Dừa tươi là một trong những loại nước giải khát phổ biến, nhất là trong những ngày nắng nóng, nhờ vào công dụng bù nước, bổ sung điện giải và giải nhiệt. Tuy nhiên, sau khi dừa đã được gọt vỏ hoặc cắt nắp, lớp vỏ xơ dày có tác dụng bảo vệ bên ngoài bị loại bỏ, khiến vi sinh vật dễ dàng xâm nhập và phát triển nếu không được bảo quản đúng cách.
Có thể “không có mùi hoặc vị bất thường”
Theo bác sĩ Nguyễn Phối Hiền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, ở nhiệt độ phòng, nước dừa là môi trường lý tưởng để một số loại vi khuẩn sinh độc tố phát triển, đặc biệt là vi khuẩn Clostridium botulinum.

Ngộ độc botulinum được xếp vào nhóm các dạng ngộ độc nặng trong y học. Ngoài triệu chứng thường gặp như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu thần kinh như nói khó, nuốt khó, sụp mi, yếu cơ, suy hô hấp...
“Đáng lo ngại là trong một số trường hợp, nước dừa nhiễm vi khuẩn có thể không có mùi hoặc vị bất thường, khiến người dùng khó phát hiện bằng cảm quan thông thường”, bác sĩ Phối Hiền nói.
Ngoài vi khuẩn, nước dừa để lâu không được bảo quản đúng cách cũng có thể bị nhiễm nấm mốc, sinh ra các độc tố như aflatoxin - chất gây tổn thương gan, ảnh hưởng thần kinh và có nguy cơ gây ung thư nếu tích lũy lâu dài.
Nhận biết nước dừa không an toàn, cách bảo quản đúng
Theo đó, để tránh nguy cơ ngộ độc, bác sĩ chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy nước dừa hoặc trái dừa đã bị hỏng:
Nước dừa chuyển màu vàng, đục hoặc nổi váng bất thường.
Có mùi lạ như chua, hôi, mùi lên men hoặc mùi mốc.
Vị chua, đắng, hắc thay vì vị ngọt thanh đặc trưng.
Cơm dừa có biểu hiện mềm nhũn, nhớt hoặc đổi màu sậm.
Trên vỏ dừa (đặc biệt với dừa đã gọt vỏ) xuất hiện đốm đen hoặc mốc.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phối Hiền, quan trọng nhất vẫn là người dùng cần đặc biệt chú trọng đến nguồn gốc và điều kiện bảo quản của sản phẩm trước khi sử dụng.

Tùy theo tình trạng sơ chế, dừa cần được bảo quản theo những cách thức khác nhau:
Với dừa còn nguyên vỏ: Nên bảo quản ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Có thể sử dụng trong vòng 7-15 ngày tùy điều kiện môi trường.
Với dừa đã gọt vỏ hoặc cắt nắp: Bắt buộc phải bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2-5 độ C. Nên sử dụng trong vòng 24-48 giờ sau khi gọt. Nếu đã rót nước dừa ra khỏi quả, cần đựng trong chai sạch, có nắp đậy kín và nên uống trong ngày. Không nên để nước dừa ngoài nhiệt độ phòng quá 2 giờ vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao.
Lưu ý khi dùng nước dừa
Bác sĩ Nguyễn Phối Hiền cho biết, người tiêu dùng cần thận trọng với nước dừa gọt sẵn, đặc biệt khi mua loại được bày bán ngoài trời nhiều giờ mà không có biện pháp làm lạnh.
Trẻ em, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch yếu càng cần cẩn trọng hơn. Cẩn trọng khi nếm, thấy vị lạ thì không được nuốt và súc miệng sau khi tiếp xúc với đồ ăn, thức uống nghi ngờ hư hỏng.
Ngoài ra, một số đối tượng nên hạn chế dùng nước dừa bao gồm: Người có huyết áp thấp, người đang bị cảm lạnh, tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa cấp tính.
Việc uống quá nhiều nước dừa trong một thời điểm cũng có thể gây đầy bụng, rối loạn điện giải nhẹ ở một số trường hợp.
Theo Như Quyên (TNO)