(GLO)- Cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế đang là một vấn đề nóng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng thời gian gần đây. Tại tỉnh Gia Lai, theo con số rà soát bước đầu, trong hai năm 2011 và 2012, có trên 22.300 thẻ bị cấp trùng, có đối tượng trùng đến 6 thẻ, dẫn đến việc tăng ảo đối tượng, lãng phí ngân sách nhà nước hơn chục tỷ đồng.
Những con số biết nói
Trước thực trạng cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 237/UBND-VHXH, ngày 25-2-2013; đồng thời Sở Tài chính cũng có Công văn số 237/STC-HCSN, ngày 5-3-2013 về việc hướng dẫn kiểm tra, rà soát việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được Nhà nước đóng và hỗ trợ kinh phí mua BHYT trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo trên, UBND 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Bảo hiểm Xã hội huyện và Phòng Tài chính-Kế hoạch tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo thực trạng thẻ bị cấp trùng trên địa phương mình.
Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai đã tìm về Ia Pa- một huyện nghèo ở phía Đông Nam tỉnh, nơi có trên 72% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, với 61/76 thôn, làng đồng bào. Ông Nguyễn Thanh Lân- Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ia Pa, cho biết: Qua kết quả rà soát, trong năm 2011, số thẻ BHYT cấp trùng trên địa bàn huyện là 133 thẻ (tổng số thẻ cấp cho các đối tượng là 39.547 thẻ); năm 2012 trùng 349 thẻ (tổng số thẻ đã cấp là 40.663 thẻ); gây lãng phí ngân sách nhà nước tổng cộng hơn 218 triệu đồng. Trong đó, năm 2012, xã có số thẻ BHYT bị cấp trùng nhiều nhất là Ia Mrơn với 128 thẻ, tiếp đến là xã Ia Trok với 84 thẻ. Chư Răng là xã có số thẻ bị cấp trùng ít nhất (7 thẻ).
Bà Bế Thị Như và con dâu đang rà soát lại các thẻ BHYT của gia đình bị cấp trùng theo yêu cầu của phóng viên. Ảnh: Hồng Thi |
Gia đình bà Bế Thị Như (dân tộc Tày, ở thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn) được cấp thẻ BHYT theo diện hộ nghèo. Cả nhà có 7 người (kể cả con dâu) thì có đến 5 người bị cấp trùng 2 thẻ trong hai năm liền (2011, 2012). “Người ta làm cho mình thì mình cứ nhận thôi chứ chẳng lẽ vứt. Thấy năm nào nhiều người trong gia đình cũng được phát 2 thẻ giống nhau, tôi cũng có thắc mắc nhưng cũng chỉ để trong bụng chứ chả hỏi ai”-bà Như nói.
Cách nhà bà Bế Thị Như không xa, gia đình ông Trịnh Văn Trai cũng rơi vào trường hợp tương tự như thế. Nhà ông Trai có 6 khẩu, tất cả đều bị cấp trùng 2 thẻ cho năm 2012. Riêng ông Trai còn được nhận thêm 1 thẻ theo diện thân nhân quân đội. Ngoài ra, 2 thẻ cấp cho đứa con trai Trịnh Quốc Đông đều bị sai năm sinh, con gái Trịnh Thị Thu Hằng thì 1 thẻ đúng tên, 1 thẻ chỉ mang tên Trịnh Thị Hằng.
Rời Ia Pa, chúng tôi đến huyện Đak Đoa. Khá bất ngờ khi thẻ BHYT bị cấp trùng tại địa phương này lên đến con số 3.544 thẻ, gấp 7,4 lần so với huyện Ia Pa (1.729 thẻ năm 2011, 1.815 thẻ năm 2012). Ông Nguyễn Đức Hòa-Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đak Đoa, cho hay, Đak Đoa là một trong 5 huyện có tình trạng thẻ BHYT bị cấp trùng cao của tỉnh. Theo đó, trong 1 năm có rất nhiều người sở hữu từ 3 đến 4 thẻ BHYT. Một số trường hợp trong năm 2011 như: ông Nguyễn Thành Thái (thôn 4, xã Đak Krong) được cấp đến 3 thẻ theo diện người có công; Trần Văn Hoàng (đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi, ở xóm Mới, xã Glar) trùng 4 thẻ; Nguyễn Văn Thắng (trẻ em dưới 6 tuổi, ở thôn 4, xã Hneng) trùng 4 thẻ…
Còn tại huyện Mang Yang số thẻ cấp trùng trong năm 2011 là 389 thẻ, 2012 là 581 thẻ. Riêng 2013, toàn huyện Mang Yang có gần 44.000 người tham gia BHYT trên tổng số hơn 59.000 dân, trong đó, có khoảng 28.000 thẻ thuộc các đối tượng và chuyện sai sót và trùng lắp là không thể tránh khỏi.
Theo kết quả rà soát ban đầu từ cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có trên 22.000 thẻ BHYT bị cấp trùng. Trong số 13 đối tượng được Nhà nước đóng và hỗ trợ kinh phí mua BHYT, số thẻ bị cấp trùng nhiều nhất rơi vào đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi với trên dưới 10.000 thẻ: đối tượng người nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn khoảng trên 10.000 thẻ. Thống kê sơ bộ của ngành chức năng, với từng đó con số thẻ cấp trùng đã gây lãng phí ngân sách nhà nước hơn chục tỷ đồng (khoảng 12 tỷ đồng-P.V)
Một số thẻ BHYT bị cấp trùng của gia đình bà Như. Ảnh: Hồng Thi |
“Chồng chéo”-Nguyên nhân do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân được các ngành liên quan đưa ra để lý giải cho thực trạng trên. Trong đó, có một số lý do chính như: trình độ văn hóa và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của cán bộ thôn, xã còn hạn chế; chưa có phần mềm quản lý hiệu quả; nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia mua thẻ, cấp thẻ như các trường học, cơ quan Quân đội, Công an và Phòng LĐ-TB&XH, nhưng quá trình triển khai thực hiện lại độc lập, không có sự rà soát, đối chiếu nên dẫn đến không kiểm soát được đối tượng cấp trùng; nhận thức của người dân chưa cao…
Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ia Pa-ông Nguyễn Thanh Lân, nêu: “Ia Pa là huyện có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, có tới 61/76 thôn, làng có người là đồng bào dân tộc thiểu số và do chính người dân tộc thiểu số đứng đầu. Trình độ văn hóa của họ thấp, đa số đều nói thông nhưng không viết thạo. Việc thẩm định danh sách mua thẻ của Phòng LĐ-TB&XH huyện chỉ căn cứ vào danh sách do các xã cung cấp, còn xã thì chủ yếu dựa trên cơ sở bản viết tay ở các thôn rồi xã gửi lên, nếu viết không cẩn thận, sai một nét là đã thành tên khác. Điều này dẫn đến việc sai thông tin từ một người và thành ra 2, 3 người khác nhau”.
Bên cạnh đó, một số thẻ BHYT của trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo đề nghị cấp đổi với lý do thẻ bị mất hoặc thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh có sai lệch nhưng không được đối chiếu, điều chỉnh kịp thời nên cấp trùng thẻ. Việc ghi địa chỉ không thống nhất cũng gây khó khăn trong việc lưu trữ để cấp thẻ, khiến cùng một đối tượng lại được cấp nhiều thẻ.
Ông Trịnh Văn Trai một mình sở hữu đến 3 thẻ BHYT. Ảnh: Hồng Thi |
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Hòa-Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đak Đoa còn cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên còn một phần do nhận thức của một số đối tượng được cấp phát thẻ BHYT chưa cao. “Trên địa bàn huyện Đak Đoa, đa số trẻ em dưới 6 tuổi đều đăng ký cơ sở khám-chữa bệnh ban đầu ở các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 211… Thế nhưng khi bị bệnh, người dân thường đưa con ra trạm y tế hoặc bệnh viện huyện để chữa trị. Họ đều trả lời là con mình chưa có thẻ BHYT khi được hỏi, vì thế lại được đăng ký để cấp thẻ mới. Chính điều này một phần khiến số thẻ BHYT bị trùng rơi nhiều vào đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi”- ông Hòa chia sẻ.
Ông Thới Văn Đạo-Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh, lý giải thêm: Theo cơ chế của nước ta, có 25 nhóm đối tượng tham gia BHYT, có tới 33 mã quyền lợi khác nhau. Điều này gây khó khăn trong việc lập danh sách cấp thẻ, tức một người có thể thuộc nhiều nhóm đối tượng, một người có thể hưởng nhiều quyền lợi. Thêm vào đó, việc lập danh sách đối tượng được cấp thẻ lại do nhiều tổ chức đảm nhiệm chứ chưa được thống nhất nên đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng trùng lắp. Cơ quan Bảo hiểm Xã hội in thẻ trên cơ sở danh sách do Phòng LĐ-TB&XH chuyển sang, việc ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc phát hiện thẻ BHYT cấp trùng giữa các đối tượng khác nhau còn hạn chế... Hơn nữa, nhiều người dân còn tâm lý càng được cấp nhiều thẻ càng tốt, không khai báo với cơ quan có thẩm quyền thu hồi thẻ không sử dụng”.
Theo lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh, nên chăng, mỗi cá nhân từ lúc sinh ra sẽ được cấp 1 mã số nhất định phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó có khám-chữa bệnh, hoặc triển khai sổ bảo hiểm hộ gia đình, cùng với đó là một phần mềm chuyên môn đảm bảo việc cấp thẻ BHYT không bị trùng lắp, gây lãng phí và phiền hà.
Nguyễn Giác-Hồng Thi