(GLO)- Sự việc chẳng có gì đáng nói nếu chính quyền xã Ia Lâu không căn cứ vào điều khoản từ một nghị định đã không còn hiệu lực thi hành để ra văn bản “không cấp giấy phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ nông thôn”, khiến cho người dân phải bức xúc, dẫn đến khiếu kiện.
Xã bảo sai-dân nói đúng
Anh Lê Hữu Phúc- thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông-giãi bày: Chú của anh là ông Trương Văn Cách-thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu-trước đây (ngày 20-12-2011) có sang nhượng của ông Phạm Hữu Long 1.200 m2 đất, bao gồm 400 m2 đất ở và 800 m2 đất trồng cây lâu năm, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 768745.
Đã hơn 2 tháng nhưng việc xin giấy cấp phép xây nhà vẫn giậm chân tại chỗ. Ảnh: M.T |
Với mục đích chuyển nơi ở từ Đồng Nai về tại địa phương sinh sống, nhưng vì công việc, ông Cách không thường xuyên có mặt tại địa phương nên có nhờ anh Phúc đứng ra xây dựng nhà. Trong quá trình anh Phúc đứng ra xây nhà thì bị UBND xã Ia Lâu đình chỉ xây dựng với lý do “xây nhà trái phép” mà không hề giải thích hay hướng dẫn gì để anh Phúc làm thủ tục xin cấp phép xây nhà cho đúng quy định.
Để hợp thức hóa phần nhà đang xây dựng dở dang, ngày 17-4-2013, ông Cách làm hợp đồng ủy quyền phần đất này lại cho anh Phúc để xin giấy phép xây dựng nhà (Hợp đồng ủy quyền số 311, quyển số 04/VP/CC-SCC/HĐGD).
Ngày 20-4-2013, anh Phúc làm đơn xin cấp phép xây dựng nhà ở cấp IV trên phần đất này với diện tích đất sử dụng làm nhà ở là 100 m2. Tuy nhiên sau hơn 1 tháng chờ đợi, ngày 25-5-2013, UBND xã Ia Lâu gửi Công văn trả lời số 02/CV-UBND “về việc không cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn”. Lý do mà xã đưa ra là thửa đất của ông Trương Văn Cách không phải nơi quy hoạch điểm dân cư nông thôn (bản đồ hiện trạng quy hoạch đất ở khu dân cư nông thôn năm 2000 thể hiện đất hoang và đất trồng lúa).
Do vậy, căn cứ theo khoản 3, Điều 23, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 10-2-2009 của Chính phủ thì: “Ủy ban Nhân dân xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại những điểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý”, UBND xã Ia Lâu không cấp phép để anh Phúc được tiếp tục xây nhà.
Không đồng ý với điều này, anh Phúc cho rằng: “Nếu UBND xã cho rằng thửa đất trên không đủ điều kiện cấp phép xây dựng, vậy tại sao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Cách, trong đó có 400 m2 đất ở”.
Anh Phúc còn đưa thêm dẫn chứng tại khoản e, Điều 19 của Nghị định này: Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây: … Nhà riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung; nhà riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt.
Trao đổi với P.V, ông Lê Thành Công- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu-khẳng định: “Chúng tôi đã có văn bản trả lời và việc không cấp giấy phép xây dựng cho ông Phúc là đúng, điều này chúng tôi căn cứ theo hướng dẫn của Nghị định 12/2009 của Chính phủ quy định”. Nhưng khi P.V đưa ra dẫn chứng rằng: Nghị định 12 này đã được thay thế bằng Nghị định 64/2012 của Chính phủ (hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 10/2012 của Bộ xây dựng về cấp phép xây dựng), có hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2012 và “các quy định trước đây của Chính phủ, các cơ quan ngang Bộ và địa phương về giấy phép xây dựng trái với Nghị định 64 đều bãi bỏ” thì ông Công không hề biết điều này và cho cán bộ cấp dưới ghi lại số của Nghị định nói trên để tìm hiểu sau...
Huyện nói: “cả hai đều sai”
Ông Nguyễn Anh Dũng- Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông- cho biết: Nguyên nhân xã không cấp giấy phép cho hộ gia đình ông Lê Hữu Phúc là vì đơn xin cấp phép xây dựng không đủ tính chất pháp lý. Tên chủ đầu tư là ông Trương Văn Cách nhưng người ký đơn lại là ông Lê Hữu Phúc. Khi đưa lên cấp huyện cũng vì lý do này nên huyện cũng không thể cấp phép. Đây là “nút thắt” chính của vụ việc.
Khi P.V hỏi nếu ông Trương Văn Cách tự làm đơn xin cấp giấy phép xây dựng, hồ sơ đúng theo trình tự thủ tục thì chính quyền có cấp giấy phép cho ông này hay không? “Vẫn cấp bình thường”- ông Phó Chủ tịch UBND huyện trả lời một cách dứt khoát.
Ông Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Đây là đất đã có quy hoạch được duyệt thì phải có giấy phép xây dựng để quản lý vùng quy hoạch. Trước đây nếu huyện chưa có đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới thì vùng đất này không cần phải có giấy phép nhưng từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới ra đời thì tất cả các xã trên địa bàn huyện Chư Prông nói riêng, trên toàn quốc nói chung đều phải có đồ án quy hoạch.
Còn đối với việc UBND xã Ia Lâu vận dụng các điều khoản của nghị định không còn hiệu lực thi hành để trả lời cho công dân thì: “Khi xã phản ánh lên thì huyện nhận định rằng việc trả lời đó là chưa đúng cần chấn chỉnh lại, việc trả lời của xã mang tính chất nóng vội. Huyện cũng đã nhắc nhở xã. Về số gỗ là vật liệu thi công mà ông Phúc không có hóa đơn, chứng từ chứng minh được nguồn gốc thì xã tịch thu là đúng, đặc biệt là gỗ ở vùng rừng”- ông Dũng nói.
Minh Triều