Những năm trước đây khi Viễn thông và Bưu chính còn chưa chia tách, Bưu điện tỉnh Gia Lai là một trong những đơn vị dẫn đầu về sản xuất kinh doanh của tỉnh. Phong trào thi đua sản xuất đến hoạt động thể thao, văn nghệ hay hoạt động xã hội, từ thiện cũng luôn được tỉnh đánh giá cao, nhất là những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà, đảm bảo an toàn thông tin liên lạc… Thế nhưng, trước sự cạnh tranh khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường, khi sự “độc quyền” không còn nữa thì “mọi sự đã khác”: Ngành Bưu điện đã qua thời kỳ “đỉnh cao” và đang có nguy cơ “tụt dốc”.
Quầy giao dịch Bưu điện tỉnh. Ảnh: Nguyễn Giác |
Năm 2011, Bưu điện tỉnh đặt ra mục tiêu doanh thu tính lương (DTTL) trên 22,25 tỷ đồng. Nhưng lũy kế 10 tháng năm 2011 DTTL mới đạt 16,712 tỷ đồng (bằng 75,1% kế hoạch năm). Riêng tháng 10, tổng số doanh thu phát sinh chỉ đạt 2,178 tỷ đồng (bằng 65,4% kế hoạch), tổng DTTL đạt 1,768 tỷ đồng (bằng 74,13% kế hoạch). Vì vậy, khả năng hoàn thành kế hoạch là rất khó, trong khi đơn vị lại “mất” đi một khoản doanh thu lớn từ dịch vụ thu cước viễn thông do Viễn thông Gia Lai đã “lấy” lại dịch vụ này.
Nhận xét về tình hình này, ông Đinh Hồng Quang- Chánh Văn phòng Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam trong buổi làm việc mới đây cho rằng: “Phải thẳng thắn nhìn nhận là sự phát triển của Bưu điện tỉnh Gia Lai chưa tương xứng với điều kiện thực tế và yêu cầu của Tổng Công ty. Gia Lai là thị trường còn nhiều tiềm năng, song việc tổ chức khai thác đáp ứng nhu cầu khách hàng còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh của Bưu điện tỉnh còn thấp”.
Theo đó, Tổng Công ty yêu cầu Bưu điện tỉnh cần xem xét, rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp để khắc phục khó khăn hiện tại. Tiếp tục tính toán đổi mới tổ chức quản lý, cơ cấu sản xuất, sắp xếp lao động (đặc biệt là lao động tại khu vực TP. Pleiku)…
Quyết tâm này đã tạo nên một “cơn lốc” khủng hoảng trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công tác tổ chức, sắp xếp công việc tại Bưu điện trung tâm TP. Pleiku. Nguyên nhân là do việc triển khai quá gấp gáp, thiếu tính đồng bộ trong mô hình sản xuất kinh doanh.