(GLO)- Với mục đích phục vụ nhu cầu kinh doanh, thương mại, giới thiệu, quảng bá… nhưng vì sao biển hiệu quảng cáo lại trở thành “rác trời”? Chính sự lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, thậm chí là “bỏ quên” trong quy định quản lý ở một số lĩnh vực cần thiết và sự thiếu quyết liệt, triệt để của ngành chức năng địa phương là “liều thuốc sống” của vấn đề này.
Nghẹt thở vì biển quảng cáo
Nếu chạy dọc theo những tuyến phố kinh doanh sầm uất của TP Pleiku như: Trần Phú, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng… khó tìm được một không gian “dễ thở” của những ngôi nhà, cửa hiệu kinh doanh buôn bán. Mặt tiền cửa hiệu, ngoài không gian dành để buôn bán, trưng bày, còn lại đều bị bịt kín bởi biển hiệu: Bên trên, hông phải- trái, tường ngoài của nhà (nếu chưa bị che lấp) và thậm chí cả vỉa hè cũng được trưng dụng làm nơi đặt biển hiệu. “Cuộc đua” biển hiệu cũng chính là một trong những chiến lược quan trọng trong cuộc cạnh tranh với các “đối thủ” kinh doanh khác. Và dĩ nhiên, bành trướng về kích thước, phô diễn lòe loẹt về màu sắc dẫn đến làm nhếch nhác vẻ ngoài ngôi nhà trong nhiều trường hợp, kéo theo sự mất mỹ quan đô thị chắc chắn là điều không thể tránh khỏi.
Tấm biển hiệu này cũng độc không kém. Ảnh: Lê Hòa |
Chị H, chủ một cửa hàng điện thoại di động trên đường Trần Phú, cho biết: Cửa hàng chị trưng bày biển hiệu không cần phải xin phép bất kỳ một cơ quan chức năng nào. “Mình có nhu cầu thì cứ thế mà làm thôi, mà cũng chẳng thấy ai hỏi han gì”- Chị H cho biết. Đếm sơ sơ tại cửa hàng chị cũng có không dưới… 5 tấm biển hiệu quảng cáo. Lý giải cho sự phong phú này, chị cười: “Xung quanh ai cũng treo la liệt biển hiệu, mình không treo vậy làm sao khách biết, cạnh tranh sao lại với người ta!”.
Còn trên tuyến đường Trường Chinh, dù tuyến QL 14 đang trong quá trình thi công, việc kinh doanh buôn bán của bà con ít nhiều gặp khó nhưng mặc cho sự nham nhở, dở dang của con phố, các cửa hàng, cửa hiệu vẫn thi nhau treo, đặt biển hiệu quảng cáo. Tuyến đường vốn nhếch nhác bởi thi công dở dang lại được “trang hoàng” thêm những cửa hàng với vô số biển hiệu lớn nhỏ khiến không ít chỗ nhìn cảm thấy khó chịu. Ví dụ như tại cửa hàng H.T (QL14-Chi Lăng-TP Pleiku), tuy chỉ là một cửa hàng tạp hóa nhỏ và lụp xụp nhưng cũng mang trên mình … 14 tấm biển hiệu quảng cáo. Dường như, những tấm biển hiệu quảng cáo được chủ nhân ngôi nhà trên- ngoài mục đích quảng cáo còn “tạo dáng”, che lấp khuyết điểm của căn nhà đã không còn mấy “đẹp mã” này. Không riêng cửa hàng này mà còn rất nhiều cửa hàng khác như: Tiệm dán keo xe, bọc nilon T. ở ngã tư Hoàng Văn Thụ- Hùng Vương sở hữu 8 biển hiệu, điện thoại di động T. N (Hùng Vương) treo tới 9 biển hiệu quảng cáo… còn các cửa hàng, biển hiệu treo 5-6 bảng hiệu thì nhiều đến mức đếm không xuể.
Án ngữ ngay tuyến đường cửa ngõ, tấm biển hiệu này đã tồn tại nhiều năm nay. Ảnh: Lê Hòa |
Đó là tình trạng lộn xộn của các biển hiệu quảng cáo. Góp phần vào sự rối rắm của tệ “rác trời” còn là vô số những tấm biển quảng cáo ngoài trời khổ lớn. Trên những tuyến đường cửa ngõ dẫn vào thành phố Pleiku (khu vực dốc Hàm Rồng, An Phú, đường 14 từ Chư Pah đi Pleiku), đập vào mắt người đi đường là rất nhiều tấm biển quảng cáo cỡ lớn đã nhếch nhác, bong tróc, thậm chí đã trơ khung sắt từ lâu song vẫn “hiên ngang” làm dáng. Điển hình như biển quảng cáo Tisco, quảng cáo Rinnai (dốc Hàm Rồng), VSAT-IP (P. Yên Thế-TP Pleiku)…
Ngang nhiên qua mặt cơ quan chức năng
Tất cả những loại biển quảng cáo trên đã góp phần tạo nên một không gian quảng cáo lộn xộn, nhem nhuốc, mất mỹ quan phố núi Pleiku. Tuy nhiên, lý giải cho câu hỏi vì sao các cửa hàng, cửa hiệu lại được trưng bày nhiều biển hiệu quảng cáo với kích cỡ tùy thích như vậy, một cán bộ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Gia Lai cho rằng, đó là quyền tự do của mỗi hộ kinh doanh. Hiện tại chưa có quy định nào khống chế hoặc quy định số lượng, kích cỡ của biển hiệu quảng cáo hộ gia đình, Sở mới chỉ có thể can thiệp và quản lý về mặt nội dung, ngôn ngữ thể hiện trên biển hiệu. Điều đó đồng nghĩa với việc, chủ cửa hàng được tự do trưng bày, thiết kế biển hiệu quảng cáo của mình theo ý muốn, miễn không sử dụng câu, từ, ngôn ngữ phản văn hóa và hình ảnh, tên sản phẩm in trên biển hiệu là của những sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép công nhận.
Còn với biển hiệu quảng cáo ngoài trời, theo quy định, Sở Văn hóa- thể thao và Du lịch chỉ cấp phép cho đơn vị quảng cáo trong phạm vi giới hạn 1 năm. Điều này để gắn trách nhiệm của đơn vị trong việc tu sửa, nâng cấp khi cần thiết, tránh tình trạng để biển hiệu nhếch nhác, xuống cấp. Quy định là thế, vậy nhưng trên thực tế, vẫn còn có rất nhiều biển quảng cáo tấm lớn ở trong tình trạng nhếch nhác, rách rưới. Không đâu xa, ngay mặt tiền Trung tâm thương mại Pleiku phía đường Trần Phú có một tấm biển quảng cáo khổ lớn đã trơ khung sắt, mà theo một số hộ kinh doanh buôn bán gần đây thì tấm biển hiệu này đã tồn tại trong tình trạng này cả năm nay.
Không chỉ nhếch nhác, làm mất mỹ quan đô thị mà nhiều biển quảng cáo tấm lớn còn vi phạm về mặt kích thước. Theo quy định, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch chỉ cấp phép cho những tấm biển quảng cáo ngoài trời tối đa 150m2 đối với khu vực ngoại thành và 40m2 đối với khu vực nội thành, nội thị. Thế nhưng, khu vực nội thành vẫn xuất hiện một vài tấm biển quảng cáo vượt quá kích cỡ. Nhiều chủ đơn vị quảng cáo “lách luật” bằng cách gắn trực tiếp biển quảng cáo lên … tường nhà, tức “hô biến” quảng cáo tấm lớn thành biển hiệu, tránh bị bắt lỗi.
Điều 29, khoản 5, điểm b Nghị định 75/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-7-2010 quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa: Phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo số điện thoại, địa chỉ người làm dịch vụ không đúng nơi quy định; viết, vẽ, dán quảng cáo lên tường, gốc cây, cột điện và các vật thể khác làm mất mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường… |
Riêng với “quảng cáo rác”, điều lạ là, dù đã có quy định rất cụ thể và rõ ràng về việc xử lý vấn đề này, song, hiện trạng này vẫn như một căn bệnh nan y. Thậm chí, ngày càng có nhiều hơn những tờ giấy “quảng cáo rác” in, dán lên các công trình công cộng. Còn tình trạng phát tờ rơi vẫn là chuyện thường thấy ở các ngã tư, ngã ba đèn xanh đèn đỏ.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao những vi phạm về quảng cáo trên tồn tại một cách công khai? Trả lời câu hỏi này, ông Nay Kỳ Hiệp- Phó Giám đốc kiêm Chánh thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho rằng, lực lượng thanh tra Sở còn quá mỏng, chỉ có 5 người, phương tiện hỗ trợ làm việc lại rất hạn chế, trong khi hầu hết các đơn vị quảng cáo vi phạm lại có trụ sở ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… họ chỉ đặt điểm thuê quảng cáo tại Gia Lai nên khi vi phạm, Sở có mời họ đến làm việc thì cũng chỉ có rất ít đơn vị hợp tác. Trường hợp bắt buộc phải tháo dỡ thì cũng rất khó cho lực lượng thanh tra(?)
Quy định về biển hiệu quảng cáo còn là một khoảng trống, với biển hiệu quảng cáo tấm lớn ngoài trời, “quảng cáo rác” lại “tắc tị” vì nhiều lý do. Tình trạng vi phạm pháp lệnh quảng cáo và sự bôi bẩn phố phường bởi biển hiệu có lẽ đã, đang và sẽ không là điều khó lý giải ở đô thị loại II này.
Lê Hòa