Bài 1: Nhu cầu cấp thiết thu hút đầu tư nguồn và lưới điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo ước tính, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, mỗi năm, Việt Nam cần đầu tư ít nhất khoảng tám tỷ đến 10 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện, phục vụ nhu cầu phát triển đất nước. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư nhà nước có hạn, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, việc tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp ngoài ngành điện là hết sức quan trọng, nhất là các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và nước ngoài.
Sôi động xã hội hóa đầu tư
 
Công ty cổ phần Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận chính thức đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (Ninh Thuận) và hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: THIỆN NHÂN
Công ty cổ phần Công nghiệp năng lượng Ninh Thuận chính thức đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh (Ninh Thuận) và hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: THIỆN NHÂN
Thời gian qua, có nhiều dự án nhà máy điện tại Việt Nam đã được triển khai thực hiện theo hình thức BOT. Đây là các dự án có quy mô lớn về công suất và tổng vốn đầu tư, do các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Hoạt động đầu tư nước ngoài vào các dự án nguồn điện có ý nghĩa quan trọng, giúp giảm áp lực vốn cho Chính phủ, góp phần chuyển giao công nghệ, sáng kiến kỹ thuật, kỹ năng quản lý dự án... Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Hoàng Tiến Dũng cho biết, nhờ các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) của Chính phủ, thời gian qua, các nguồn điện từ NLTT đã phát triển mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 10-2020, có hơn 100 dự án điện mặt trời (ĐMT) và 11 dự án điện gió với tổng công suất gần 6.500 MW đi vào vận hành thương mại. Đồng thời, hiện có 359 nhà máy thủy điện nhỏ với công suất hơn 3.700 MW đang vận hành và 155 dự án thủy điện nhỏ khác (công suất hơn 2.100 MW) đang xây dựng; ngoài ra còn có một số nhà máy điện sinh khối (khoảng 325 MW) và nhà máy điện rác thải (10 MW) cũng đã hòa lưới điện. Việc phát triển các dự án điện NLTT cũng góp phần phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị ĐMT, các dịch vụ kỹ thuật và quản lý dự án; khai thác hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; thu hút lượng vốn xã hội lớn đầu tư vào hạ tầng ngành điện.
Bên cạnh đó, nhiều NĐT tư nhân trong nước đã tham gia đầu tư các dự án nhiệt điện than như Nhiệt điện An Khánh (100 MW) hay Thăng Long (600 MW) đã đi vào vận hành; các dự án An Khánh - Bắc Giang (600 MW), Công Thanh (600 MW) đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Các NĐT trong nước còn tham gia đầu tư lưới điện để đấu nối các dự án nguồn, điển hình là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đầu tư dự án ĐMT (450 MW) tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải bao gồm trạm biến áp 500 kV và đường dây 500 kV, 220 kV đấu nối và bàn giao lại 0 đồng cho ngành điện quản lý. Các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện lực đã cho thấy những thành công bước đầu. 
Các địa phương cũng tích cực vào cuộc, theo sát xu thế phát triển NLTT. UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 37 nhà máy điện đang hoạt động, bao gồm các loại nhiệt điện, thủy điện, điện gió, ĐMT và đi-ê-den với tổng công suất hơn 6.116 MW; cung cấp sản lượng điện hơn 30,78 tỷ kW giờ/năm. Tỉnh Ninh Thuận đã có 41 dự án đi vào vận hành với tổng công suất 2.633 MW và 23 dự án đang triển khai với tổng công suất 2.089 MW; ước tính đến cuối năm 2020, sản lượng phát điện tối đa đạt khoảng 3,5 tỷ kW giờ. Còn theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Văn Quảng, đối với dự án Trung tâm Điện lực Vũng Áng 3, thay vì sử dụng nhiên liệu than như ban đầu, hiện nay đã có một số NĐT có văn bản chính thức đề xuất khảo sát, nghiên cứu đầu tư chuyển đổi sang sử dụng khí hóa lỏng (LNG) để phát điện và nâng công suất lên 4.800 MW như: Liên danh Công ty CP Tập đoàn T&T - Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Vingroup; Liên danh Công ty TNHH Siemens Gas & Power (Đức) - Công ty Samsung C&T (Hàn Quốc)… 
Nhu cầu lớn, nguồn lực hạn chế
Báo cáo “Việt Nam huy động tối đa nguồn tài chính để phát triển ngành năng lượng” do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện đã chỉ ra, trong ngành năng lượng, nhu cầu tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 13% kể từ năm 2000 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 8%/năm cho đến năm 2030. Để đáp ứng mục tiêu này, mỗi năm Việt Nam cần phải lắp đặt 5.000 MW công suất mới từ nay đến năm 2030. Điều này đặt ra rất nhiều thách thức về kỹ thuật, quản lý và tài chính. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Hội đồng khoa học của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nếu ước tính cả vốn đầu tư nguồn và lưới điện, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, hằng năm cần khoảng hơn 13 tỷ USD, giai đoạn sau năm 2030 cũng khoảng 12 tỷ USD/năm. Với quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn thì đây là thách thức rất lớn. 
Theo Bộ Công thương, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021 - 2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kW giờ và năm 2030 khoảng 478,1 tỷ kW giờ. Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138 nghìn MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí 19%, thủy điện 18%, điện gió và ĐMT 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác. Khó khăn lớn nhất đối với phát triển hạ tầng ngành điện là vấn đề thu xếp vốn cho dự án. Với đặc thù ngành năng lượng cần vốn đầu tư cao, chậm thu hồi, trong khi các DN trong nước chưa đạt được mức uy tín tài chính để có thể tự đi vay, do đó việc thu xếp nguồn vốn vay sẽ khó khăn hơn do các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng khắt khe, thậm chí không tiếp tục cấp vốn cho các dự án nhiệt điện than. Đồng thời, hầu hết các DNTN còn ít kinh nghiệm đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án điện; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật còn hạn chế... dẫn đến tình trạng nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt gần 60% so quy hoạch đề ra. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận định, việc huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện từ tám đến 10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính, trong khi đó, các dự án nguồn điện do tư nhân và NĐT nước ngoài cũng trong hoàn cảnh tương tự do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ chuyển đổi ngoại tệ…). Mặt khác, thách thức không nhỏ hiện nay là nguồn điện từ NLTT phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Cùng với đó, Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu khí LNG cho sản xuất điện (khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030). Tất cả những yếu tố này đã cản trở quá trình tăng trưởng nguồn điện của nước ta.
Bên cạnh đó, một vấn đề cần quan tâm là công suất dự phòng nguồn điện. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm chia sẻ: EVN rất hoan nghênh các NĐT tham gia phát triển hạ tầng năng lượng, giảm áp lực cho ngành điện. Tuy nhiên, đối với các dự án phát triển NLTT, các cơ quan chức năng cần lưu ý vấn đề về công suất dự phòng nhất định của các nguồn điện truyền thống bởi các nguồn điện gió, ĐMT chịu ảnh hưởng thất thường của thời tiết khiến công suất phát không bảo đảm, ảnh hưởng sự ổn định của hệ thống điện quốc gia. 
Hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện
Một trong những trở ngại nữa trong thu hút đầu tư vào phát triển điện là hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, nhất là đối với đầu tư lĩnh vực NLTT. Theo GS, TSKH Nguyễn Mại, cản trở nhất là bất cập về thể chế. Điểm thuận lợi là chúng ta tiếp cận điện gió, ĐMT ở thời điểm công nghệ thế giới đã thay đổi, có thể giảm giá thành, từ đó giảm giá điện, nhưng cách tiếp cận NLTT lại không đồng bộ, không dài hạn và thiếu tính hệ thống. Cụ thể, đầu tư một dự án ĐMT phải có diện tích hàng trăm héc-ta, liên quan nhiều luật và cả “rừng” nghị định với các điều khoản chồng chéo; cách hiểu luật của mỗi cơ quan quản lý một khác khiến NĐT rất nản lòng. Chính sách ưu đãi đã có nhưng thời gian áp dụng quá ngắn, trong khi quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí của NĐT, nhất là thủ tục cấp đất, giải phóng mặt bằng. Vấn đề quy hoạch cũng cần phải được bàn bạc để rút kinh nghiệm và cần lưu ý vấn đề an ninh quốc gia trong quá trình triển khai các dự án...
Đáng lưu ý, nguồn vốn tài trợ các dự án NLTT vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, chưa có sự tài trợ của các nguồn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư… TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá, ngay cả các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng chưa có định hướng cụ thể cho tài trợ phát triển NLTT mà chủ yếu thực hiện thông qua định hướng tín dụng xanh với tỷ trọng dư nợ còn khá thấp. Hơn nữa, các NHTM phải thực hiện quy định giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, cho nên nguồn tài trợ từ các NHTM cho dự án điện không thể dồi dào vì ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn từ dân cư trong khi các dự án năng lượng phải đầu tư trong thời gian dài. Mặt khác còn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin, đánh giá rủi ro dự án NLTT do lĩnh vực này còn mới, các quy định về hỗ trợ NLTT chưa thật sự rõ ràng và nhất quán. Một số chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm và có tình trạng đầu tư theo tâm lý, phong trào và còn hiện tượng lách luật. 
Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ và phân cấp ưu tiên giữa Quy hoạch điện với các quy hoạch địa phương, các quy hoạch ngành khác như phát triển rừng, sử dụng đất, biển, liên vùng, quốc phòng… dẫn đến khả năng xung đột khi triển khai quy hoạch. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Thành Nguyễn Trung Kiên chia sẻ, NĐT ngại nhất là sự không ổn định, không rõ ràng và chậm khắc phục những điểm bất hợp lý, điểm trống trong cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan các dự án NLTT. Đồng thời còn phát sinh nguy cơ bị cắt giảm công suất phát; các thủ tục về đất đai còn rườm rà; những bất hợp lý trong việc áp dụng chính sách đối với các dự án điện gió trên biển. Việc quá tải lưới điện truyền tải cũng làm giảm khả năng cung cấp nguồn, giảm động lực của các NĐT... Chính những bất cập nêu trên đang phần nào cản trở nỗ lực thu hút đầu tư xã hội hóa vào phát triển hạ tầng năng lượng điện. 
(Còn nữa)
GIANG CHÂU, HÀ TUẤN TRUNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.