới về đã góp phần làm thay đổi diện mạo huyện vùng biên Ia H'Drai. Ảnh: HL
Điện lưới về đã góp phần làm thay đổi diện mạo huyện vùng biên Ia H'Drai. Ảnh: HL


Theo Chủ tịch UBND huyện Võ Anh Tuấn, các lĩnh vực trọng tâm, đột phá được quan tâm triển khai quyết liệt. Diện mạo của huyện khởi sắc với mạng lưới điện - đường - trường - trạm cơ bản đáp ứng yêu cầu; thương mại dịch vụ phát triển. Khu trung tâm huyện được đầu tư, mang dáng dấp đô thị vùng biên với nhiều công trình kiến trúc đẹp, hiện đại. Nhiều khu dân cư được hình thành với nhà cửa khang trang, tạo nên sức sống mới ở vùng biên.

Đặc biệt ấn tượng là cuối tháng 12/2021, xã Ia Dom được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Một kết quả mà khi thành lập huyện không ai dám nghĩ tới.

Sự đổi thay cũng hiện rõ ở từng mái nhà, trong mỗi bữa ăn. Trong chuyến công tác cuối năm 2015, tức là khoảng 9 tháng sau khi huyện thành lập, tôi được anh Lê Văn Hào (thôn 3, xã Ia Đal) “chiêu đãi” bữa cơm với rau rừng, cá khô...

Trong bữa cơm, không thể thiếu được phút giây ngậm ngùi khi nói về những cơ cực buổi đầu lập nghiệp nơi quê hương mới. Rừng núi mịt mùng, lâu lâu mới thấy nếp nhà mái tôn, vách ván, nền đất... Nắng thì như nung, gió quất hừng hực. Mưa thì sầm sập, ào ào, ngày này qua ngày khác.

Khó khăn rèn giũa con người nơi đây sự kiên cường, dẻo dai và chịu đựng. Cũng chính khó khăn đã kéo mọi người lại gần nhau hơn, sống quây quần, đùm bọc, yêu thương nhau hơn.


 

 Ia H'Drai khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su. Ảnh: HL
Ia H'Drai khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su. Ảnh: HL


7 năm trôi qua. Hơn 2.500 ngày gian khó nhưng luôn tràn đầy quyết tâm vươn lên. Đời sống của người dân đã và đang được nâng cao, nghèo thì vẫn còn, nhưng đói thì "cắt hẳn". Đường giao thông được đầu tư mở rộng, nâng cấp; điện lưới quốc gia kéo tới từng nhà; những ngôi nhà xây dần thế chỗ những nhà tạm.

Hồi đầu năm nay, cũng là nhà anh Hào, người cũ nhưng cảnh mới. Ngôi nhà khang trang, bề thế đã thay cho căn nhà lá lụp xụp nép bên rừng le.

Cũng mâm cơm nhà anh Hào, nhưng tôi hoa mắt bởi sự thịnh soạn. Gà thả đồi, cá dưới ao, rau xanh trong vườn, được chế biến bởi những đôi tay khéo léo của những phụ nữ Thái nên bắt mắt và dậy hương.

Rượu gạo ủ bằng men và chưng cất bằng bí kíp riêng của người Thái, rót tràn ly. Mọi người nâng ly, chúc cho cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Cũng có người thổn thức nhắc lại những ngày gian khó đã qua.

Âu cũng là ôn cố để tri tân, để thêm trân quý những gì đã có, đang có và sẽ có trong nay mai.

Và trong ngày tháng Ba này, nhắc đến Ia H’Drai, tôi thêm khâm phục những con người đã viết nên bài ca về ý chí, nghị lực ở Ia H’Drai.

 


https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/bai-ca-ia-h-drai-22991.html

Theo Hồng Lam (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.