Nhiều người nước ngoài chọn Việt Nam làm điểm đến không chỉ muốn trải nghiệm, khám phá đất nước hình chữ S, mà họ còn thích thú bởi cái hay, cái lạ của tết cổ truyền Việt Nam.
Những cái Tết ý nghĩa
Đây là lần thứ hai Gary Hagan (người Úc) đón Tết cổ truyền Việt Nam ở Hội An. Gary kể, năm ngoái, ông chỉ cảm thấy Tết Việt khi ngoài phố người ta mang hoa về nhà. “Ở khắp các con hẻm, ngõ phố, nhà nhà chưng hoa, nhà nhà ăn uống, mọi người đều mở cửa chào đón vui vẻ, ai cũng diện áo mới. Đặc biệt, ai cũng rất tốt với mọi người, họ thích chia sẻ, tặng quà và lì xì cho trẻ con. Mọi người làm việc chăm chỉ tích góp cả năm nhưng họ lại tiêu tiền rất nhiều khi Tết đến, khiến không khí tết thêm nhộn nhịp”- Gary nói.
Du khách nước ngoài tham gia tour trải nghiệm ẩm thực tại Hội An vào tháng Chạp trước Tết Nguyên đán. |
Năm nay, Gary đón Tết với người vợ Việt, cô gái Trương Hoài Mơ, người xã Cẩm Thanh (Hội An). Mơ gặp Gary trong những buổi tiệc cùng bạn bè khi Gary đi xe đạp với chiếc giỏ nhỏ phía sau xe, rồi những lần Mơ chạy xe máy phía sau rọi đèn cho Gary về. Vợ chồng Mơ vừa mới đón chào thành viên nhí, cậu con trai mới 7 tháng tuổi, tên là Hiếu. Cậu bé có đôi mắt đen, tóc vàng, gương mặt rất “tây”.
Tết cũng là lúc rất nhiều người nước ngoài tại Hội An chọn tham gia hoạt động từ thiện. Bà Reiko Usuda (Nhật Bản) đến Hội An khoảng 8 năm trước và có một quán cà phê tại Hội An. Với bà, tết là lúc bà lên các vùng huyện miền núi Quảng Nam như Tây Giang, Đông Giang để thăm những người phụ nữ Cơ Tu đã cùng bà đưa sản phẩm dệt thổ cẩm phân phối tại thị trường Nhật Bản. Bà Reiko chia sẻ: “Ngoài thời gian chăm sóc gia đình, người phụ nữ Cơ Tu dệt vải rất đẹp. Sản phẩm của họ làm ra được thị trường Nhật rất ưa chuộng. Vì vậy, tôi đã làm cầu nối giữa họ với khách hàng người Nhật. Ngược lại, họ cũng giúp tôi rất nhiều trong việc kinh doanh”.
Reiko đã cùng với hơn 30 người phụ nữ ở huyện Đông Giang và Tây Giang tổ chức dệt vải, các sản phẩm dệt sẽ được chuyển về Hội An, nơi bà Reiko trực tiếp làm công đoạn thiết kế mẫu và may thành sản phẩm như váy, túi xách, ví tiền... Sau đó, bà trở về Nhật và giới thiệu các sản phẩm này đến với khách hàng của bà.
Tham gia cùng Hoi An Food tour (một tour trải nghiệm ẩm thực Hội An) vào những ngày cuối năm, những du khách người Mỹ đã có chuyến đến thăm nhà bà Hoàng Thị Nở (thành phố Hội An) để học nấu các món ăn ngày tết. Bà Nở vốn là một giáo viên tiếng Anh về hưu, bà muốn dùng ngôn ngữ tiếng Anh để truyền đạt những điều thú vị về ẩm thực Việt trong ngày tết đến du khách. Bà cho biết: “Mỗi lần khách đến đúng vào dịp tết, chúng tôi thường lì xì cho trẻ con và rồi những du khách cũng “bắt chước” lì xì lại cho trẻ con Việt”. Bà Nở giải thích rằng, lì xì mang ý nghĩa tốt đẹp về sự hạnh phúc, vui vẻ và sung túc trong suốt năm.
Anh David và chị Marion White (người Mỹ), tham gia vào tour trải nghiệm tết food tour, cho biết các món ăn ngày tết của người Việt Nam rất đặc biệt và mọi người rất thân thiện. “Chúng tôi cảm thấy được đón tiếp và hướng dẫn tại nhà của một người bạn chứ không phải một lớp học. Không khí tết thật ấm cúng”, David nói.
Vừa qua, tại Hội An diễn ra hoạt động đón du khách thứ 8 triệu, hòa cùng không khí tết tại khu phố cổ, các hoạt động mừng Tết Nguyên đán được thành phố Hội An chuẩn bị phong phú, như hát sắc bùa chúc xuân, đón giao thừa, lễ hội ánh sáng, gióng chiên trống tại các đình, chùa…
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: “Thông qua các phong tục thờ cúng và nhiều tục lệ tốt đẹp của người Việt Nam như thăm hỏi lẫn nhau, lì xì trẻ con, nấu bánh chưng, bánh tét… sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn nét văn hóa ngàn đời xưa của người Việt và hiểu thêm về văn hóa phi vật thể. Qua đó, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến khắp bạn bè trên thế giới”.
Sinh viên nước ngoài tham gia gói bánh chưng đón tết cổ truyền tại Việt Nam. |
Những trải nghiệm thú vị
Đến từ Nigeria, Godspower Melody Esele hiện là sinh viên năm 3 ngành kỹ thuật phần mềm Trường Đại học (ĐH) FPT. Theo Melody: “Du học ở Việt Nam cho tôi cơ hội được trải nghiệm, khám phá nhiều điều thú vị. Nhưng thích nhất vẫn là được đón tết cổ truyền cùng bạn bè người Việt và quốc tế. Đây là năm đầu tiên tôi được ăn tết tại Việt Nam. Tôi đang hào hứng chờ đợi khoảnh khắc này. Đến thăm gia đình bạn bè người Việt, chúng tôi được thưởng thức nhiều món ăn cổ truyền rất lạ và ngon”, Melody thổ lộ.
Tuy chỉ đến Việt Nam thời gian ngắn trong chương trình trao đổi sinh viên ngành quản trị kinh doanh ở ĐH FPT, nhưng Stefan Pittruff (người Đức) cũng lưu giữ nhiều cảm xúc. Anh thích thú với môi trường học tập, giao lưu và khám phá văn hóa, phong tục tập quán của người Việt Nam. Stefan Pittruff bộc bạch: “Năm nay là năm đầu tiên tôi ăn tết ở Việt Nam. Nghe các bạn du học sinh quốc tế kháo nhau là tết cổ truyền ở đây “thú vị lắm” khiến tôi háo hức. Ngoài thưởng thức các món ăn ngon, du lịch khám phá một số thắng cảnh nổi tiếng thì tôi muốn được hòa mình vào thực tế để trải nghiệm cuộc sống gia đình của người Việt”.
Là kỹ thuật viên ngành máy tính và từng làm việc ở TPHCM, Carl Erannio (Mỹ) đã chọn Việt Nam là điểm dừng chân. Anh tạm dừng công việc có thu nhập ổn định và đăng ký học ngành kỹ sư máy tính tại ĐH RMIT. Ngoài thời gian đi học, chàng sinh viên năm thứ hai này còn dạy tiếng Anh kiếm tiền và dạy miễn phí cho trẻ em nghèo ở phường Cô Giang, quận 1, TPHCM. Theo Carl Erannio, phong tục đoàn tụ, sum vầy trong ngày tết của người Việt là nét đẹp văn hóa đáng trân trọng”. Tết năm nay, Carl Erannio thích về Lâm Đồng - nhà bạn gái để đón xuân mới và dã ngoại cùng bạn bè.
Bạn Jang Jun Su (Hàn Quốc) có 8 năm ở TPHCM và cùng gia đình kinh doanh ẩm thực Hàn Quốc ở quận 7. Su đã học tiếng Anh nhưng muốn biết tiếng Việt bài bản nên đăng ký học ở Khoa Việt Nam học Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Theo Su, văn hóa truyền thống của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với Hàn Quốc. Ấn tượng nhất đối với Su là tết cổ truyền của Việt Nam có nhiều loại bánh trái, hoa quả và phố phường được trang hoàng lộng lẫy. Với bạn Song Do Eun đồng hương với Jang Jun Su thì tết của Việt Nam rất thanh bình, ấm cúng và ai cũng mở lòng bác ái, thân thiện. Cùng bạn bè người Việt về quê ở An Giang, Nha Trang đón tết, thăm gia đình, Eun không chỉ hòa mình vào không khí đón tết ấm cúng, trang trọng của người Việt mà còn được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống phong phú, với đủ hương vị của các loại bánh trái, hoa quả. Theo Eun, cách bày trí bàn thờ tết, dâng lễ lên ông bà tổ tiên, nhất là khoảnh khắc đón giao thừa của người Việt rất công phu, bài bản và trang trọng, linh thiêng.
Dù trải nghiệm và cảm nhận khác nhau nhưng các sinh viên đã ăn Tết cổ truyền ở Việt Nam đều lưu giữ những kỷ niệm thú vị và đáng nhớ.
Theo sggp