(GLO)- Trên đỉnh cao hơn 1.200 mét so với mặt nước biển, Măng Đen là niềm kiêu hãnh của cả khu vực Bắc Tây Nguyên bởi cảnh quan và khí hậu, tiềm năng của vùng đất được thiên nhiên ưu đãi này. Không riêng tôi mà bất cứ ai đã có dịp lên Măng Đen đều không khỏi mong ngày trở lại.
Ảnh: Thanh Phong |
Lần này tôi không đi từ TP. Kon Tum như bốn năm trước mà khởi hành từ huyện Kbang của tỉnh Gia Lai rồi theo đường Trường Sơn Đông qua xã Hiếu, Kon Rẫy ngược lên Măng Đen. Khung cảnh cứ liên tục thay đổi sau mỗi cung đường. Đã sang tháng mười ta, cái nắng hanh hao cứ ở lại phía sau xe và phía trước là khí hậu ôn đới lành lạnh và ẩm. Đường Trường Sơn Đông đoạn này rộng và phẳng lỳ, đẹp đến nao lòng. Hai bên đường là rừng già xanh thẫm… chốc chốc hiện ra những ngôi làng của đồng bào Bahnar, Xơ Đăng nằm lẩn khuất giữa rừng. Các sườn đồi bên đường mùa này không tím sim mà đã lộ rõ sắc vàng miên man của dã quỳ…
Xe ngược dốc, rừng thông xanh lần lượt hiện ra, nối dài. Măng Đen như một nàng công chúa say ngủ nay đã thức giấc, phát triển hơn nhiều so với trước. Hiển hiện một thị trấn trẻ trung với các công sở được xây dựng đồ sộ, kiến trúc hài hòa cùng không gian xanh xung quanh, đặc biệt là khu quảng trường giữa trụ sở Huyện ủy và UBND huyện. Khu dân cư khá sầm uất. Bến xe khách. Các cửa hàng dịch vụ mọc lên san sát phục vụ khách du lịch và người hành hương.
Trên trục đường chính ẩn hiện những ngôi biệt thự bề thế, đủ kiểu kiến trúc, Thái có, Tây có, lẫn giữa rừng thông xanh. Những con đường dốc quanh co, lên xuống tạo cho du khách cảm giác bay bổng. Có người từng ví Măng Đen như một Đà Lạt của khu vực Bắc Tây Nguyên nhưng với tôi, Măng Đen còn hơn thế bởi nơi đây nguyên sơ, lạnh hơn và rừng thông cũng dày hơn. Chiều chưa tắt nắng trời đã se se lạnh và sáng sớm thì co ro trong rét ngọt, sương mù. Chính kiểu khí hậu ôn đới này đã thu hút đến hàng chục dự án đầu tư sản xuất các loại rau, hoa xứ lạnh và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Phần lớn đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số ở Kon Tum.
Theo quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum, Măng Đen là một trong 3 vùng kinh tế động lực gồm: TP. Kon Tum, vùng kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y và vùng Du lịch Sinh thái Măng Đen. Chính quyền địa phương đã quy hoạch vùng du lịch này rộng đến 720 ha bao gồm các khu chức năng như: trung tâm thương mại và Khu Du lịch Sinh thái hồ Đak ke; Khu Du lịch Sinh thái hồ Toong Đam, Toong Zowri, Toong Pô; Khu Du lịch Sinh thái cảnh quan leo núi, suối và thác Pa Si.
Đến nay đã có 28 dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh Kon Tum cho chủ trương và cấp chứng nhận đầu tư tổng vốn đăng ký lên đến 14.796 tỷ đồng, các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của huyện Kon Plông cũng có đến 45 dự án với tổng vốn đăng ký 321,6 tỷ đồng. Huyện đã thu hút và giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng 35 ngôi biệt thự, 19 ngôi đang hoàn thiện, 31 ngôi đang xây dựng.
Ngoài ra còn có một số dự án của các bộ ngành đang chuẩn bị và tiến hành đầu tư như: dự án trung tâm huấn luyện vận động viên quốc gia tại Măng Đen của Trung tâm Thể thao Quốc gia tại Đà Nẵng quy mô 50 ha, tổng mức đầu tư 153,7 tỷ đồng; dự án Trung tâm Điều dưỡng người có công khu vực Tây Nguyên của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội diện tích 8 ha, quy mô 120 giường, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng; dự án xây dựng khu du lịch sinh thái quy mô 203 ha của Ngân hàng Công thương Việt Nam đã được giao đất để thực hiện dự án…
Tiềm năng Măng Đen đã được đánh thức. Sau khi có Quyết định 298/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kon Tum đã cùng huyện Kon Plông tổ chức lễ công bố quyết định về quy hoạch vùng Du lịch Sinh thái Măng Đen và qui hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030 trong chuỗi sự kiện văn hóa thể thao và du lịch Măng Đen lần thứ I vào tháng 3-2013 với nhiều hoạt động phong phú và tổ chức hội thảo nhằm tìm giải pháp phát triển Măng Đen và đô thị Kon Plông. Nhiều tham luận của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học đều nhận định Măng Đen là vùng đất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và sản xuất hoa, rau, quả xứ lạnh…
Với tôi, chính cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và khí hậu ôn đới của Măng Đen luôn làm cho tôi mê mẩn mỗi khi có dịp lên cao nguyên thơ mộng này. Thông xanh reo vi vu. Những ngọn thác hùng vĩ tung bọt nước trắng xóa. Đồi sim tím. Và lần này lại thêm sắc vàng mỏng manh, mọng nước của những cây mimosa, màu đỏ nhạt hờ hững những cây đào phai khoe sắc trên đỉnh cao lộng gió.
Măng Đen đẹp đến bất ngờ…
Thanh Phong