Ba ngày khám phá"hiểm địa" Tây Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hành trình tới đỉnh Nam Kang Hô Tao, ngọn núi nằm ở lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên - được mệnh danh là hiểm địa bậc nhất Tây Bắc, đầy thách thức, vô vàn những đại cảnh hoành tráng với con đường rừng cheo leo, nguy hiểm mà tuyệt đẹp tới tận km cuối cùng.
Tây Bắc hùng vĩ, miền đất bí ẩn với điệp trùng “rừng xanh, núi đỏ” luôn kích thích những đôi chân khám khá. Vài năm trở lại đây, các ngọn núi cao nhất Tây Bắc dần dần trở nên quen thuộc với những người trẻ thích xê dịch. Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những cái tên đầy kiêu hãnh, thách thức mọi nỗ lực của người leo núi Việt Nam.
Một trong những đích đến như thế chính là đỉnh núi mang cái tên gợi nhớ về... xứ sở kim chi Hàn Quốc: đỉnh Nam Kang Hô Tao! Cùng với đỉnh Pusilung ở xã Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), đỉnh Nam Kang Hô Tao nằm ở “biên giới” giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai, trong vùng lõi rừng quốc gia Hoàng Liên, luôn là điểm đến mơ ước của cộng đồng đam mê leo núi.

“Con đường đau khổ” xuyên dãy Hoàng Liên Sơn
Dù có chiều cao so với mực nước biển khiêm tốn, chỉ 2.881 mét, nhưng Nam Kang Hô Tao đặc biệt thu hút người chinh phục bởi độ khó hàng đầu, với vô số thử thách, hiểm nguy cùng cảnh sắc đa dạng, tuyệt đẹp của những cánh rừng âm u, huyền bí kéo dài như vô cùng vô tận. Nói về mật độ rừng nguyên sinh còn vẹn nguyên như hàng vạn năm trước, Nam Kang Hô Tao chắc chắn xếp hạng nhất Tây Bắc với khoảng 80% toàn bộ hành trình.
Không rõ ai là người đầu tiên tìm ra đường đi và chinh phục đỉnh núi này nhưng cách đây khoảng hai năm, một nhóm thanh niên đam mê leo núi đã cùng nhau đặt mốc cao độ chính thức cho đỉnh Nam Kang Hô Tao, định danh “hiểm địa bậc nhất Tây Bắc”. Từ đó tới nay, nhiều nhóm khác nối gót đi lại “con đường đau khổ” đó để đến với ngọn núi này. Tất nhiên, vì khá gian nan nên cung đường này kén người đi, cộng đồng leo núi vẫn đọc chệch cái tên Nam Kang Hô Tao thành “Nằm cáng hộ tao” để cảnh báo về thể lực dẻo dai cần phải có nếu muốn chạm tay vào mốc trên đỉnh.
Có nhiều hướng leo khác nhau để tới Nam Kang Hô Tao, có thể đi từ Lào Cai sang Lai Châu hoặc ngược lại. Với chúng tôi, đỉnh Nam Kang Hô Tao chỉ là một điểm đến. Điểm thu hút nhất ở đây là con đường mòn xuyên qua Vườn quốc gia Hoàng Liên, nối liền Lào Cai (bản Dền Thàng) và Lai Châu (bản Thào A) với đỉnh Nam Kang Hô Tao là tâm điểm.
Vì thế, chúng tôi chọn đi con đường nối tròn vòng cung từ Sapa (Lào Cai) tới Than Uyên (Lai Châu) bằng ô tô, sau đó đi bộ xuyên qua lõi rừng quốc gia Hoàng Liên - lên đỉnh Nam Kang Ho Tao, trở xuống, đi bộ tới bản Dền Thàng, thêm 20 km xe máy về bản Tả Van, thị xã Sapa (Lào Cai).
Xuất phát từ Sapa lúc 6h sáng, chúng tôi vượt qua đèo Ô Quy Hồ và tới được điểm trường ở bản Thào A, xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, Lai Châu khoảng 8h30. Sắp xếp lại đồ đạc, gần 9h, mấy anh em xốc lại ba lô, lỉnh kỉnh xoong nồi, lều chõng, túi ngủ, nước ngọt, thực phẩm... bắt đầu bước vào con đường “đau khổ” xuyên qua dãy Hoàng Liên Sơn...

Bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ
Hôm từ rừng về, bạn bè nghe kể đi tận 3 ngày 2 đêm trong rừng mà được có hơn 40km bèn thắc mắc, đi gì chậm thế? Cũng đúng! Ngày đầu, chúng tôi đi gần 9 tiếng được có hơn 18km, trung bình gần 30phút/km; leo từ độ cao 1.150 mét ở bản Thào A lên độ cao 2.150 mét rồi lại tụt xuống quãng 1.900 mét. Khác với nhiều đỉnh núi ở Tây Bắc, đường leo ngày đầu ở Nam Kang Hô Tao là dốc đá dựng đứng, trơn như mỡ, sẩy chân là trôi xuống vực. Đi từ phía Lai Châu sang, nhiều đoạn phải dùng cả tứ chi để bò lên vách đá như thạch sùng. Nam Kang Hô Tao lại không có lán nghỉ, màn trời chiếu đất nên chúng tôi cứ lưng mang ba lô, chân giẫm lên đá, tay bám vào rễ cây để leo lên. Chúng tôi cứ đùa mục đích đi ngắm rừng mà tệ quá, toàn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời!
Một đặc trưng khác của Nam Kang Hô Tao, ngoài những con dốc khét lẹt thì đường đi hầu hết là lòng suối cạn lổn nhổn đá và thân cây đổ nát chắn ngang. Nhảy qua nhảy lại hàng vạn lần qua những mỏm đá phải tập trung cao độ dù đau muốn rách gan bàn chân.Chỉ sơ suất một chút, bạn có thể hụt chân và ngã sấp mặt. Một thành viên trong đoàn trong một phút lơ đãng bị tụt xuống hố suýt gãy tay...
Con đường rừng phía Lai Châu sang bạt ngàn thảo quả. Mùa đông đầu năm 2021 có tuyết rơi nên thảo quả chết gần hết.Cảnh tượng những nương thảo quả dài vài km chết “cháy” thật thê lương. Lâu lắm mới bắt gặp một góc thung lũng xanh mướt còn lại ngập tràn một màu lá cháy...
Thảm thực vật ở vườn quốc gia Hoàng Liên hết sức phong phú. Người đi rừng có thể bắt gặp ở đây những loài thực vật quý hiếm, đặc trưng của Hoàng Liên như: vân sam, thiết sam, liễu sam, dẻ tùng, thông đỏ... Đỗ quyên ở đây có tới gần 30 loài với đủ màu sắc, từ đỏ rực đến hồng thẫm, tím hay đỗ quyên hoa trắng... Không hiếm những vạt rừng phủ hoa đỏ, trắng giữa bạt ngàn xanh làm bức tranh thiên nhiên thêm ấn tượng...

Số loài động vật quý hiếm ở cung Nam Kang Hô Tao cũng không thiếu nhưng rất khó gặp. Những người bản địa dẫn đường kể, nhiều năm trước, rừng còn xuất hiện hổ, gấu hay thú bộ móng guốc lớn nhưng vài năm nay, dân trồng thảo quả, thợ rừng, người leo núi “tuần tiễu” nhiều nên muông thú tránh xa các lối mòn, lùi vào những thung lũng sâu nhất của rừng Hoàng Liên. Đến cả lũ khỉ cũng phải tháng 6-7, khi lũ rừng tràn về, rất hiếm người qua lại, mới dám mò ra chơi đùa...
Những câu chuyện ở rừng cứ miên man như thế giúp chúng tôi bớt mệt mỏi khi đi xuyên qua các hẻm núi, len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh bảng lảng sương khói... Ngày đầu tiên trôi qua nhanh chóng khi chúng tôi tới được lán sấy thảo quả ở độ cao 1.900 mét. Đây không phải nơi dành cho dân leo núi nhưng do năm nay thảo quả mất mùa nên lán bỏ không, chúng tôi cũng chỉ có 9 người nên vừa đủ chỗ tá túc cho đêm đầu tiên, không phải ngủ lều...
Ngỡ ngàng rừng Pơ mu trăm tuổi
Đêm ở lán thảo quả rét tê tái. Giấc ngủ cứ chập chờn tới 5h sáng, đồng hồ hẹn giờ réo chúng tôi thức dậy. 7h, chúng tôi mới thu dọn xong để lên đường. Chỉ mất hơn 1 giờ, đoàn đã tới được ngã ba giữa rừng sâu (một lối lên đỉnh Nam Kang Hô Tao, một lối về Lào Cai). Dừng nghỉ ít phút rồi bỏ lại toàn bộ đồ đạc, nhóm đi người không lên đỉnh. Đoạn này dốc dựng ngược từ 2.290 mét lên tới đỉnh 2.881 mét, bằng khoảng 2 tòa nhà KeangNam Landmark Tower chồng lên nhau. Con dốc toàn rừng trúc đan rợp thành những mái vòm chỉ vừa đủ lối chân người, đua chen với cây rừng và những gốc cổ thụ kỳ quái đổ ngang, đổ dọc từ hàng trăm năm trước...
Tuy dốc nhưng đoạn này đi êm như bước trên thảm nhung bởi đám thực bì dày đặc hình thành do lá rụng, rong rêu, cành cây gãy mục... qua hàng trăm năm kết thành lớp đệm rất đàn hồi... Phiền toái duy nhất là đỉnh này ít người leo nên lối đi quá đỗi rậm rạp. Nhiều chỗ phải bò sát mặt đất. Cành trúc liên tục quật vào tối tăm mặt mũi. Hầu hết mọi người đều u đầu vì cụng trán vào cây khi trườn bò không kịp quan sát...
Sau khoảng 90 phút, chúng tôi chạm đỉnh Nam Kang Hô Tao! Thời tiết lúc này không được đẹp, bốn phía bị mây mù khuất lấp tầm nhìn và khá lạnh. Nghỉ ngơi ít phút, chúng tôi chia tay mốc để trở lại ngã ba. Chỉ sau 45 phút, mấy anh em đã về ngã ba. Bữa trưa nhanh gọn với cơm lam nướng và bánh chưng đã đợi sẵn. 12h, nhóm rời ngã ba đi về hướng Lào Cai. Hơn 14h, chúng tôi chỉ còn cách bản Dền Thàng độ 8km. Không vội vã, đoàn quyết định hạ trại, thưởng thức đêm thứ hai ở rừng...
Hành trình ngày ba bắt đầu lúc 7h30.Cung đường Nam Kang Hô Tao đúng là “đẹp từng cm”, những km đường cuối cùng vẫn rất hấp dẫn.Chúng tôi đi qua một rừng pơ mu hiếm có - nơi có cây pơ mu cổ thụ 500 năm tuổi, gốc to hàng chục người ôm.

Gần ra tới cửa rừng, chúng tôi vẫn phải đối mặt với những con dốc lên, xuống vô cùng “nhõng nhẽo”.Phía Lào Cai toàn dốc đất, tuy không quá nguy hiểm nhưng rất dễ đi xuống... bằng mông nếu chân không vững. Đoạn cuối chốt lại bằng một rừng trúc lá to xen với những khóm dương xỉ khổng lồ xanh mướt như trong phim “Thập diện mai phục”, không khí mát lịm như trong phòng điều hòa. Qua đoạn này, hơn 10h sáng, chúng tôi ra tới cửa rừng. Bản Dền Thàng (xã Tả Van, Lào Cai) với gần trăm nóc nhà ẩn hiện phía xa trong sương mù chào đón chúng tôi.
Cuốc bộ thêm một đoạn, chúng tôi gặp được mấy người Mông và nhờ chở ra trung tâm xã. Thêm hơn 20 km nảy tưng tưng trên xe máy, vượt qua hồ nước cao nhất Đông Nam Á Séo Mý Tỷ, chúng tôi đã tới trụ sở xã Tả Van. Thêm 20 phút tăng bo ô tô, chúng tôi có mặt ở Sapa, kết thúc hành trình 3 ngày xuyên Vườn quốc gia Hoàng Liên, chinh phục đỉnh Nam Kang Hô Tao.
Con đường bê tông từ trung tâm Tả Van tới bản sâu nhất Dền Thàng đang thi công khẩn trương nên dịp xuân mới này, hai bản Séo Mý Tỷ và Dền Thàng sẽ rất khác. Chúng tôi sẽ còn trở lại đây khi có dịp để chứng kiến những đổi thay ở vùng đất này, nơi trú ẩn cuối cùng của những cánh rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại trên dải đất hình chữ S...
Minh Khuê (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.