"Bậc thềm này còn in dấu chân"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong hành trình cuộc đời, không biết đã bao nhiêu bậc thềm gót chân mình từng bước qua. Thật tình chẳng ai nhớ và chẳng ai nghĩ về điều này để làm gì cả. Nhưng chỉ mới đêm qua thôi, quá khuya mới nhớ ra quên chưa đóng cửa. Khi cúi xuống thả thanh ray, mắt vô tình chạm phải bậc thềm mới chợt nghĩ đến những bậc thềm đã ghi những thước phim đời mình.
Đường phố về khuya im lìm dưới ánh đèn vàng hiu hắt, thảng hoặc mới thấy đôi ba ánh đèn xe máy lướt qua vội vã, dường như họ đang muốn thật nhanh để trở về ngôi nhà ấm áp sau một ngày dài. Cữ này của năm đó, cũng tiết se lạnh này, mình và người từng thương đã ngồi suốt một đêm dài nơi bậc thềm này để nói với nhau lần cuối quyết định quan trọng của cuộc đời. Mình ngồi bệt thu lu bó gối trên nền sàn lạnh. Khoảng cách không gần cũng chẳng xa, đủ để có thể nói với nhau những lời nhẹ nhàng nhất cuối cùng. Những sợi khói từ điếu thuốc lập lòe trong đêm lạnh liệu có làm lòng người khởi lên chút gì ấm áp. Hay có xua đi được những rối bời tiếc nuối đắng cay? Bậc thềm vô tình làm nhân chứng cho một cuộc chia ly.
Cũng nơi bậc thềm ấy của năm tháng thanh xuân, có chàng trai đã ngồi mỗi ngày chờ đợi bóng dáng của người con gái mình thương đi học về ngang qua lối đó. Chỉ để đôi mắt giao nhau khi cô gái ngước mắt tìm kiếm dáng ngồi quen, vậy thôi mà ấm áp suốt cả tuổi mới lớn với những rung động đầu đời. Để rồi nắm tay cùng nhau đi một đoạn đường dài thật dài. Kỷ niệm nào cũng rưng rưng cảm xúc ngọt ngào xen lẫn xót xa. Chớp mắt đã hai mươi lăm năm. Thời gian đem đến cho chúng ta nhiều thứ và cũng lấy đi quá nhiều thứ. Cũng may thời gian lại chữa lành cho những vết thương sâu hoắm tưởng chừng chẳng thể nào vơi. Thời gian biến nụ cười vô tư trong trẻo một thời thiếu nữ thành cái mỉm cười đã qua nhiều giông bão đủ để điềm nhiên trước mọi biến cố dữ lành.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Ngày thơ, cũng nơi bậc thềm, đứa trẻ lên năm nằm sõng soài chờ ngoại đi chợ về để tìm đồng quà tấm bánh được đặt trong cái thúng nhỏ. Kỷ niệm đó không nhiều, chỉ có khi mỗi lần được về quê thăm ông bà. Mà xưa, thảng hoặc vài năm mới được về một lần bởi đường sá, xe cộ không thuận lợi như bây giờ. Lúc còn bé, khi ý thức được sự chờ đợi ngóng trông cũng là lúc mẹ đã đi học xa nhà. Không được cảm nhận nỗi chờ mẹ đi đâu đó trở về trong ngày nên bậc thềm nhà lại không ẩn chứa nỗi chờ trông. Bậc thềm ngày ấy chỉ để những đêm quỳnh nở, mấy đứa trẻ trong xóm tụ tập lại đem đèn ra đợi hoa. Mỗi lần thấy những chiếc cánh mỏng manh trắng muốt rung rinh lay động, khe khẽ chuyển mình, cả đám lại ồ lên thích thú. Khi quỳnh đạt đến độ bung xòe, mấy đứa trẻ con lại đưa mũi đến hít hà mùi thơm thanh khiết dịu dàng. Giấc ngủ thường kéo đến ngay sau đó với bao bến mơ, những chân trời xa lạ. Nhưng đến sáng mai, khi tỉnh dậy, nhìn những bông hoa héo rũ như chưa từng có sự bung tỏa hết mình đêm qua, mình đã cảm thấy xót xa cho một loài hoa chỉ ngào ngạt, rực rỡ trong một đêm ngắn ngủi. Thuở ấy mà đã biết thương hoa.
Lại nhớ quãng đời sinh viên, có những bậc thềm ký túc xá mỗi đêm bập bùng tiếng guitar và tiếng hát của những cô cậu tân sinh viên vừa mới xa nhà. Từng gương mặt thân quen chợt nhòa chợt hiện, hai mươi năm, đủ để xóa nhòa đi nhiều thứ, nhưng có những phút giây kỷ niệm có lẽ cả cuộc đời không dễ phai mờ. Hình như cũng những đêm bập bùng đầy thân thương ấy, có những rung động vừa kịp nảy nở để sưởi ấm những trái tim non vừa biết ngân lên nhịp điệu khác thường.
Hôm trước, mình nói chuyện với một người bạn. Bạn ấy xăm trổ đầy tay. Thoạt đầu, mình khá cẩn trọng khi giao tiếp. Bởi cứ có những định kiến trong đầu. Bạn kể về những lo lắng bất an về việc con gái đi sinh nhật 9 giờ đêm chưa thấy về, bạn đã đi ra, đi vào trông ngóng. Bạn nhớ lại chính mình, những đêm theo bạn theo bè đi chơi thâu đêm, trở về khi gần sáng, thấy mẹ vẫn còn ngồi nơi bậc thềm đợi con. Chính hình ảnh mẹ ngồi đợi cửa đã thức tỉnh bạn, kịp níu bạn trở lại với cuộc sống bình thường để không trượt dài theo những đam mê nhất thời của tuổi trẻ bồng bột.
Mỗi đứa trẻ lớn lên đều lưu dấu trong mình những bậc thềm tuổi thơ. Nơi quây quần cùng bạn bè, gia đình trong những đêm sum vầy ấm áp. Bậc thềm chứng kiến sự trở về và cả những rời gót chia xa không bao giờ trở lại. Nơi ngăn cách giữa thế giới xô bồ và bình yên ấm áp sau cánh cửa. Nơi những đôi dép được sắp xếp nằm cạnh nhau lặng lẽ bình dị gợi sự đủ đầy.
Bậc thềm như là ngõ đợi. Một ngõ để về với sâu thẳm chính mình. Ai đợi ai đều cũng chất chứa những tình. Cái tình đó làm lưu luyến bước chân người đi xa. Mình cũng từng đợi và còn đợi những đến-đi trong cuộc đời. Buồn, vui gì cũng là những cảm xúc đẹp, neo lại lòng người. Nên đêm qua khi đóng cửa, mình đã nhớ “bậc thềm này còn in dấu chân” để nhắc nhở về những điều đã từng rất đẹp đẽ trong đời.
NGÔ THANH VÂN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.