An cư nơi núi lở - Bài 1: Làng chạy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

 LTS: Chưa có năm nào miền Trung phải đối diện với những thảm họa sạt lở núi, lũ quét khốc liệt như năm 2020. Rừng núi xưa vốn là mái nhà xanh của vạn vật thì nay lại trở nên hung hãn, chực chờ sạt lở. Đã đến lúc cần phải rà soát, nhận diện lại tất cả những bất cập, bất thường ở khu vực miền núi các tỉnh miền Trung để giải thành công bài toán an cư cho người dân miền núi. Nhóm PV Báo SGGP có cuộc trở lại những điểm sạt lở núi ở các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Bình Định… để đi tìm lời giải hợp lý và bền vững của nan đề này.

Những cuộc di dân lập làng tự phát của người dân miền núi đã để lại hàng loạt ngôi làng “cóc”, làng “nhảy dù” nằm chơ vơ giữa những cánh rừng, ven suối. Áp lực sinh kế buộc các buôn làng phải phát rừng làm nương rẫy, tác động mạnh và làm suy giảm hệ sinh thái rừng. Rừng mất, đất đai cằn cỗi kèm theo các dự án, công trình ồ ạt xẻ rừng, cắt núi dẫn đến hệ quả là nạn sạt lở núi, lũ quét hủy diệt những ngôi làng...

Làng… nhảy dù

Ngồi tựa cửa Nhà Làng của người Giẻ Triêng, đôi mắt của ông Hồ Văn Ngòi (72 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) buồn bã khi nhớ lại trận sạt lở núi kinh hoàng vùi dập hàng chục nhà dân xuống dòng Đăk Mét hồi tháng 10-2020.

Ông Ngòi hồi tưởng lại tháng ngày “du mục”, đói khổ của cộng đồng người Giẻ Triêng ở Phước Thành. Ngày ấy, thung lũng Thoơlơn là một vùng rừng núi rậm rì, cây rừng cổ thụ ôm ấp che chở chim muông, thảm thực vật, sinh vật dưới tán rừng. “Bà con Giẻ Triêng vốn là tộc người cá tính, tự lập luôn cho mình là duy nhất. Tuy nhiên, sau đó do các già làng, trưởng bản không chấp nhận nên cuộc đổi danh phận không thành, các hộ dân sống tiếp thời “ăn lông ở lỗ” giữa thung lũng Thoơlơn...”, ông Ngòi kể.

Qua sơn phận các huyện Nam Trà My, Tây Giang (Quảng Nam), khắp nơi bản làng, nhà dân đều nằm lọt thỏm giữa những đồi núi chênh vênh. Cư dân của xã Trà Leng (Nam Trà My) nằm rời rạc thành từng cụm dưới chân núi bên dòng sông Leng ngổn ngang đất đá, xác rừng.

 

 Một ngôi làng “cóc” ở huyện miền núi Sơn Long (Quảng Ngãi) nằm bất an dưới miệng núi sạt lở. Ảnh: NGỌC OAI
Một ngôi làng “cóc” ở huyện miền núi Sơn Long (Quảng Ngãi) nằm bất an dưới miệng núi sạt lở. Ảnh: NGỌC OAI


Hồi ức vụ lở núi ở nóc Ông Đề đã vơi đi, nắng ấm trở lại, bản làng Trà Leng gượng dậy hồi sinh. Làng Aur, xã A Vương (Tây Giang) chỉ có hơn 20 nóc nhà nằm tít sâu giữa rừng già vẫn chưa hết nỗi lo sạt lở, lũ quét. Già Bh′ling Trên (làng Aur) kể lại thời đoạn di cư vòng tròn của làng Aur ở tận Pà Xuông (xã Ba, huyện Đông Giang bây giờ) trên các nẻo rừng giáp ranh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Người làng Aur dời làng rất… ngẫu hứng.

Có khi vì một giai thoại nào đó hoặc sau vụ cháy rừng, bệnh tật, con thú quấy phá là quyết định dời đi. Ngày tháng lang bạt khắp các vùng rừng núi từ Đông Giang qua đến mạn Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) để lại hàng loạt ngôi làng nhỏ chỉ vài chục hộ bên rừng. “Làng chạy vòng quanh sau núi rừng hoang lạc trong khoảng vài chục năm, rồi cũng dắt díu nhau về lại núi cũ”, già Trên nhớ lại.

Thôn Ra Pân (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) vẫn còn nguyên vết sạt lở đất chảy thành sông từ núi Pa Ray kéo dài xuống sông Rin, khoảng 7km. Đứng bên miệng núi sạt lở, ông Đinh Hân (60 tuổi, ở thôn Ra Pân) kể ra bức tranh tổng thể về lịch sử của những bản làng người Cadong bên dòng nước Rin.

Trước kia, bản làng của các xã Sơn Long, Sơn Bua (huyện Sơn Tây) - vùng tam giác các tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Nam, đều ở rải rác trên núi rừng, đầu nguồn suối. Đó là giai đoạn núi nơi đây bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, chất độc dioxin. Sau giải phóng, các bản làng trên núi bắt đầu được chính quyền quy hoạch, tập trung lại. Nhưng sự nghèo khó dẫn dắt bản làng Cadong tiếp tục bước vào giai đoạn “nhảy dù” mới.

Hiểm họa bủa vây

Hệ quả của thời kỳ “nhảy dù” là chuỗi ngày sống thấp thỏm lo sạt lở, lũ quét bên núi, làm việc không hiệu quả dẫn đến nguy cơ nghèo đói. Những vụ sạt lở ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi vào năm 2020 là minh chứng cho giai đoạn sạt lở, lũ quét gia tăng ở miền núi Trung bộ. Ông Hồ Văn Ngòi thừa nhận, những bản làng nằm rải rác trên các triền núi, ven rừng, ven suối không chỉ trực diện hứng chịu thiên tai, sạt lở, lũ quét mà còn chịu nhiều áp lực sinh kế, nghèo đói.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long (huyện Sơn Tây), đưa chúng tôi đi thăm 56 hộ dân “gánh” làng chạy thoát sau vụ sạt lở đất ở núi Pa Ray. Các hộ được bố trí tạm thời trong 2 vùng đất bằng phẳng sau trụ sở UBND xã Sơn Long để chờ bố trí nơi ở mới.

Nhìn ra sông Rin, ông Vượt vẫn còn ám ảnh trận sạt lở núi kinh hoàng vào đêm 10 và rạng sáng 11-11-2020 khiến 3 nhà dân bị vùi lấp, nhiều người dân bị thương, 56 hộ dân may mắn “gánh nhà” bỏ chạy kịp thời khỏi núi. Lở núi cướp đi toàn bộ đất sản xuất của 56 hộ dân Ra Pân khiến cho 50 hộ trắng tay, tái nghèo…

Tương tự, vụ sạt lở núi, lũ quét hồi cuối tháng 10-2020 đã “xóa sổ” toàn bộ khu dân cư Mang Rin, thôn Mang He (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây), trở thành nỗi ám ảnh cho người Cadong nơi đây. Dân làng bắt đầu sợ rừng, sợ núi, sống trong tâm thế sẵn sàng tháo chạy mỗi khi có mưa rừng. Ông Đinh Minh Tôn, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bua nói, hiện tại toàn xã có 117 hộ dân/450 khẩu buộc phải bóc tách, dời khẩn cấp ra khỏi rừng núi…

Ngước mặt lên nhìn núi Phú Gia sừng sững đang xuất hiện hàng chục vết sạt lở, ông Ngô Trữ (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) lo lắng: “Giờ cả làng dưới chân núi cứ nghe có đài báo mưa là dắt díu nhau chạy tìm chỗ trú ẩn”.

Theo ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, núi Phú Gia xuất hiện rất nhiều vết nứt gãy dài trên 200m, bề ngang 1,5m. Nguyên nhân là do các đơn vị khai thác đất, đá trước đã đào phá núi để thi công đường ra cảng Chân Mây làm đứt chân núi…

Câu chuyện của trên 2.000 hộ dân ở xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) lại càng trớ trêu hơn nhiều. Bởi địa bàn xã nằm ở thế mắc kẹt, lọt thỏm giữa cái lòng chảo một bên là sông suối, bên còn lại đồi núi cao hiểm trở, không biết dời đi đâu vào mùa lũ. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim Đinh Mun thở dài nói, xã có 2.000 hộ dân nhưng có đến 1.800 hộ là nằm trong vùng mất an toàn, nguy cơ sạt lở, lũ quét rất cao.

“Thực tế, với địa hình Vĩnh Kim thì không biết phải quy hoạch dân, dời đi đâu bây giờ. Bởi địa thế Vĩnh Kim độc đạo, đồi núi hiểm trở, không tìm nổi một rẻo đất bằng phẳng làm vệ tinh để quy hoạch làng”, ông Mun nói.

 


Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, trăn trở, việc người dân ở rải rác thành những ngôi làng “treo”, làng “cóc” siêu nhỏ khắp các núi rừng càng tạo ra nhiều áp lực cho địa phương. Không chỉ thiên tai sạt lở mà các chỉ tiêu nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống dân sinh người dân cùng các dự án xóa đói giảm nghèo không thể thực hiện tốt được. Còn việc quy hoạch tập trung bà con trên núi cũng rất khó. Bởi với địa hình rừng núi như Sơn Long để lập một khu tập trung dân có quy mô lớn là rất khó. Muốn có mặt bằng chỉ còn cách hạ những ngọt đồi mồ côi xuống, nhưng chi phí đầu tư sẽ rất lớn, phải ở tầm của tỉnh và Trung ương quyết được.


Theo NHÓM PV (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.