Ân nhân của thú rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chess và Poly là hai con gấu cái đã sống quãng đời bình yên ở khu cứu hộ động vật hoang dã thuộc Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát miền Tây Nghệ An. Hơn 10 năm trước, lực lượng Công an và kiểm lâm đã giải cứu thành công hai chú gấu từ các đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Ngày về Pù Mát, Chess và Poly bé nhỏ, yếu ớt, chỉ nặng 1,6kg/con. Giờ đây, chúng đã trở thành những cô gấu to lớn với trọng lượng 150kg. Mối hiểm nguy ngày bé giờ vẫn còn in dấu khi một bàn chân của Poly cụt ngủn, như nhắc nhớ mãi về quá khứ kinh hoàng…

Ám ảnh về số phận thú rừng

“Trong quá trình các đối tượng vận chuyển hai con gấu, Poly bị thương ở chi phải trước. Khi được cứu hộ về VQG Pù Mát, vết thương quá nặng khiến bàn chân bị hoại tử. Tôi buộc phải phẫu thuật cắt bàn chân cho Poly. Chúng bé nhỏ, non nớt và sợ hãi, phải bế trên tay bón từng chút sữa. Đến giờ thì đôi gấu đã to lừng lững”, anh Nguyễn Tất Hà, cán bộ của VQG Pù Mát nhớ lại. Không chỉ với hai con gấu, mà con vật nào ở đây, anh Hà cũng nhớ rõ “lý lịch”, từ thời điểm giải cứu đến thể trạng, tính nết từng con…

Đội cứu hộ tái thả tê tê về với tự nhiên.

Đội cứu hộ tái thả tê tê về với tự nhiên.

Mới 4 giờ chiều, nhưng ở VQG Pù Mát, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An trời đã sâm sẩm tối, âm thanh lặng dần. Trong khu cứu hộ động vật hoang dã, anh Hà đang tất bật cho các loài động vật ăn bữa chiều. Muốn vào khu nuôi nhốt và chăm sóc động vật hoang dã, phải tuân thủ các bước khử trùng nghiêm ngặt. Bỏ giày dép ở ngoài, xỏ đôi ủng đặt sẵn trên giá, bước qua máng khử trùng, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang, sau từng ấy bước mới vào được khu vực đặc biệt này. Vừa thấy bóng dáng quen thuộc của anh Hà, đôi gấu đã lặc lè tiến về phía song sắt, đứng lên bằng hai chân để chào anh.

Theo chân anh Hà, sẽ gặp trong khu cứu hộ vô số những trăn, rắn, vượn, khỉ, tê tê, culi,… đều được đưa về đây trong tình trạng thương tích đầy mình. Những con vật ốm yếu, kiệt sức do bị nhốt, bị vận chuyển lâu ngày, ăn uống thất thường; những vết thương lở loét trên cơ thể chúng do bị bẫy, bị bắn. Bởi thế, các bác sĩ thú y ở đây luôn chạy đua để giành giật sự sống cho những con vật đáng thương. Từ khâu chăm sóc, xử lý vết thương đến việc cho ăn uống đảm bảo để cứu sống và vực dậy. Nếu không kiên trì, tỉ mỉ, không có tình yêu dành cho động vật thì sẽ khó lòng trụ được ở góc rừng này.

Được cứu hộ về đây, mỗi loài một tập tính sinh hoạt. Chẳng hạn khỉ ăn ngày ngủ đêm, trong khi culi và tê tê lại ăn đêm, ngủ ngày. Bởi thế, khi đã đặt chân vào đây nhất định phải đi nhẹ, nói khẽ để đảm nhịp sinh học cho các loài động vật. Mỗi loài ăn một kiểu, thú linh trưởng ăn dưa hấu, tê tê ăn trứng kiến,… Đảm bảo đủ khẩu phần ăn, ăn đúng giờ cho các loài vật là rất kì công, đòi hỏi sự tham gia của nhiều người. Công việc lặng thầm vất vả như chăm con mọn.

Anh Hà kể chuyện về hai con gấu cái được giải cứu và lớn lên trong khu cứu hộ ở Vườn Quốc gia Pù Mát.

Anh Hà kể chuyện về hai con gấu cái được giải cứu và lớn lên trong khu cứu hộ ở Vườn Quốc gia Pù Mát.

Chuyện ở khu cứu hộ tê tê lớn nhất châu Á

Không chỉ ở VQG Pù Mát, mà ở văn phòng VQG Cúc Phương thuộc huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cũng có khu cứu hộ động vật hoang dã. Đây chính là Trung tâm cứu hộ tê tê lớn nhất châu Á và là một trong số ít địa chỉ cứu hộ tê tê trên thế giới. Điều thú vị là ở đây luôn có những nhân viên 9X cần mẫn chăm sóc thú rừng.

Trần Văn Trường và Trần Nam Triều là hai trong số nhiều bạn trẻ đã gắn bó lâu dài ở khu cứu hộ. Triều học khoa Thú y của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Trường học Lâm nghiệp ở Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Ra trường, họ nhất định phải gắn công việc dưới những tán rừng, thấm thoắt cũng đã vài năm. Trước khi về đây, họ chỉ biết loài tê tê qua sách báo. Nhưng khi chứng kiến những con tê tê hiền lành được giải cứu trong tình trạng yếu ớt, bị thương, thậm chí bị nhồi nhét thức ăn để tăng trọng lượng cơ thể, họ đã nỗ lực chữa trị, chăm sóc và bảo vệ chúng đến cùng. Giờ thì Trường và Triều đã rất “rành” về tê tê. Dưới tán rừng tĩnh lặng, họ tạm quên đi sự sôi động, ồn ã của cuộc sống ngoài kia. Họ không hề thấy buồn chán, đơn điệu. Mỗi ngày được chăm sóc tê tê, phát hiện ra những đặc tính mới, những kiến thức về loài vật với họ là một ngày ý nghĩa.

Trong phòng chăm sóc y tế tê tê hiện đại với đầy đủ trang thiết bị, những bác sĩ thú y trẻ tuổi lặng lẽ siêu âm, phẫu thuật, khâu rửa vết thương, truyền máu cho tê tê khi chúng vừa thoát khỏi bàn tay độc ác của thợ săn và đám buôn lậu xuyên quốc gia. Sau rất nhiều nỗ lực, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) được thành lập, trở thành ngôi nhà bình yên của nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có tê tê.

Những bác sĩ thú y trẻ tuổi chăm sóc tê tê ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Những bác sĩ thú y trẻ tuổi chăm sóc tê tê ở Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Để thành lập nên được ngôi nhà bình yên này, anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm, Phó Chủ tịch Hội chuyên gia bảo tồn tê tê thế giới (IUCN) đã nỗ lực trong từng cuộc giải cứu. Đó là năm 2006, là lần thứ 2 anh Thái trực tiếp tham gia giải cứu tê tê. Có đến 67 cá thể tê tê được phát hiện trong một vụ buôn bán trái phép. Nhưng thay vì giao cho anh tất cả, cơ quan chức năng chỉ giao cho anh 5 cá thể tê tê.

Trong 5 con tê tê ấy, không may có một con đã chết, anh kiên trì đòi đổi một con tê tê sống. Con tê tê may mắn được giải cứu sau cuộc hoán đổi đó, anh Thái đặt tên là Lucky. Lucky đã sống 11 năm trong Trung tâm cứu hộ động vật, trở thành đại sứ tê tê khi con vật này được các hãng truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin. Trước đó, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, người ta ít biết về loài tê tê. Vì thế câu chuyện Lucky được lan tỏa khắp thế giới.

Có những chuyến cứu hộ tê tê với anh Thái là một vệt buồn. Năm 2018, cơ quan chức năng bắt giữ 115 cá thể tê tê còn sống bị buôn bán trái phép. Khi bị lực lượng Công an phát hiện, lái xe chở tê tê đã bất chấp nguy hiểm, lao xe vào lực lượng chức năng để trốn thoát. Khi anh Thái và nhân viên cứu hộ nhận được tin, vội vàng tiếp cận được số tê tê, đau lòng là có đến 90 con tê tê đã chết. Bốn bác sĩ thú y có mặt cấp cứu tại chỗ chỉ cứu được 25 con. Tất cả mọi thành viên trong nhóm cứu hộ đều khóc khi chứng kiến những con tê tê đã chết trong túi lưới.

Liên tục cứu hộ và tái thả

Những con vật được cứu hộ, sau thời gian chữa trị và chăm sóc, nếu ổn định sẽ được tái thả về tự nhiên. Ngày 29/12/2022, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam phối hợp với VQG Cúc Phương đã cứu hộ 7 cá thể tê tê tịch thu từ một vụ vận chuyển có dấu hiệu vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm xảy ra trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tất cả tê tê được buộc chặt trong túi lưới đặt trong thùng xốp có đá lạnh trên xe chở hàng tuyến Sài Gòn - Thái Nguyên. Trong số 7 cá thể, có 2 cá thể tê tê vàng quý hiếm, 1 cá thể tê tê Ja va bị cụt 2 bàn chân trước do mắc bẫy. Tất cả số động vật trên đều trong tình trạng yếu và có các vết thương ngoài da, cần được cứu hộ và chăm sóc y tế khẩn cấp.

Các cá thể tê tê trong một cuộc giải cứu bị buộc trong túi lưới và đựng trong thùng xốp

Các cá thể tê tê trong một cuộc giải cứu bị buộc trong túi lưới và đựng trong thùng xốp

Vì thời tiết quá lạnh và ở địa điểm cứu hộ không có đủ trang thiết bị y tế, cả đội đã quyết định vận chuyển động vật về ngay trong đêm. Tê tê sau đó được sưởi ấm, ăn trứng kiến và điều trị bệnh. Hai cá thể tê tê vàng được giữ lại để ghép đôi trong chương trình sinh sản bảo tồn. Năm cá thể tê tê Java được thả về tự nhiên sau khi được phục hồi hoàn toàn.

Tuy nhiên, không phải lúc nào động vật được cứu hộ sau khi phục hồi cũng được tái thả thành công. Bởi có những cá thể do bị nhốt quá lâu nên mất bản năng giống loài, không thể đưa chúng trở lại môi trường sống tự nhiên. Hai con gấu cái Chess và Poly do nuôi nhốt trong lồng nhiều năm nên cũng không thể quay trở lại rừng. Thay vào đó chúng sẽ phục vụ hoạt động du lịch thăm quan hoạt động hoang dã.

Hay như trường hợp 7 cá thể hổ con được Công an tỉnh Nghệ An phát hiện trong đường dây buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép vào đầu tháng 8/2021. Bảy cá thể hổ con có tổng trọng lượng 31kg đã được chuyển về nuôi tại VQG Pù Mát để chăm sóc. Sau gần 7 tháng, các cá thể hổ đều khỏe mạnh và nặng khoảng 50-60kg/con, điều kiện tại Pù Mát không thể đảm bảo cho việc chăm sóc lâu dài. Tuy nhiên việc thả chúng về lại tự nhiên là điều không thể. Bởi sống trong môi trường nuôi nhốt, hổ con trong quá trình lớn lên không có hoặc đã mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên, dẫn đến cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên của chúng gần như bằng không. Giải pháp tốt nhất là chuyển các cá thể hổ đến những nơi có điều kiện chăm sóc tốt, đảm bảo phúc lợi động vật. Tháng 3/2022, VQG Pù Mát đã chuyển giao 7 cá thể hổ cho VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chăm sóc lâu dài và kết hợp hoạt động mở cửa cho khách tham quan nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn động vật hoang dã.

“Chúng tôi đeo ngôi nhà gỗ của tê tê trên lưng, đi sâu vào những cánh rừng. Cánh cửa gỗ bung mở, chú tê tê ngỡ ngàng nhìn quanh. Dường như nhận ra mùi cây lá, mùi đất, mùi rừng quen thuộc, chú ta cuống quýt bò ra. Chỉ đến lúc ấy, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, vì thêm một con vật nhỏ bé được giải cứu thành công và trở về với đại ngàn. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình chỉ để được nhìn thấy những giây phút ấy” - anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam nói.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.