Bài 2: Vượt sóng gió đến với lính trạm ra đa 595

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

.

(GLO)- Xuất phát từ Thổ Chu lúc 8 giờ tối thì đến 9 giờ sáng hôm sau (tức 5-1) chúng tôi đến đảo Hòn Khoai. Hành trình kéo dài đến 200 km khiến ai cũng thấm mệt. Lại cả đêm ngủ trên boong tàu bạt gió và cóng lạnh. Biển Tây mùa này đang gió chướng. Đã thế khi đến nơi còn tăng bo đến hai chặng bằng xuồng trước khi vào bờ, do xuồng lớn không vào được vì bãi cạn. Ai nấy nhanh chóng xắn quần, bỏ giày, lội bộ lên bờ, trong khi mấy nhà báo nữ thì được các chiến sĩ ưu ái cõng vào.

Lạ lẫm đảo Hòn Khoai

Hòn Khoai thuộc xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là quần đảo gồm 5 đảo lớn nhỏ (đảo có các đơn vị làm nhiệm vụ, diện tích lớn nhất-488 ha). Đây cũng là hòn cao nhất với 365 mét so với mực nước biển và là đảo cao nhất trong vùng gồm: Thổ Chu, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du và Hòn Đốc mà chúng tôi theo đoàn lãnh đạo Vùng 5 Hải quân, đại diện các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến thăm và chúc Tết các đơn vị đang làm nhiệm vụ tại đây.

Đảo Hòn Khoai. Ảnh: Thất Sơn
Đảo Hòn Khoai. Ảnh: Thất Sơn

Tranh thủ hỏi chuyện, Đại úy, Chính trị viên Nguyễn Tiến Năng giới thiệu: Hòn Khoai là đảo xa nhất ở trong vùng và không có người ở. Trên đảo, ngoài đồn Biên phòng 700 còn có trạm ra đa (HQ), hạt kiểm lâm, trạm hải đăng và 2 doanh nghiệp đang thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội. Nhìn chung tình hình hoạt động trên vùng biển không có nhiều biến động. Thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm đồn đều xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động tuyên truyền, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Đặc biệt công tác tuyên truyền luôn được tăng cường, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) nêu cao tinh thần cảnh giác, rèn luyện phẩm chất đạo đức, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Là đảo xa bờ nên đời sống CBCS gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhất là điện thắp sáng; mùa nắng thì dùng điện mặt trời mùa mưa dùng máy phát.

Ngoài chế độ quy định, để có thêm chất tươi, đơn vị phát động tăng gia sản xuất quanh bếp, quanh vườn, trị giá 40 triệu đồng/năm, góp vào bữa ăn cho CBCS; đảm bảo dự phòng đủ thực phẩm xanh, sạch, tươi. Để khắc phục khó khăn, cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích cho CBCS, cũng là để xóa đi sự thiếu thốn nhiều mặt như: Thể thao-văn hóa, xem ti vi, giao lưu với các đơn vị bạn. Trong không khí Xuân mới đến gần, CBCS vừa vui Xuân vừa làm nhiệm vụ. Những ngày Tết, ngoài sự chuẩn bị tại đơn vị, đồn còn có kế hoạch giao lưu với ngư dân còn lưu lại đảo, viết thư chúc Tết, thăm hỏi các đơn vị kết nghĩa…

Chúng tôi tiếp tục hành trình leo núi để thăm và chúc Tết Tiểu đội Ra đa 595.

Ăn Tết với lính trạm ra đa

Leo núi mệt như thế nhưng khi đến trạm ra đa 595 thuộc Tiểu đoàn 551 Vùng 5 Hải quân trên độ cao 365 mét, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ xúc động với cỗ Tết đã được các chiến sĩ bày ra từ hồi nào. Nỗi khổ của chúng tôi trong một chặng leo núi có là gì so với các chiến sĩ nơi đây ngày ngày lên xuống công tác...

Cây củ khoai rạn, Ảnh: Thất Sơn
Cây củ khoai rạn, Ảnh: Thất Sơn

Dưới bóng mát của những cành nhãn và màu xanh thích mắt của chuối, mận, đu đủ, mít… Trạm trưởng ra đa 595- Đại úy Lê Văn Phong cho biết: Để vừa vui Xuân vừa làm nhiệm vụ, tiếp nhận chỉ thị của Bộ Tư lệnh Vùng, trạm có kế hoạch cụ thể, trên hết là động viên chiến sĩ an tâm công tác, phân công trực, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên đảo trong khi làm nhiệm vụ, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động để chiến sĩ vui Xuân, giao lưu cùng ngư dân cho bớt nỗi nhớ nhà và gắn bó với đơn vị.

Chúng tôi vẫn hiểu đời lính gian khổ là thường nhưng nhìn cỗ bàn thết đãi khách đã chuẩn bị sẵn, lòng không khỏi ái ngại. Họ đã phải vất vả để có một bữa tươi thịnh soạn. Nào là bánh chưng, thịt kho, dưa muối, cơm thơm. Các chiến sĩ cứ lăng xăng tiếp thức ăn cho khách và liên tục mời rượu chúc mừng. Không ai trong đoàn là không uống; mấy chị phụ nữ miệng cười mà mắt cứ rưng rưng. Chị Thu cùng các chị em đoàn Cần Thơ đã hát không biết mệt tặng CBCS, cả song ca với lính. Không khí vui vẻ tưởng đến ngất trời và tưởng chưa biết đến khi nào mới thôi...

Là hòn đảo gắn liền với tên một thứ khoai có thể nuôi sống con người, nhưng không là thứ khoai ngon mà chỉ giúp cầm hơi ấm lòng lúc thiếu đói gian khổ, khó khăn. Chúng tôi đã không khỏi bàng hoàng khi vừa cập chân đến đảo đã thấy tấm bia kỷ niệm: Từ năm 1940 Tỉnh ủy Bạc Liêu đã quyết định thành lập chi bộ Đảng tại đây, do đồng chí Phan Ngọc Hiển làm Bí thư, gầy dựng cơ sở, phát động phong trào cách mạng, lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Hẳn trong những ngày tháng gian khó đó, “thực phẩm” trên đảo đã có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với các vị cách mạng tiền bối. Thứ khoai rừng hay còn gọi là khoai rạn (vì mọc lâu năm, trên đá cằn nên hình thù rạn vỡ, bám chặt vào hốc đá) mọc trên đảo trông giống khoai mỡ miền Nam, tuy không ngon nhưng có thể giúp cầm hơi lúc thiếu thốn, ngặt nghèo. Gọi đảo là Hòn Khoai cũng bởi từ đó. Không chỉ các chiến sĩ cách mạng trung kiên, thứ khoai này còn giúp cho bao ngư dân lúc đói lòng cầm hơi khi tấp vào đảo tránh bão tố.


Không khó khăn gì khi săn lùng loại khoai này. Đã thấy một gốc khoai. Ai đó vừa đào để lấy một phần củ non, dây khoai còn cắm sâu dưới đất. Không nỡ dứt dây để lôi củ lên, mà cũng chẳng thể moi khoai bằng kiểu ấy vì khoai mọc trên núi đá.

Hòn Khoai còn được biết đến bởi loại ốc rừng đặc biệt. Chúng khẳng khiu, chỉ bằng ngón chân cái nhưng thịt thơm, chắc và rất ngon. Các chiến sĩ trên đảo cho biết loại ốc này có giá đến vài trăm ngàn đồng một ký lô (bán tại đảo cho thương lái). Do ốc bám vào cây rừng, ăn lá rừng nên chúng có tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh rất tốt.

Nghe thích lắm nhưng làm thế nào để thưởng thức? Không có nhiều thời gian để thỏa mãn sở thích của mình. Đã đến lúc tàu nhổ neo, thẳng tiến đến đảo Nam Du, chặng tiếp theo của hành trình…

Thất Sơn
 

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

Đập tan âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước - Kỳ cuối: Vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân

(GLO)- Quá trình điều tra vụ án “Phan Thị Thảo cùng đồng phạm hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, mỗi điều tra viên đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, mưu trí, sắc bén. Chiến công ấy góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.