61 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3.3.1959 - 3.3.2020): Huyền thoại Chà Tở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nói đến trinh sát viên Tao Văn Tem, thế hệ Bộ đội biên phòng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tháng 2.1979, ai cũng bảo “không ông ấy, cả xã Dào San bị phản động san phẳng”.
 
Người anh hùng Tao Văn Tem vui vầy bên cháu nội. Ảnh: M.T.H
Từ TX.Mường Lay (Điện Biên), xe máy chạy gần 100 km đường rừng dốc ngược, lổn nhổn đất đá, mù mịt sương mây mới tới UBND xã Chà Tở, H.Nậm Pồ (Điện Biên). Bí thư xã Poòng Văn Cương nghe tôi hỏi đến Anh hùng lực lượng vũ trang Tao Văn Tem, giật mình: “Hằng ngày ông ấy đi nương, cắt cỏ bò. Hẹn may ra mới gặp được”, và nói phó chủ tịch cựu chiến binh xã, dẫn tôi đi tìm.
Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Chà Tở - Tao Văn Lập là con trai đầu của Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) Tao Văn Tem. Vừa hì hục đẩy xe qua đường mòn, Lập vừa kể: “Ngày nào bố cũng dậy từ 5 giờ sáng đi nương, tối mịt mới về”. Gần trưa, AHLLVT Tao Văn Tem bước chân lên nhà, nắm tay tôi: “Xa thế mà cũng tìm được”.
Vừa đánh giặc vừa cứu dân
Nói đến trinh sát viên Tao Văn Tem, thế hệ Bộ đội biên phòng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tháng 2.1979, ai cũng bảo “không ông ấy, cả xã Dào San bị phản động san phẳng”. Hỏi thì ông Tem chỉ cười: “Mình là người đồng bào thì phải bảo vệ đồng bào, không là nhục như con trâu con chó vậy”.
Tháng 5.1976, chàng trai Tao Văn Tem 20 tuổi vừa học xong lớp 5 và là “hạt giống đỏ” của vùng núi cao Chà Tở hoang vắng; muốn đi xuống Mường Lay mua muối mua dầu phải túm tụm cả chục người mang súng chống hổ vồ, 2 - 3 ngày trời mới xuống tới nơi. Được gọi đi bộ đội, Tem mừng lắm vì ít nhất cũng không phải ăn củ mài thay cơm. Sau 4 tháng huấn luyện, binh nhất Tem được đưa lên biên giới Sì Lờ Lầu (H.Phong Thổ, Lai Châu) phát cây xẻ gỗ dựng doanh trại đồn 1 (nay là Đồn biên phòng 289 - Sì Lờ Lầu). Đồn trưởng thấy cậu chiến sĩ người dân tộc Thái nhanh nhẹn nên đưa lên làm liên lạc. Xuống địa bàn, thấy Tem tiếp xúc tốt với đồng bào, đồn trưởng cho về tỉnh học nghiệp vụ trinh sát và cuối năm 1978, trung sĩ Tao Văn Tem kết thúc khóa học hạ sĩ quan trinh sát, lên ngay đơn vị chống lấn chiếm.
 
AHLLVT Tao Văn Tem thời điểm đi học văn hóa, năm 1983. Ảnh: Tư liệu
Đầu tháng 2.1979, trung sĩ Tao Văn Tem lên “cắm” ở bản San Cha ngay sát đường mòn nối 2 nước. Sáng 16.2.1979, dân trong bản kéo nhau đi sơ tán, Tem hộc tốc chạy về đồn báo cáo: “Quân Trung Quốc áp sát biên giới, sáng mai là đánh ta mạnh rồi”. Thông tin liên lạc thô sơ, đồn trưởng cử người chạy về phía sau báo tin và động viên Tem: “Quay lại địa bàn, cố gắng huy động dân quân cầm cự”.
3 giờ ngày 17.2.1979, nghe tiếng chó sủa dữ dội, chiến sĩ Tem tỉnh giấc ra đầu nhà thấy lính Trung Quốc bò lên đen đặc. Tổ địa bàn nhanh chóng diệt địch báo động cho đồn. Giữa lúc đánh nhau mù trời, Tao Văn Tem vẫn đến từng căn nhà trong bản Gia Khâu, đưa những người dân còn mắc kẹt về khu sơ tán. “Nó đánh hai bên sườn, định đẩy bộ đội sang bên kia biên giới. Mình báo ngay cho chỉ huy và cùng anh em bắn trả quyết liệt, thà hy sinh chứ không chịu để chúng bắt”, AHLLVT Tao Văn Tem nhớ lại và trầm ngâm: “Rạng sáng 21.2.1979, cả đồn còn 14 người rút về Dào San, 20 anh em hy sinh”.
Đập tan bạo loạn
Khi rút về Dào San (H.Phong Thổ), đóng quân trên điểm cao 243, cấp trên thấy Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu thương vong nhiều, định sáp nhập vào Đại đội 5 Công an nhân dân vũ trang của tỉnh. Nghe vậy, cán bộ chiến sĩ nằng nặc xin giữ phiên hiệu và viết tâm thư “Một người còn thì đơn vị còn”. Riêng Tao Văn Tem, cương quyết xin quay trở lại bám địa bàn và gỡ mìn, đưa hài cốt liệt sĩ về phía sau. Ít ai biết, cũng trong những ngày này, ông Tem và đội trinh sát đã phối hợp, đập tan cuộc bạo loạn của bọn phản động tại địa phương.
 
Công việc thường ngày của ông Tem hiện tại là chăm đàn gia súc. Ảnh: M.T.H
AHLLVT Tao Văn Tem kể: Ở xã Dào San, tình báo Trung Quốc đã móc nối xây dựng một nhóm phản động - gián điệp do các tên Lừu Vần Chinh, Lừu Chí Xèng, Tính Cồ Lùng cầm đầu. Ngày 17.2.1979, khi lính Trung Quốc đánh vào Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải, bọn phản động ở Dào San đã phân công nhau đi đón dẫn địch vào đánh các chốt của bộ đội ta, giết cán bộ địa phương, cán bộ cơ sở biên phòng; và xin trang bị súng để chuẩn bị nổi loạn cướp chính quyền. 3 ngày trước khi quân Trung Quốc đánh chiếm huyện lỵ Phong Thổ, ông Tem và đồng đội bắt sống tên liên lạc Vàng Lao San. Ngày 6.3.1979, địch từ Phong Thổ đánh ngược lên biên giới Dào San, nhưng lúng túng như “gà mắc tóc” vì toàn bộ tổ chức phản cách mạng này đã bị trinh sát biên phòng và công an tóm gọn. Ông Tem nhớ lại: “Tôi nằm trên mái nhà cả ngày phục bắt. Hôm ấy mà để chúng thoát, sẽ rất nhiều bộ đội, nhân dân hy sinh”.
Trận đánh ngày 6.3.1979, tổ trinh sát của ông Tem vừa lùng bắt gián điệp vừa tiêu diệt địch. Mấy ngày sau tìm về hậu cứ, cấp trên mới tá hỏa gạch tên ông Tem trong danh sách… đã hy sinh. “Sau đấy tôi dẫn tổ 3 người lên Sì Lờ Lầu bám địa bàn. Đến Dào San dừng lại nấu cơm, 2 chiến sĩ người đồng bào sợ quá trốn mất. Anh cán bộ dưới xuôi thấy vậy rủ: Mình cũng trốn về nhà đi. Tôi giận quá mới bảo: Mình ở lại chiến đấu, có chết cũng vinh quang. Trốn về bị bắt, còn nhục hơn con trâu con chó…”, ông Tem kể vậy.
Bát phở nhân măng mừng công
Buổi trưa 25.4.1979, thượng sĩ Tao Văn Tem vừa từ địa bàn về đồn báo cáo tình hình, thì được gọi lên xe Gat 69 về tỉnh. Ông chỉ kịp thay bộ quần áo “bố bản” bằng bộ quân phục lành duy nhất và giắt khẩu K54 vào lưng quần. Về tới TX.Lai Châu, ông mới biết được là đi dự đại hội báo công. Cơ quan chính trị yêu cầu: “Anh phải viết báo cáo thành tích”. Ông lắc đầu: “Mình làm thế nào thì mình kể vậy thôi, viết ra khó lắm”; và câu chuyện của người lính trinh sát đã thu hút sự chú ý đặc biệt của đại hội, khiến Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Tình, Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Páo ngay hôm sau về Hà Nội dự đại hội mừng công toàn quốc, kéo luôn thượng sĩ Tao Văn Tem vừa đi báo công với T.Ư vừa làm... bảo vệ.
Bộ quần áo mặc từ biên giới khét mù, ông Tem phải sang Cục Trinh sát Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng xin từ cái quần, cái áo, đôi giày và quân hàm để ngày 1.5.1979 gặp mặt Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. “Hôm vào Phủ Chủ tịch, tôi quen giắt súng trong người. Anh em cảnh vệ phải vội vàng giật lại, cất hộ”, ông Tem cười và chùng giọng: “Đầu năm 1980, tôi được tỉnh gọi về nhận danh hiệu AHLLVT. Mừng quá, đưa cả bố về cho biết thị xã. Nhận xong giấy chứng nhận và 1 cái đồng hồ Liên Xô, định đưa bố đi ăn phở thịt nhưng hết tiền, 2 bố con đành ăn chung 1 bát phở nhân măng và lại đi bộ, nhờ xe 3 ngày mới về đến nhà”.
Gánh vác nhiều trọng trách
Tháng 2.1980, AHLLVT Tao Văn Tem được phong hàm thiếu úy, cử đi học văn hóa đến 1983 về làm đồn phó trinh sát của Đồn biên phòng Mường Nhé. Gần 20 năm đi bộ băng núi vượt rừng đến với các địa bàn khó khăn nhất của biên giới Lai Châu, tháng 5.1994 ông xin xuất ngũ với cấp hàm thiếu tá.
Khoác ba lô về nhà, việc đầu tiên là ông Tem cắt tranh đốn gỗ dựng mái nhà tạm, không để vợ con ở trong chuồng trâu cũ. Sau đó, ông quần quật cày bừa, trồng cấy cả ở mảnh ruộng nước và mấy khoảnh nương trên núi cao. Mấy tháng liền chỉ ngủ 3 - 4 tiếng/ngày, người ông quắt lại nhưng mắt vẫn sáng: “Mình lo cho đồng bào mà để vợ con đói, phải ăn củ mài thì mình là đàn ông tồi”.
Đúng hôm vợ và 3 đứa con được ăn bữa cơm no, thì Bí thư và Chủ tịch UBND huyện vào thăm nhà, yêu cầu ông làm cán bộ. Từ tháng 8.1994, ông làm Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Nà Mươi. Năm 2000, cấp trên vận động ông giữ chức Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Năm 2012, xã Chà Tở tách từ H.Mường Chà sang huyện mới Nậm Pồ, ông được bầu làm Chủ tịch HĐND xã, đến tháng 5.2016 mới nghỉ hưu. Ông Poòng Văn Cương, Bí thư Đảng ủy xã Chà Tở, kể: “Hết giờ làm việc buổi chiều là ông Tem cởi trần sản xuất đến khuya. Vào vụ, thức từ 3 giờ sáng dắt trâu ra ruộng cày bừa, 6 giờ mới nghỉ và đến trụ sở”... (còn tiếp)
Mai Thanh Hải (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.