Ama Nhơn-Đưa dân làng ra khỏi đói nghèo, lạc hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ở xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) trước kia có một ngôi làng nghèo đói, nằm cô lập như một ốc đảo. Nhờ có ông Nay Yak (tên thường gọi là Ama Nhơn) dày công vận động dân làng di dời ra ở bên quốc lộ 25 và hướng dẫn bà con cách làm ăn mà cuộc sống dần ấm no, tươi sáng, trẻ con được đi học… Dân làng và chính quyền ghi công trạng ông nên đã đặt tên làng là Ama Nhơn.

Ông Ama Nhơn năm nay đã 83 tuổi, là một trong 3 người cao tuổi nhất ở làng Ama Nhơn (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) hiện nay. Cách đây 2 năm, sau một cơn tai biến, sức khỏe có phần giảm sút nên ông không còn làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã nữa. Dẫu vậy, với uy tín và sự hiểu biết của mình, ông vẫn được dân làng tín nhiệm bầu làm già làng “để có việc lớn, việc nhỏ gì trong làng thì chạy đến cậy nhờ ông phân xử”.

Quay đầu là bờ

Ở Tây Nguyên trước năm 1975, chuyện thanh niên người dân tộc thiểu số được đi học cái chữ một cách bài bản là cực kỳ hiếm. Vậy nhưng ở ngôi làng hẻo lánh và nghèo khổ sát bờ sông Ayun lại có một chàng trai miệt mài theo đuổi con chữ và nuôi dưỡng ước mơ thành kỹ sư để mở đường, xây cầu, mở mang cuộc sống. Đó là Nay Yak.

 

Làng Ama Nhơn. Ảnh: Đ.P
Làng Ama Nhơn. Ảnh: Đ.P

Học hết lớp 10, sau khi thi đỗ Tú tài 1 ở Đà Lạt, Nay Yak vào Sài Gòn thi đỗ Trường Trung cấp Kỹ thuật Công chánh. Khi cầm được tấm bằng kỹ thuật cầu đường, trở về địa phương, Yak đi làm cán bộ kỹ thuật và sau đó được chính quyền cũ bổ nhiệm làm Phó Trưởng Ty Công chánh tỉnh Phú Bổn (Ayun Pa ngày nay). Nghĩ đây là công việc xây dựng, mở mang cho xã hội “chẳng chết ai” mà lại đúng sở thích từ nhỏ nên ông nhận lời. Sau đó, ông bị họ chuyển sang làm việc cho Hội đồng tỉnh Phú Bổn; ông làm việc một vài tháng thì tỉnh Phú Bổn được giải phóng.

Chỉ 10 ngày sau khi vùng đất Ayun Pa được giải phóng, ông ra trình diện chính quyền cách mạng, rồi tình nguyện đi “học tập cải tạo để xóa đi các tật xấu”. Sau khi đi cải tạo trở về địa phương, ông từ bỏ hết các tập thư mời đi định cư ở nước Mỹ theo diện H.O để ở lại nơi đã nuôi dưỡng mình khôn lớn, làng Sô Ama Hieh, và chứng minh cái bụng mình vẫn trong sạch với dân làng.

Xây cầu và lập làng

Thấy cảnh quê nhà bị chiến tranh tàn phá xơ xác, nghèo đói, bệnh tật và thất học, ông cứ trằn trọc, day dứt mãi. Trong đầu nghĩ cần phải giúp dân làng nhiều thứ lắm, từ việc từ bỏ những tập tục lạc hậu như người chết chôn chung, cúng ma khi đau ốm đến ăn ở mất vệ sinh… Nhưng Nay Yak (giờ được dân làng gọi là Ama Nhơn) nói không ai dám làm theo, vì  “việc làng đã có các già làng lo rồi. Ama Nhơn còn trẻ, chưa đến lượt đâu”.

 

Dù tuổi cao nhưng ông Ama Nhơn vẫn là trụ cột của dân làng. Ảnh: Đ.P
Dù tuổi cao nhưng ông Ama Nhơn vẫn là trụ cột của dân làng. Ảnh: Đ.P

Vốn có kiến thức và kinh nghiệm làm cầu đường, thủy lợi, Ama Nhơn tình nguyện tham gia cùng chính quyền cách mạng đi khai hoang cánh đồng, giải quyết cái đói sau chiến tranh. Ông được người dân và chính quyền tin tưởng giao làm Đội trưởng Đội truy quét FULRO, rồi được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm Trưởng ban Định canh Định cư xã.

Dù công việc bận rộn nhưng ông vẫn canh cánh trong lòng về cái làng Sô Ama Hieh nghèo đói và heo hút bên bờ sông Ayun của mình hễ cứ mưa là bị chia cắt thành ốc đảo. Ông âm thầm lên kế hoạch sẽ dựng một cây cầu bắc qua suối để ngôi làng không còn là ốc đảo. Ông bàn với vợ bán đi nhiều vật dụng có giá trị trong nhà để mua đinh, dây cáp, rồi vận động thanh niên trong làng vào rừng chặt gỗ về làm cầu. Hì hục mấy tháng trời, cuối cùng cây cầu dài chừng 30 m bắc qua suối cũng làm xong. Ngày khánh thành cầu, dân làng vui mừng, tổ chức đập heo uống rượu thâu đêm.

Uy tín dần được nâng lên, Ama Nhơn tiếp tục vận động dân làng từ bỏ các tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống mới. Rồi sau một trận lũ, cây cầu bị cuốn trôi, ngôi làng lại trở về với cảnh ốc đảo heo hút và nghèo đói. Nghĩ đây là cơ hội để thực hiện ý định ấp ủ bấy lâu nay là dời làng ra ở gần quốc lộ 25 nhằm thoát cảnh ốc đảo, Ama Nhơn xin chủ trương của Đảng ủy, UBND xã rồi đưa ý kiến của mình ra cuộc họp dân làng. Nhưng việc dời làng ra nơi ở mới thật sự là khó. Bởi theo phong tục người Jrai từ thời xưa thì chỉ dời làng khi nào có biến cố lớn ảnh hưởng đến sự tồn vong của làng như: chiến tranh, dịch bệnh hay hỏa hoạn … “Đang yên đang lành mà dời làng thì sẽ bị Yang phạt vạ. Không ai dám làm đâu”. Lời các già làng phán ra như đóng đinh vào cột nhà, không ai còn muốn dời làng nữa.

Nhưng nghĩ việc làm của mình là đúng, năm 1979, Ama Nhơn tự mình dời nhà ra ở gần quốc lộ 25 trước. Sau đó, ông kiên trì vận động được 7 hộ với gần 20 khẩu lần lượt theo mình ra ở dọc quốc lộ 25, cách làng cũ gần 2 km. Cuộc sống của người dân Ia Piar ngày ấy còn nhiều khó khăn, lạc hậu, sản xuất lúa rẫy hoàn toàn nhờ nước trời nên năng suất thấp, đa số hộ dân không đủ ăn. Bằng kiến thức của mình, Ama Nhơn đã bỏ ra nhiều tháng trời cần mẫn đo vẽ, thiết kế  hệ thống kênh mương rồi chọn vị trí xây dựng trạm bơm than để  làm cánh đồng lúa nước Plei Ksing. Khi công việc này hoàn thành, ông vận động người làng bắt tay trồng lúa nước.

Vụ lúa nước đầu tiên, gia đình Ama Nhơn và 7 hộ dân đầu tiên của làng mới thu hoạch được 3 tấn/ha, lúa chất ngập gầm nhà sàn. Dân làng ai nấy đều ngạc nhiên trầm trồ xin làm theo. Vụ tiếp theo, diện tích lúa nước ở cánh đồng Plei Ksing được nâng lên 20 ha. Riêng nhà ông Ama Nhơn mở rộng diện tích được 5 ha lúa nước. Trồng lúa nước đã mở ra một cuộc cách mạng làm thay đổi tư duy của người làng. Đất mới, giống lúa mới và cách làm mới đã giúp năng suất lúa vượt trội, giải quyết cơ bản cái đói cho nhiều hộ dân. Nhưng đa số hộ dân vẫn ở làng cũ, bị chia cắt, cô lập với bên ngoài nên mọi thứ còn lạc hậu, người dân đi làm ruộng hay vận chuyển lúa về làng rất khó khăn.

Lúc này, Ama Nhơn đập một con heo to, nấu cơm mới, mời cả làng ăn mừng được mùa rồi vận động bà con bỏ làng cũ dời ra ở gần quốc lộ 25. Chính quyền huyện, xã hỗ trợ dời nhà nên dân làng đều nghe theo. Năm 1993, cả làng Sô Ama Hieh với 90 hộ dân chia ra thành 2 làng ở dọc quốc lộ 25. Làng bên trái lấy tên là Plei Chrung. Còn làng bên phải, nơi Ama Nhơn ở, dân làng đồng lòng và được chính quyền chấp nhận lấy tên Ama Nhơn để đặt tên nhằm ghi công trạng của người lập làng.

Sau đó vài năm, công trình đại thủy nông Ayun Hạ được khánh thành, đảm bảo cung cấp nước tưới cho cả một vùng rộng lớn (hơn 13.500 ha), trong đó có cả những người dân làng Ama Nhơn được hưởng lợi. Đến hôm nay, làng Ama Nhơn có 127 hộ với gần 890 khẩu, nhiều con cháu của làng được học hết cấp III, có vài em học lên đại học, trung cấp... “Trước đây, có hơn 80% số hộ trong làng xếp loại nghèo đói thì đến nay chỉ còn 15 hộ nghèo và 24 hộ cận nghèo theo tiêu chí đa chiều. Hơn 70% số hộ có xe mô tô, 100% hộ có điện thắp sáng, 80% hộ có ti vi... những lệ tục lạc hậu cũng dần bị bãi bỏ”-Trưởng thôn Nay Thuyn, cũng là con rể ông Ama Nhơn, phấn khởi nói.

 

Năm 2016, ông Ama Nhơn được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Khi Ama Nhơn hết làm cán bộ xã thì được dân làng tín nhiệm bầu làm già làng; đồng thời được chính quyền địa phương bầu làm Tổ trưởng tổ hòa giải của 2 làng: làng Ama Nhơn và làng Chrung. Vợ chồng ông có 2 người con trai, người con lớn Siu Nhơn sau một thời gian làm cán bộ xã đã trở về cùng vợ làm ruộng, rẫy; người con út Siu Thiên giờ là Chủ tịch UBND xã Ia Piar. Vợ chồng ông ở với vợ chồng cô con gái nuôi đảm đương công việc của hơn 10 ha nương rẫy (lúa nước, mía, mì, điều ghép, nuôi bò, đào ao thả cá...; thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm).

Mặc dù trong 2 năm (2001 và 2004), xã Ia Piar từng là “điểm nóng” về tình hình an ninh chính trị, nhưng dân làng Ama Nhơn vẫn “miễn nhiễm” với những lời kích động, xúi giục của kẻ xấu. Đơn giản là bởi “Người dân chúng tôi chỉ làm theo những gì Ama Nhơn nói. Sống và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”-Trưởng thôn Nay Thuyn khẳng định.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.