(GLO)- Sau nhiều năm “sống chung” với mùi hôi, khói bụi, tiếng ồn từ Nhà máy Đường An Khê, 19 hộ dân ở xã Thành An (thị xã An Khê) đã kiến nghị được chuyển đi nơi khác cư trú. Hiện ngành chức năng thị xã đang tiến hành đo đạc đất đai, kiểm đếm vật kiến trúc, hoa màu, lên phương án thỏa thuận mức đền bù giúp người dân có điều kiện chuyển đến nơi ở mới.
Môi trường sống bị ô nhiễm
Từ khi Nhà máy Đường An Khê nâng công suất từ 12 ngàn tấn mía cây/ngày lên 18 ngàn tấn/ngày và Nhà máy Điện sinh khối An Khê vận hành (đầu năm 2018), cuộc sống của những hộ dân xung quanh đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Dẫn chúng tôi ra phía sau nhà, nơi tiếp giáp với Nhà máy Đường, chỉ vào vết nứt dài trên tường nhà, chị Hồ Thị Mỹ Lệ (thôn 2, xã Thành An) cho biết, nguyên nhân gây nứt tường là do ảnh hưởng rung chấn từ Nhà máy. “Không chỉ vậy, lâu lâu hệ thống hồ tuần hoàn gặp sự cố là nước thải tràn sang vườn, xuống giếng. Tôi lấy nước giếng để tắm thì bị ngứa, nấu cơm cũng chuyển màu. Cùng với đó là tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi… ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ”-chị Lệ cho biết thêm.
Hệ thống hồ tuần hoàn của Nhà máy Đường An Khê nằm sát nhà dân. Ảnh: Ngọc Minh |
Theo chị Tô Thị Thúy Hằng (cùng thôn), nhiều khả năng do sống trong môi trường ô nhiễm mà con chị là cháu Đặng Duy Khoa (SN 2012) mắc bệnh viêm màng mũi, thường xuyên chảy máu cam; mắc bệnh viêm phổi, viêm khớp. “Vì kinh tế gia đình khó khăn nên tôi chưa thể đưa con vào TP. Hồ Chí Minh chữa trị. Nguyện vọng của gia đình tôi là muốn chuyển đi nơi khác sinh sống. Tôi mong các cấp chính quyền địa phương và Nhà máy sớm giải quyết”-chị Hằng kiến nghị.
Trước những bức xúc của người dân, thời gian qua, Nhà máy Đường An Khê đã phun nước 4 lượt/ngày để hạn chế bụi trên tuyến đường xe vận chuyển mía ngang qua nhà dân; hỗ trợ nước sinh hoạt (cứ 3 ngày cấp cho mỗi hộ 2 bình nước loại 20 lít); hỗ trợ tiền cho những gia đình có mái tôn bị hỏng... Ông Nguyễn Văn Hảo-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-chia sẻ: “Xác định công tác bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của Nhà máy nên ngoài hỗ trợ các hộ dân, chúng tôi cũng tăng cường các biện pháp, công nghệ để giảm thiểu tác động đến môi trường như: đầu tư mới bộ đốt khí gas cho các hố gas; đầu tư giàn cào bùn cho 4 bể lắng bùn hồi lưu; lắp đặt đệm cao su và lò xo chống rung đối với các thiết bị có công suất lớn; trồng thêm cây xanh chắn bụi; thường xuyên kiểm tra bảo trì các máy móc, thiết bị đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt…”.
Lên phương án di dời dân
Ông Nguyễn Thanh Điệp-Chủ tịch UBND xã Thành An-cho hay: “Khoảng 3 năm nay, 19 hộ dân với 57 khẩu sống liền kề Nhà máy Đường An Khê thường xuyên khiếu nại về việc khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi từ 2 nhà máy thải ra, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của họ. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thị ủy, HĐND, UBND thị xã An Khê, xã đã tổ chức cuộc họp với các hộ dân và mời Ban Giám đốc Nhà máy Đường An Khê đến dự để nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con. 19 hộ dân đều có nguyện vọng chuyển đi nơi khác ở. Trên cơ sở đó, thị xã phối hợp với Nhà máy đưa ra phương án di dời”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Minh Hiền-Phó Chủ tịch HĐND thị xã An Khê-cho biết: Trước kiến nghị muốn đi nơi khác ở của các hộ dân sống sát vách Nhà máy Đường An Khê, chúng tôi đã thành lập đoàn khảo sát xuống từng gia đình nghe tâm tư nguyện vọng của bà con; làm việc với Ban Giám đốc Nhà máy Đường An Khê để tìm ra phương án hỗ trợ, đền bù cho người dân. Việc hỗ trợ, đền bù là thỏa thuận giữa hai bên, chính quyền địa phương chỉ giám sát nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và sự hài hòa khi áp dụng giá quy định của Nhà nước trong việc đền bù. Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn đo đạc đất đai, kiểm đếm vật tư, kiến trúc, hoa màu… của các hộ dân. “Nhà máy phải nhận thấy, người dân chuyển đi nơi cư trú mới, cuộc sống bị đảo lộn, vì vậy nên có sự hỗ trợ tương xứng tạo điều kiện để các hộ dân yên tâm di dời”-ông Hiền nhấn mạnh.
Về phía Nhà máy Đường An Khê, ông Hảo cho biết: “Tổng Công ty đã đồng ý chủ trương di dời các hộ dân, còn mức hỗ trợ đền bù như thế nào phải chờ sau khi ngành chức năng thị xã An Khê tính toán, đo đạc”.
NGỌC MINH