An Khê tích cực chuẩn bị năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với các địa phương khác, công tác chuẩn bị cho năm học 2018-2019 trên địa bàn thị xã An Khê (Gia Lai) về cơ bản đã hoàn tất.
Đầu tư cơ sở vật chất
Vừa sáng sớm, gần chục cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn Pháo binh 368 (Quân khu 5) đã tất bật cuốc đất, trồng hoa, dọn dẹp, sắp xếp lại bàn ghế, tu sửa lại phòng ốc giúp các giáo viên Trường Mầm non Họa Mi (phường Tây Sơn). Trung úy Nguyễn Ngọc Lâm (Lữ đoàn Pháo binh 368) cho biết: Lữ đoàn kết nghĩa với Trường Mầm non Họa Mi từ nhiều năm nay. Do đó, hàng năm vào dịp này, cán bộ, chiến sĩ đều giúp nhà trường xây dựng không gian xanh-sạch-đẹp để chuẩn bị đón năm học mới. Đây cũng là dịp tạo mối quan hệ đoàn kết, gần gũi giữa nhà trường và đơn vị.
 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 368 giúp Trường Mầm non Họa Mi cải tạo cảnh quan sân trường. Ảnh: M.N
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 368 giúp Trường Mầm non Họa Mi cải tạo cảnh quan sân trường. Ảnh: M.N
Cô Phạm Thị Hồng Nhung-Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi-cho biết: Năm học 2018-2019, nhà trường sẽ đón nhận hơn 290 trẻ theo học. Hiện nay, cơ sở vật chất nhà trường cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc, nuôi dạy trẻ và các hoạt động khác. Cũng như nhiều ngôi trường khác trên địa bàn thị xã An Khê, năm học này, nhà trường đã tiếp tục tu sửa và hoàn thiện một số hạng mục như quy hoạch lại sân chơi, vườn hoa và trồng cây bóng mát phù hợp với hoạt động của trường mầm non. Đặc biệt, nhà trường đã được đầu tư xây dựng một sân bóng đá mi ni trị giá 70 triệu đồng và một vườn rau xanh rộng 200 m2 đáp ứng nguồn rau sạch cho các cháu 3 bữa/tuần.
Trong năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (phường An Bình) có 25 lớp với tổng số 894 học sinh. Theo thầy Huỳnh Thế Hùng-Hiệu trưởng nhà trường, ngay trong dịp hè, nhà trường đã phân công cán bộ, giáo viên rà soát, kiểm tra toàn bộ bàn ghế, hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh để kịp thời tu sửa, thay thế những trang-thiết bị cũ, hư hỏng. “Hiện nay, nhà trường đã sửa chữa một số bộ bàn ghế học sinh bị hỏng, sơn lại các khung cửa kính của 8 phòng học, lắp mái che nắng cho 10 phòng học, sửa hệ thống điện, quạt, làm lan can vườn hoa, trải nhựa đoạn đường từ quốc lộ vào đến cổng trường… với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng”-thầy Hùng cho biết.
Năm học này, Trường THCS Đề Thám (phường Tây Sơn) có 30 lớp với trên 1.200 học sinh. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học của trường đã hoàn tất. Cô Trương Đào Võ Hà Vy-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Nhà trường đã tiến hành sửa chữa, đóng mới một số bộ bàn ghế của học sinh bị hỏng, sơn lại 6 phòng học, nâng cấp khu vệ sinh; sửa chữa khuôn viên, trồng hoa và bổ sung thêm cây cảnh nhằm tạo cảnh quan tươi xanh, bóng mát sân trường. “Ngoài ra, nhà trường đã tổ chức kiểm tra hệ thống điện, quạt, đèn; giao các tổ trưởng bộ môn khảo sát lại thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, đồ dùng học tập, làm tờ trình mua sắm, tất cả phải xong trước ngày 20-8”-cô Vy cho biết.
Sáp nhập trường, hợp đồng thêm giáo viên
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thị xã An Khê trong năm học 2018-2019 là tiến hành rà soát, quy hoạch theo hướng sắp xếp lại mạng lưới trường học đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương. Ông Bùi Anh Tuấn-Trưởng phòng GD-ĐT thị xã-cho biết: Ban Thường vụ Thị ủy An Khê và Sở Nội vụ đã đồng thuận với phương án sáp nhập 8 trường Tiểu học và 2 trường THCS trên địa bàn thành 5 trường. Cụ thể, các cặp trường được sáp nhập gồm: Tiểu học Chi Lăng-THCS Lê Lai (cùng xã Thành An); Tiểu học Đỗ Trạc-THCS Hoàng Hoa Thám (cùng xã Cửu An); Tiểu học Lê Lợi-Tiểu học Võ Thị Sáu (cùng phường Tây Sơn); Tiểu học Bùi Thị Xuân-Tiểu học Ngô Mây (cùng phường An Phú); Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (phường An Phước)-Tiểu học Lý Tự Trọng (phường Ngô Mây).
Theo ông Tuấn, trước đây, trên địa bàn thị xã có 29 trường, sau khi sáp nhập còn lại 24 trường (chưa kể 5 trường Mầm non tư thục). “Việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường Tiểu học và THCS trong giai đoạn hiện nay là thực hiện chủ trương của tỉnh nhằm khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao. Từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực, kể cả về đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất, trang-thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Điều này không ảnh hưởng đến số lượng biên chế giáo viên mà chỉ dôi dư một số cán bộ, nhân viên ở bộ phận kế toán, y tế. Những trường hợp này hiện đã được bố trí về các trường mầm non trên địa bàn”-ông Tuấn khẳng định.
Hiện nay, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên biên chế trên địa bàn là 744 người, thiếu 45 biên chế so với chỉ tiêu tỉnh giao. Trước mắt, trong khi chờ chủ trương của tỉnh, ngành GD-ĐT thị xã An Khê sẽ hợp đồng 15 giáo viên trong chỉ tiêu biên chế còn thiếu để bố trí về các trường Tiểu học. Bởi theo thống kê, năm học 2018-2019, số lượng học sinh vào lớp 1 sẽ tăng đến 200 em so với năm học trước. 
Nâng cao chất lượng giáo dục 
 Rà soát, kiểm tra hệ thống máy tính tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị xã An Khê). Ảnh: N.M
Rà soát, kiểm tra hệ thống máy tính tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị xã An Khê, Gia Lai). Ảnh: N.M
Để chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho năm học mới, Phòng GD-ĐT thị xã An Khê đã chỉ đạo các trường học tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên; đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất; mua sắm trang-thiết bị dạy học.
Theo ông Bùi Anh Tuấn, đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, Phòng GD-ĐT thị xã đã chỉ đạo các trường chủ động sử dụng kinh phí tiết kiệm từ các nguồn ngân sách được giao để tổ chức sửa chữa, mua sắm trang-thiết bị. Trước đó, UBND thị xã đã bố trí nguồn kinh phí gần 2,1 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp giáo dục cho 15 đơn vị trường học với 19 hạng mục cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tường rào, giếng nước, nhà vệ sinh, sơn sửa lớp học... 
Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT còn phối hợp với các ban, ngành, địa phương chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở tất cả các cấp học trước thềm năm học mới. Các trường đã cử cán bộ cốt cán, giáo viên đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao kiến thức, kịp thời nắm bắt các phương pháp giảng dạy mới, từ đó ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Trao đổi với P.V về tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị cho năm học 2018-2019, ông Tuấn cho hay, ngay từ cuối tháng 6, tất cả các trường đã ráo riết chuẩn bị cho năm học mới, đảm bảo mọi công tác tu sửa, nâng cấp phòng ốc cho đến ổn định tổ chức đều được hoàn thành trước ngày học sinh tựu trường (ngày 20-8 đối với khối THCS và ngày 27-8 đối với khối Tiểu học). “Ngành GD-ĐT thị xã còn quán triệt các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu, quản lý thu-chi theo hướng công khai minh bạch; tăng cường công tác thanh-kiểm tra việc thu-chi đầu năm học, xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra tình trạng lạm thu, chi không đúng mục đích, quy định”-Trưởng phòng GD-ĐT thị xã An Khê cho biết thêm. 
Minh Nguyễn - Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.