9x bỏ lương nghìn USD đi sản xuất dép xơ dừa, bàn chải tre

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Luôn đau đáu với tình trạng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, CEO Công ty TNHH Naheli Vina Nguyễn Thị Dạ Lý đã chấp nhận mạo hiểm bắt tay vào khởi nghiệp với những sản phẩm thân thiện môi trường.
CEO Naheli Vina Nguyễn Thị Dạ Lý.
CEO Naheli Vina Nguyễn Thị Dạ Lý.
Ý tưởng từ những chuyến đi
Là người đam mê du lịch, Nguyễn Thị Dạ Lý dành phần lớn thời gian và tài chính cho những chuyến du lịch khám phá các vùng đất trên thế giới, và điều ấn tượng nhất của cô gái này sau mỗi chuyến đi là ý thức bảo vệ môi trường của người dân ở các nước. 
Khi tới Nhật Bản, Lý thấy người dân sẵn sàng bỏ vài trăm nghìn ra mua những chiếc túi vải để đi chợ. Còn tại Bali, các nhà hàng lại sử dụng hộp đựng thức ăn nhanh được sản xuất từ lá. Hay tại Trung Quốc, họ sử dụng bút bi sản xuất từ giấy để phục vụ hội nghị, hội thảo tại khách sạn… 
Đi nhiều nơi, biết thêm nhiều thứ, sau khi về nước Lý càng trăn trở hơn với vấn nạn lạm dụng đồ nhựa dùng một lần của người dân trong nước. Từ đó, cô nảy sinh ý tưởng sẽ làm một việc gì đó vừa thỏa chí kinh doanh của mình, vừa có ích cho xã hội.
Năm 2017, Dạ Lý quyết định nghỉ công việc có mức lương 1.000 USD/tháng để mở Công ty TNHH Naheli Vina, chuyên sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. “Ý tưởng khởi nghiệp của tôi gặp phải sự phản đối của người thân và ánh mắt nghi ngờ của những người xung quanh. Bởi họ cho rằng tôi đã tự mua việc vào người và là ý tưởng viển vông. Khi đó tôi thấy khá buồn, tuy nhiên tôi vẫn kiên định với con đường mình chọn và chứng minh cho mọi người thấy bằng những sản phẩm cụ thể” – Dạ Lý tâm sự.
May mắn, trong gia đình Lý có một người họ hàng có xưởng chuyên sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ. Lý đã bàn bạc ý tưởng của mình với người anh đó và sử dụng chính cơ sở vật chất và công nhân của xưởng này để sản xuất.
Tuy nhiên, phải tới năm 2019, công ty mới sản xuất thành công và đưa các sản phẩm thân thiện ra thị trường.
Tuy không phải là nhà sản xuất đồ dùng thân thiện môi trường đầu tiên, nhưng Naheli Vina là DN tiên phong trong việc đa dạng sản phẩm. Lý chọn sản xuất những sản phẩm đơn giản, nhưng hết sức thiết thực với đời sống hàng ngày như bàn chải đánh răng từ tre và dừa, bút bi thân giấy tái chế, dép xơ dừa, thảm xơ dừa, lót đế ly, túi vải không dệt, ống hút từ nước dừa lên men, bộ kit khách sạn... Theo Lý, tuy là những đồ dùng sinh hoạt nhỏ nhặt nhưng đây lại là những sản phẩm hàng ngày được người dân thải ra môi trường nhiều nhất và gần như không có nguyên liệu thay thế ngoài nhựa.
Do là sản phẩm mới nên từ nguyên liệu đến kỹ thuật sản xuất, Dạ Lý đều phải tự mày mò tìm hiểu. Ngoài ý tưởng từ những chuyến du lịch thực tế, Lý còn dành thời gian tìm hiểu qua sách và trên mạng, sau đó nghiên cứu cho ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, hơn nữa là tận dụng được những nguồn nguyên liệu sẵn có.
“Vừa làm vừa “mò” đường đi, mỗi sản phẩm tôi phải sản xuất thử nghiệm cả chục lần. Sau mỗi lần sản xuất, tôi lại rút ra kinh nghiệm để hoàn thiện sản phẩm ở đợt sau. Vì thế chi phí dành để nghiên cứu sản phẩm đã “ngốn” một khoản vốn không nhỏ của tôi” – Lý giãi bày.
Hạ giá thành để chiếm thị phần
Dạ Lý cho hay, trên thực tế, đã có khá nhiều đơn vị sản xuất các sản phẩm mang tính thân thiện môi trường, nhưng hầu hết vẫn chưa thể cạnh tranh về giá thành với các sản phẩm làm từ nhựa. Chính vì thế, họ chỉ tồn tại được một thời gian ngắn.
Do đó, để hạ tối đa chi phí sản xuất, Dạ Lý tìm đến những nguyên liệu tái chế như giấy tái chế hay xơ dừa, tre, cỏ… Đây đều là những nguyên liệu có giá thành khá rẻ và dồi dào. Ngoài ra, Lý còn tinh gọn tối đa bộ máy điều hành công ty để tiết giảm chi phí bằng cách xây dựng đội ngũ cộng tác viên và bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, các sản phẩm của Naheli Vina có giá thành chỉ bằng 50% giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây là một trong những điểm cộng của sản phẩm khi đi chào hàng. Ngoài tính thân thiện môi trường, những sản phẩm của Naheli Vina cũng mang tính thẩm mỹ, tốt cho sức khỏe người dùng và tiện dụng.
Đối tượng khách hàng mục tiêu của Naheli Vina gồm các nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, quán cà phê, trường học, DN... Hiện, sản phẩm của Naheli Vina đã có mặt tại một số hệ thống siêu thị như: Coop Mart, Bách Hóa Xanh, Gruadian và gần 10 khách sạn… Nhà máy và công nhân sản xuất được tận dụng từ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của gia đình, với năng lực sản xuất mỗi ngày khoảng 10.000 sản phẩm các loại.
Chia sẻ về mục tiêu chiến lược trong thời gian tới, Dạ Lý cho biết, thời điểm này, xã hội đã bắt đầu quan tâm và có xu hướng chuyển sang những sản phẩm thân thiện môi trường, vì vậy tiềm năng thị trường của sản phẩm trong tương lai còn rất lớn. 
Chính vì thế, giai đoạn đầu công ty chưa đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà chấp nhận hòa vốn để phủ sóng sản phẩm. Tham vọng của Lý là chiếm lĩnh toàn bộ thị phần khách hàng của các sản phẩm nhựa trong tương lai.
Phương Nga (Kinh tế Đô thị/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.