Ám ảnh làng "trời đánh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong nhiều năm, hàng chục người dân trong quá trình lao động sản xuất trên cánh đồng Cây Soi, xã Hương Giang, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã bị sét đánh thương vong. Những cái chết liên tiếp ập đến khiến dân làng bị ám ảnh, sợ hãi mỗi khi trời nổi giông tố.

Đã có những nghiên cứu ban đầu về nguyên nhân của hiện tượng này, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả nào được công bố. Trong khi đó, người dân địa phương vẫn phải tiếp tục sống chung với thiên lôi trong nỗi ám ảnh thường trực.

Ám ảnh ngày giông tố

16 năm đã trôi qua, nhưng mỗi lần mùa mưa đến, nhìn thấy những tia chớp xoẹt qua mái nhà, cùng với đó là những âm thanh đì đùng của sấm truyền, ông Võ Văn Nhân (SN 1964), trú tại xóm 3, xã Hương Giang vẫn không khỏi giật mình, ám ảnh vì quá khứ đau thương.

Cầu Cây Soi, nơi đã có 5 người tử vong vì bị sét đánh.

Cầu Cây Soi, nơi đã có 5 người tử vong vì bị sét đánh.

Đó là chiều ngày 23/6/2007, vợ ông là bà Phan Thị Hợi (SN 1956) cùng hai cậu con trai Võ Văn Nhẫn (SN 1988) và Võ Văn Nhung (SN 1993) ra đồng Cây Soi đầu làng để thu hoạch lạc. Thời điểm vợ con ông vác cuốc ra đồng, trời nắng chang chang nhưng đến tầm 4 giờ chiều thì bất ngờ mây đen kéo đến, trời vần vũ chuyển mưa, sấm chớp đì đùng. Thấy vậy, bà Hợi vội vã dắt hai đứa con trở về nhà, nhưng khi vừa đi qua cầu Cây Soi giữa cánh đồng thì bất ngờ một tia sét xoẹt qua, giáng trúng người bà Hợi khiến cả 3 mẹ con gục xuống đất bất tỉnh.

Người dân trong thôn biết chuyện, vội vã chạy đến sơ cứu bằng cách lấy đất, bùn đắp lên quanh người nạn nhân song do vết thương quá nặng, bà Hợi cùng cháu Nhung đã tử vong, còn Nhẫn bị thương được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Ông Nhân là người tật nguyền, phải ngồi xe lăn suốt đời nên từ sau khi cái chết bất ngờ của vợ con, ông như người vô hồn, cuộc sống vốn dĩ khó khăn lại càng thêm bĩ cực. "Thằng Nhẫn tuy sống sót nhưng cũng bị sang chấn tâm lý, hễ trái gió trở trời là căn bệnh đau đầu lại hành hạ ngày đêm. Gia đình tôi sống cũng đâu có đến nỗi tệ với ai, mà sao trời lại bắt tội", ông Nhân hai tay bấu chặt vào tay vịn chiếc xe lăn cũ sờn, đôi mắt ầng ậc nước khi nhắc lại câu chuyện bất hạnh bỗng dưng ập đến với gia đình ông, chỉ sau một cơn mưa chiều vần vũ.

Gia đình ông Nhân là điển hình của tột cùng nỗi đau trong số hơn 10 gia đình ở xã Hương Giang, địa phương mà người dân nơi đây quen gọi với cái tên đầy ám ảnh là "làng trời đánh", phải gánh chịu nỗi đau từ thiên lôi mang lại. Từ sau cái chết của mẹ con bà Hợi, có những thời điểm gần như ở cánh đồng này, năm nào cũng có người tử vong vì bị sét đánh. Vào trung tuần tháng 7/2018, bà Nguyễn Thị Tiến (SN 1960), trong lúc đang cắt cỏ trên cánh đồng Cây Soi thì trời chuyển mưa. Thấy vậy, bà này vội vã xách chiếc liềm chạy về nhà để trú tránh, nhưng chỉ mới di chuyển được vài chục bước chân thì bị tia sét đánh trúng, tử vong tại chỗ. Hàng xóm của bà Tiến, ông Đặng Văn Giáp trước đó một năm, cũng bị sét đánh tử vong khi đang thu hoạch lạc ở cánh đồng.

Không chỉ thân nhân các nạn nhân sống chung với nỗi ám ảnh khi trời đổ mưa giông, mà những người may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi bị sét đánh, cũng giật mình thon thót mỗi lần thời tiết chuyển đột ngột từ nắng sang mưa. 2 năm sau cái chết của mẹ con bà Hợi, và suốt 14 năm nay, anh Dương Đình Tùng (SN 1992), trú tại xóm 9 xã Hương Giang, không thôi ám ảnh về những trận mưa giông kèm lốc sét. Một chiều tháng 6/2009, anh Tùng đang chở lúa bằng xe trâu từ cánh đồng về nhà thì mưa sập xuống. Sau một tia sáng chói lòa và tiếng nổ đinh tai nhức óc, anh Tùng không biết gì nữa, mấy tiếng sau tỉnh dậy thì thấy mình đã nằm trong bệnh viện, toàn thân bê bết bùn đất. Thì ra, anh trúng sét, con trâu chết ngay tại chỗ, anh văng xuống đám ruộng, thân nằm dưới bùn, đầu gác lên bờ ruộng nên may mắn tỉnh lại. "Giờ hễ mưa có tiếng sấm là tôi lại bỏ hết công việc đang làm, chạy ù vào nhà trùm kín chăn để chạy trốn như một quán tính. Sợ và ám ảnh vô cùng", anh Dương Tùng chia sẻ.

Giải mã bí ẩn về "cánh đồng trời đánh"

Những cái chết "từ trên trời rơi xuống" cứ thế ập đến hết gia đình này đến gia đình khác, khiến người dân Hương Giang hết sức hoang mang, lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về. "Người dân chúng tôi cùng lúc phải chịu hai thảm họa kép từ thiên tai, mùa mưa thì lo chạy lụt, mùa hè thì thấp thỏm vì lo sét đánh, những nỗi lo ấy cứ thường trực, bám riết quanh năm", ông Phan Mạnh, một người dân trú tại xóm 8 xã Hương Giang cho biết. Theo ông Mạnh, sét chủ yếu giáng họa xuống cánh đồng Cây Soi, đặc biệt là khu vực cầu Cây Soi và cầu Nhà Thánh nằm giữa cánh đồng làng.

Người dân xã Hương Giang nơm nớp lao động sản xuất dưới cánh đồng "tử thần"

Người dân xã Hương Giang nơm nớp lao động sản xuất dưới cánh đồng "tử thần"

Khoảng vài năm trở lại đây, người dân phần vì quá sợ hãi mỗi khi trời đổ mưa kèm sấm chớp, phần nữa là cũng đã đúc rút được kinh nghiệm ứng phó với những trận nổi đình của thiên lôi, nên mỗi lần đang làm đồng thấy trời chuyển mưa là vội vã vứt bỏ tất cả dụng cụ, tài sản lại trên đồng để tất tả tìm nơi trú ẩn. Cũng bởi vậy, ít năm trở lại đây, mặc dù sét vẫn đánh xuống cánh đồng làng, song chỉ hư hỏng tài sản, hoặc đánh trúng trâu bò nên không có thương vong về người.

Vì sao cánh đồng Cây Soi nói riêng, và vùng đất Hương Giang hằng năm, lại oằn mình gánh chịu những trận nổi giận lôi đình của thiên lôi nhiều đến như vậy? Người thì cho rằng, do dưới đất có trữ lượng sắt lớn, nhiều người lại nghi vấn đường dây điện 35KVA chạy vắt qua cánh đồng làng là nguyên nhân, nhưng tất cả cũng chỉ mới dừng lại ở mức phỏng đoán. "Đã có một số đoàn chuyên gia về Hương Giang khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân nhưng tất cả đều chưa thấy công bố kết quả. Trong các kỳ họp tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần có ý kiến về việc xây dựng, lắp đặt các cột thu lôi trên cánh đồng để giảm thiểu thương vong nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng", ông Trần Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hương Giang cho biết. Theo thống kê của chính quyền xã, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, trên địa bàn có 11 người tử vong vì bị sét đánh, 5 người khác bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã giữ lại được mạng sống.

Vài năm trở lại đây, ám ảnh về những cái chết do sét đánh, đang làm việc trên cánh đồng Cây Soi nên khi trời nổi giông tố, người dân đã chạy nhanh về nhà, sập cầu dao điện để đảm bảo an toàn nên giảm thiểu được thương vong rất nhiều, dù những cơn thịnh nộ vẫn giáng xuống. Gia súc, gia cầm và đồ điện bị thiệt hại do sét đánh thì không thống kê hết được.

Ông Phạm Lương Trung, Giám đốc Điện lực huyện Hương Khê khẳng định, nghi vấn sét đánh liên tục xuống cánh đồng Hương Giang do đường dây điện 35KVA chạy qua là không có căn cứ, bởi đối với đường dây này, ngành điện đã trang bị hệ thống chống sét đầy đủ. Theo nhận định của ông Trung, sét đánh có thể là do địa chất của vùng này. Tuy nhiên, cũng không riêng gì tại xã Hương Giang, mà nhiều vùng của huyện Hương Khê hằng năm ghi nhận nhiều vụ sét đánh gây thiệt hại về người, gia súc và tài sản. Ngành điện cũng chịu ảnh hưởng thường xuyên do bị sét đánh, năm 2021 sét đánh trúng đường dây trung thế đoạn qua xã Phúc Đồng khiến 1.000 hộ dân bị mất điện. Trước đó, trong một trận mưa lớn, hai trạm biến áp 100KVA và 50KVA tại các xã Điền Mỹ và Hương Trạch cũng bị sét đánh gây hư hỏng nặng nề.

Đang làm đồng, thấy trời vần vũ, mọi người vội vã trở về nhà.

Đang làm đồng, thấy trời vần vũ, mọi người vội vã trở về nhà.

Ông Phan Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết thêm, hằng năm huyện Hương Khê phải hứng chịu khá nhiều thiệt hại từ giông lốc, sấm sét mang lại. Riêng tại xã Hương Giang, thiệt hại về người là nhiều hơn cả, chính quyền cũng đã nỗ lực tìm hiểu nguyên nhân để hạn chế thương vong về người và thiệt hại về tài sản, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Theo ông Kỳ, thời gian vừa qua huyện cũng chỉ biết hướng dẫn UBND xã tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo đến người dân về việc chú ý lắng nghe dự báo thời tiết, trước các đợt mưa to gió lớn thì hạn chế ra đồng; đồng thời tắt các thiết bị điện trong thời gian xảy ra mưa gió. Một số gia đình có điều kiện, chính quyền cũng khuyến khích việc lắp đặt các cột thu lôi để đảm bảo an toàn.

Được biết, mùa mưa kèm theo giông lốc, sấm sét xảy ra trên địa bàn xã Hương Giang trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10 âm lịch hằng năm. Người dân địa phương mong mỏi cơ quan chuyên môn cần sớm vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó đưa ra phương án khắc chế kịp thời để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân.

"Vì sợ hãi mà thành kĩ năng ứng phó với sét, nhưng người dân chúng tôi cũng mệt mỏi lắm. Nhiều hôm hàng trăm người đang thu hoạch ngày mùa, mưa gió sấm chớp ùa về ai cũng bỏ của chạy lấy người, đến lúc trời quang mây tạnh, trở ra đồng thì trâu bò chạy khắp nơi, nông sản thu hoạch chưa kịp đưa về nhà đã bị mưa gió quật cho tứ tung tan nát. Nhiều người vừa gom nhặt vừa ngửa mặt than trời, bật khóc tức tưởi…", Ông Trần Định, một người dân ở xã Hương Giang than thở.

Có thể bạn quan tâm

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.