"Ăn" trên sức khỏe bệnh nhân!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công an tỉnh Quảng Nam vừa tạm giam 4 tháng đối với 1 bác sĩ trưởng khoa và 2 điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam để điều tra hành vi trục lợi BHYT. Chỉ trong thời gian ngắn họ đã chiếm đoạt đến gần 800 triệu đồng.

Hành vi không mới: Lập khống bệnh án để BHYT thanh toán, sau đó rút tiền. Quả là đơn giản và dễ dàng dù các địa phương và bệnh viện luôn có một đội ngũ giám sát BHYT túc trực. Nỗi bức xúc về trục lợi BHYT gần như được dấy lên thường xuyên. Cơ quan BHXH cảnh báo, người bệnh lao đao, cơ quan chức năng răn đe… nhưng tình trạng trục lợi BHYT vẫn không giảm, thậm chí ngày càng nghiêm trọng. Tháng 12-2020, Thanh tra TP HCM đã công bố kết luận hàng loạt sai phạm tại 5 bệnh viện lớn về đấu thầu, thanh toán BHYT lên đến cả trăm tỉ đồng. Còn ở các địa phương khác cũng liên tục phát hiện hành vi trục lợi BHYT.

Từ đầu năm 2020 đến nay, số tiền chi trả từ quỹ BHYT đã lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên - như thừa nhận của một lãnh đạo BHYT - nạn gian lận, trục lợi quỹ BHYT ngày càng phức tạp, tinh vi, gây tổn hại cho quỹ cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT.

Nguyên tắc của BHYT là đồng chia sẻ. Khi nguồn quỹ này được quản lý tốt, mức bảo tồn cao thì sẽ mở rộng danh mục khám chữa bệnh được thanh toán, nâng chất lượng phục vụ, đưa vào các kỹ thuật cao, chữa trị các bệnh nan y kể cả ung thư… Vì vậy, nguồn quỹ này bị rút ruột thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí bị thu hẹp thì cơ hội khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là người nghèo càng nhỏ đi. Nói cách khác, rút ruột quỹ BHYT chính là "ăn" trên sức khỏe của người bệnh.

Nói không ngoa, nguồn quỹ BHYT trong thời gian qua đã trở thành phao cứu sinh của rất nhiều người. Quan trọng hơn, nguồn quỹ này đã thay đổi toàn diện công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Từ cơ chế cá nhân tự chi trả khi bệnh hoạn đến cơ chế cùng chia sẻ rủi ro thông qua nguồn quỹ chung, đóng góp lúc khỏe mạnh để phòng khi bất trắc… là cả một quãng thời gian dài nỗ lực của các nhà hoạch định quốc gia để chính sách ưu việt đi vào cuộc sống. Đến nay cả nước có khoảng 87 triệu người tham gia BHYT, chiếm hơn 90,1% dân số. Con số này đã gần đến đích là BHYT toàn dân - có nghĩa mọi người dân được chăm sóc sức khỏe thông qua quỹ BHYT.

Nhưng đây chỉ là thành công ban đầu, bởi mở rộng nhanh thì mức đóng thấp nên mức chi trả cũng sẽ thấp. Phía trước còn những mục tiêu lớn lao hơn: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, "phủ sóng" bác sĩ đến từng gia đình, nâng cao thể trạng người dân và thoát ra bằng được một nền y tế giá rẻ. Nhưng dù là ở cấp độ nào, thì nguồn quỹ này cũng là của chính những người tham gia nên cần sự minh bạch và giám sát chặt chẽ từng đồng từ cơ sở y tế cấp thấp nhất cho đến bệnh viện hiện đại nhất. Bộ máy quản lý nguồn quỹ phải chuyên nghiệp và tinh gọn, giảm tối đa chi phí gián tiếp để qua đó nâng mức thực trả cho người tham gia.

BHYT - đúng như tên gọi là sự chung tay chăm lo sức khỏe khi ốm đau. Và hơn nữa, sự chung tay này mang ý nghĩa sẻ chia với cộng đồng và cả những người yếu thế.

Theo Phạm Hồ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Mặc dù cơ quan chức năng của TPHCM đã rất nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn còn đến 41.000 căn nhà hiện chưa được cấp giấy chủ quyền (sổ hồng). Đây là con số rất lớn, phản ánh việc cấp sổ hồng vẫn rất gian nan, đòi hỏi phải có quyết tâm cũng như bổ sung các quy định của pháp luật để xử lý rốt ráo.

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.