(GLO)- Trẻ em là những “thông điệp sống” mà chúng ta gửi gắm vào tương lai. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và mỗi gia đình. Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về các giải pháp bảo vệ trẻ em được tổ chức ngày 6-8.
Ảnh internet |
Với 675 điểm cầu ở cấp huyện, xã cùng sự tham gia của khoảng 18.000 đại biểu, có lẽ chưa bao giờ một hội nghị với quy mô lớn như vậy được tổ chức, lại do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì để bàn chuyện trẻ em. Bởi theo cách nói của người đứng đầu Chính phủ thì những sai lầm trong cách nhìn nhận là nguyên nhân dẫn đến tồn tại, yếu kém trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, để xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc dư luận, đau xé tâm can bao người.
Chúng ta tự hào là quốc gia đầu tiên ở châu Á, thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em từ năm 1990, cùng với hệ thống thể chế pháp luật và cơ cấu quản lý khá đầy đủ về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được bảo hiểm y tế, tiêm chủng mở rộng; gần 100% trẻ em 5 tuổi được học mẫu giáo, học sinh tiểu học được miễn học phí…
Tuy nhiên, khi Thủ tướng phải đích thân chủ trì một hội nghị để nghe tiếng nói từ cơ sở về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì rõ ràng, đây không còn là chuyện “con nít” nữa. Nhất là khi báo cáo từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Con số này trong 6 tháng đầu năm nay, theo ông Trần Ngọc Hà-Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45-Bộ Công an) là 720 vụ, trong đó, xâm hại tình dục trẻ em có 573 vụ, chiếm 79,5% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Có một điều ít ai ngờ là trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình lại chiếm tỷ lệ cao, với 21,3% tổng vụ xâm hại; 60% trẻ bị xâm hại bởi người quen, hàng xóm. Ước tính, khoảng 68,4% số trẻ em từ 1 đến 14 tuổi phải chịu ít nhất một hình phạt thể chất hoặc tâm lý bởi các thành viên trong gia đình. Tuy 3 năm trở lại đây, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý có giảm nhưng không đáng kể (năm 2016 giảm 4,4% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3% so với năm 2016), trong khi tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội.
Điều đáng nói là những vụ bạo lực, xâm hại trẻ em thường chỉ đến khi chạm ngưỡng hình sự mới bị phát hiện, xử lý. Vì vậy, con số nói trên chỉ là một phần sự thật về nạn xâm hại trẻ em ở nước ta.
Nguyên nhân thì nhiều, dường như ai cũng biết và một lần nữa, Thủ tướng buộc phải nhắc lại. Đó là công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời; nhiều địa phương chưa có cán bộ làm công tác trẻ em; còn nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ phát hiện rồi nhưng xử lý chưa nghiêm. Hay nói cách khác là vẫn còn tình trạng xem đây là chuyện “trẻ con”.
Một đứa trẻ sống trong đùm bọc sẽ biết quan tâm đến mọi người. Một đứa trẻ sống bằng lẽ phải sẽ biết được lẽ công bằng. Một đứa trẻ thường xuyên được ngợi khen sẽ biết trân trọng người khác. Một đứa trẻ thường xuyên được khích lệ sẽ trở nên tự tin hơn. Một đứa trẻ sống trong hạnh phúc sẽ tìm được tình yêu và cái đẹp. Chính vì vậy, sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, tạo môi trường sống lành mạnh cho trẻ em là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển đất nước bền vững. Bởi lẽ, trẻ em là “thông điệp sống” mà chúng ta gửi gắm vào tương lai.
Phải coi công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là công việc hàng ngày của từng gia đình, địa phương và các bộ, ngành. Cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, đặc biệt ở cơ sở phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Yêu cầu của Thủ tướng chỉ có thể được thực hiện tốt hơn khi con số 5% số xã có người làm công tác trẻ em được khắc phục. Cùng với đó là tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, kỹ năng cho cán bộ làm công tác trẻ em; bố trí đủ nguồn lực; thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em; phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo lập cuộc sống an toàn cho những mầm xanh tương lai của đất nước.
Nguyễn Vân