Để phục vụ công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội cho khu vực vùng sâu, vùng xa, UBND tỉnh Gia Lai sẽ trình Chính phủ phê duyệt một số dự án xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông liên huyện. Sau khi hoàn thành các dự án này, cùng với hệ thống giao thông mang tính hướng tâm, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành một số tuyến “mạch vòng”, tạo nên sự thông suốt trong hệ thống đường bộ ở Gia Lai.
Ngày 14-1-2010, UBND tỉnh Gia Lai ra Quyết định thông qua đề xuất dự án đầu tư xây dựng 3 tuyến đường liên huyện theo hình thức hợp đồng xây dựng- chuyển giao (BT).
Tuyến thứ nhất dài khoảng 70 km, đi qua các huyện: Chư Prông, Chư Sê và Mang Yang. Tuyến này có điểm đầu dự kiến là xã Bình Giáo, huyện Chư Prông (tiếp giáp với quốc lộ 19), điểm cuối là xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang (tiếp giáp với tỉnh lộ 666). Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án này khoảng 645 tỉ đồng. Tuyến thứ hai đi qua 3 huyện: Chư Pah, Ia Grai và Đức Cơ. Theo đó, điểm đầu là xã Ia Khươl, huyện Chư Pah (tiếp giáp với quốc lộ 14) và điểm cuối là thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ (tiếp giáp với quốc lộ 19). Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 72,4 km, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 641,6 tỉ đồng. Đi qua các huyện: Chư Sê, Chư Prông và Đức Cơ là tuyến đường liên huyện thứ ba. Với điểm đầu là xã Hbông, huyện Chư Sê (tiếp giáp với quốc lộ 25) và điểm cuối là thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, chiều dài toàn tuyến là 84 km. Theo dự toán, tổng kinh phí đầu tư cho tuyến đường này lên đến 819 tỉ đồng.
Nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn. Ảnh: Đức Thụy |
Theo hồ sơ đề xuất dự án đầu tư, cả 3 tuyến đường nêu trên sẽ xây dựng theo tiêu chuyển cấp 4 miền núi, nền rộng 7,5 mét, mặt đường rộng 5,5 mét, bê tông nhựa. Tổng mức đầu tư cả 3 tuyến xấp xỉ 2.107 tỉ đồng.
Sau khi 3 tuyến đường trên hoàn thành việc xây dựng, các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện phía Tây tỉnh sẽ được nối kết. Khoảng cách lưu thông giữa các vùng sẽ được rút ngắn, thay vì phải đi vòng như trước. Thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ), gắn với Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, sẽ trở thành một đầu mối giao thông quan trọng kết nối các huyện: Chư Pah, Ia Grai, Chư Sê và Chư Prông. Theo ý kiến của một số lãnh đạo các địa phương nói trên, việc xây dựng các tuyến đường liên huyện góp phần phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng- an ninh trên địa bàn. Riêng về kinh tế, hàng hóa- đặc biệt là các mặt hàng nông sản được lưu thông thông suốt, người dân không còn cảnh mua đắt- bán rẻ.
Về dự án xây dựng các tuyến đường liên huyện, ông Trần Duy Hiếu- Trưởng ban Quản lý dự án Đầu tư-Xây dựng chuyên ngành Giao thông tỉnh: Tuy kinh phí đầu tư xây dựng lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng các dự án đường liên huyện có ý nghĩa kinh tế- xã hội rất lớn. Nó góp phần làm thay đổi cảnh quan nông thôn miền núi. Vì vậy, rất có khả năng nhận được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và các doanh nghiệp.
Ngoài 3 tuyến đường có quyết định thông qua đề xuất dự án đầu tư, Sở Giao thông-Vận tải đang đề xuất dự án đầu tư xây dựng 2 tuyến giao thông quan trọng khác, đó là tuyến Chư Pah- Đak Đoa- Kbang và tuyến Kông Chro- Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Riêng tuyến thứ nhất có điểm đầu là xã Đak Tơ Ve (Chư Pah) và điểm cuối là xã vùng sâu Kon Pne (huyện Kbang). Nếu được triển khai thực hiện, các xã vùng căn cứ cách mạng và các xã đặc biệt khó khăn của 3 huyện nói trên, nhất là huyện Kbang sẽ có cơ hội phát triển.
Cùng với việc triển khai hàng loạt dự án xây dựng, nâng cấp hệ thống tỉnh lộ, việc xây dựng và kêu gọi đầu tư xây dựng các tuyến đường liên huyện thể hiện sự nhận thức đúng đắn về vai trò to lớn của hệ thống giao thông đường bộ. Với nhận thức và tầm nhìn như vậy, hy vọng trong tương lai không xa mạng lưới đường sá trong tỉnh sẽ được hoàn chỉnh, góp phần vào việc rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa tỉnh nhà.
Duy Danh