40 năm chiến dịch tấn công tiêu diệt quân Pol Pot đường 7

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối tháng 12-1978, đáp lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, tiền phương Bộ Quốc phòng giao cho Quân đoàn 3 được tăng cường Sư đoàn 302 (Quân khu 7) mở chiến dịch tiến công đường 7 thuộc tỉnh Kampong Cham.

Trong chiến dịch này, Sư đoàn 320 được giao đảm nhiệm hướng chủ yếu: Từ vị trí bàn đạp ở Mi Mút thọc sâu đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Mặt trận đường 7 thuộc Quân khu 203 của địch ở Suông, chốt chặn ở Chúp, nhốt chặt lực lượng của Quân khu 203, phối hợp với các đơn vị bạn tiêu diệt toàn bộ quân địch trong khu chiến.

Nhân dân Kampong Cham vui mừng đón bộ đội Sư đoàn 320 vào giải phóng (ảnh tư liệu).
Nhân dân Kampong Cham vui mừng đón bộ đội Sư đoàn 320 vào giải phóng (ảnh tư liệu).


Để mở hành lang cho mũi thọc sâu, chiều 28-12, Bộ Tư lệnh Sư đoàn ra lệnh cho Trung đoàn 64 tiến lên phía Đông Bắc, Trung đoàn 52 tiến lên phía Tây. Sau 3 ngày đêm luồn rừng, lách qua các chốt địch, Trung đoàn 64 đã áp sát Đầm Be, tiến hành bao vây và bất ngờ nổ súng, địch ở đây vỡ nhanh, phần lớn bị diệt, số ít sống sót bỏ chạy. Sau đó, Trung đoàn tiếp tục tiến lên phía Tây Bắc. Cùng lúc, Trung đoàn 52 cũng tổ chức tiến công địch ở Sê Rê Kấk-Bâng Hếk. Được pháo binh chi viện, sau 1 giờ chiến đấu, Trung đoàn đã quét sạch toàn bộ quân địch ở khu vực này, tiếp tục tiến về hướng Tây Nam ra đường 7. Đường cơ động cho mũi thọc sâu được khai thông. Đúng lúc đó, Bộ Chỉ huy liên quân Việt Nam-Campuchia phát lệnh nổ súng tiến công trên mặt trận đường 7.

6 giờ ngày 31-12-1978, Trung đoàn 48 được lệnh xuất kích. Xe tăng, xe thiết giáp, xe kéo pháo, xe chở bộ binh, xe vận tải… rùng rùng chuyển động. Trên đường tiến công, đoàn quân liên tiếp bị địch đánh chặn nhưng đã nhanh chóng tiêu diệt địch. Trước sức mạnh của đoàn quân, bọn địch vội vã rải mìn rồi giãn ra. Lực lượng công binh nhanh chóng khắc phục. Đoàn quân tiếp tục xuyên qua những vạt rừng đang mùa thay lá giữa mùa khô cuốn bụi mịt mù. Chúng tôi ai cũng lem luốc bụi đất khắp người. Chiều ngả, đoàn xe đến ngã ba Kút Tva thì gặp Trung đoàn 64 và lực lượng của bạn đang chốt giữ ở đây. Cuộc gặp gỡ cảm động của những người đồng đội như tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân. Đoàn xe tiếp tục lao đi, gặp sình lầy thì tránh, gặp rừng thì cắt góc phương vị mà đi. Đến 16 giờ thì rừng cao su của đồn điền Chúp đã ở trước mặt. Sư đoàn phó Trần Ngọc Chung hội ý chớp nhoáng với chỉ huy Trung đoàn 48 rồi quyết định: Tiểu đoàn 1 cắt xuống phía Nam đánh vào Suông; Tiểu đoàn 2 tiếp tục tiến theo hướng Tây rồi vòng lại từ Tây Bắc đánh vào Chúp. Yêu cầu phải khẩn trương, chủ động, được đại đội nào, xe nào tiến công ngần ấy; lực lượng đi sau nghe tiếng súng mà bám theo.

Từ đây vào Chúp còn khoảng 3 km, được Căm Xon Ươn (phái viên của bạn) dẫn đường, Tiểu đoàn trưởng Trịnh Xuân Lan chia lực lượng thành 2 mũi: Mũi một do Đại đội 5 đảm nhiệm được tăng cường 2 xe bọc thép đánh thẳng vào Chúp, nơi có bọn cố vấn nước ngoài khoác áo dân sự; mũi hai do Đại đội 7 cùng 2 xe bọc thép đảm nhiệm. Tiểu đoàn trưởng Lan cùng Tiểu đoàn phó Hưởng trực tiếp chỉ huy đánh chiếm ngã ba đường 7 và đường 15…

Đại đội 5 vừa tiến vừa đánh địch để mở đường. Sau khi tiêu diệt ổ chốt thứ hai, đại đội tiến đến bãi trống thì trước mặt hiện ra căn cứ địch là một khu nhà tôn ở giữa nổi lên một tòa biệt thự, xung quanh có chiến hào và lô cốt dày đặc. Đây là một trọng điểm phòng ngự khá vững chắc bảo vệ Sở Chỉ huy Mặt trận đường 7 của địch ở Suông. Không do dự, Đại đội trưởng Lê Thế Mùi ra lệnh tiến công. Địch bên trong bắn ra xối xả. Đại đội trưởng lệnh cho hỏa lực bắn hút vào cửa mở. Được xe bọc thép dẫn dắt, bộ đội ta chia làm nhiều mũi lần lượt đánh chiếm từng dãy nhà. Một tổ xung kích tiến vào tòa biệt thự, địch đã bỏ chạy, tên điện báo viên chết gục bên chiếc máy vô tuyến.

Ở hướng Tây, Đại đội 7 phải vượt qua chặng đường lửa tới quốc lộ 7. Đang triển khai trận địa thì một đoàn xe địch từ hướng Kampong Cham chạy tới. Lập tức, Tiểu đoàn trưởng Lan ra lệnh nổ súng. Bộ đội ta đồng loạt xung phong chia cắt địch ra tiêu diệt. Đến sẩm tối, trận đánh kết thúc. Toàn bộ lực lượng đi ứng cứu cho Suông, Chúp của địch bị tiêu diệt. Đại đội 7 làm chủ ngã ba Chúp.

Quân Tình nguyện Việt Nam rút quân về nước, đi qua Hoàng cung ở thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia (ảnh tư liệu).
Quân Tình nguyện Việt Nam rút quân về nước, đi qua Hoàng cung ở thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia (ảnh tư liệu).



Trong khi đó, Tiểu đoàn 1 vẫn trên đường cơ động. Trời đã sẩm tối mà chưa biết đến Suông còn bao xa. Bỗng phía trước báo về có dân ra đón. Trung đoàn phó Nguyễn Quang Vinh, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Minh Tác cùng 2 phái viên Căm Xon Ươn và Chăn Thi vội vượt lên. Một nhóm người là phu đồn điền cao su Suông sống sót sau đợt tàn sát thảm khốc hồi tháng 5-1978. Ông Pi Coi nói: “Chúng tôi muốn dẫn bộ đội Việt Nam vào đánh Pol Pot”. Rồi ông lấy que vạch lên mặt đất sơ đồ bố phòng của địch. Tiểu đoàn 1 nhanh chóng chia 3 mũi đánh vào sở chỉ huy địch. Sau bước chuẩn bị ngắn, một tiếng nổ đinh tai của quả đạn pháo 100 mm do xe tăng ta bắn vào trung tâm chỉ huy địch, cùng lúc pháo cầu vồng, pháo trên xe tăng, pháo cao xạ 37 mm bắn thẳng cùng với ĐKZ, cối 82 mm, 12,7 mm… của bộ binh bắn vào căn cứ địch. Sau đòn đánh hỏa lực, từ 3 hướng, chiến sĩ ta được xe tăng dẫn dắt đồng loạt xông lên đánh chiếm từng vị trí địch. Tiếng súng AK hòa cùng tiếng thủ pháo, lựu đạn và B40 nổ giòn từng chập. Ở hướng chính diện, Đại đội 1 vừa vượt qua trận địa pháo cao xạ 37 mm của địch thì bị hỏa lực 12,8 mm trên chiếc xe tăng T58 cản đường. Xạ thủ B40 Lương Xuân Châu xách súng bò sang trái nhanh chóng diệt chiếc xe tăng này. Chiến sĩ ta ào lên vây chặt ngôi nhà lớn. Địch trong nhà ném lựu đạn qua cửa sổ. Một chiến sĩ nhanh chóng dùng chân gạt xuống chiến hào. Cùng lúc, 3 chiến sĩ Thụy, Thức, Quảng trườn lên, thả lựu đạn qua cửa sổ. Địch trong nhà kêu thất thanh. Chính trị viên Nguyễn Văn Tính dẫn bộ đội đạp cửa chính xông vào tiêu diệt những tên còn lại. Chưa đầy 1 giờ, Tiểu đoàn 1 đã làm chủ Sở Chỉ huy Mặt trận đường 7 của địch. Tuy nhiên, do trời tối, vây chưa chặt nên một bộ phận địch đã bỏ chạy.

Quá nửa đêm hôm đó, lực lượng này chạy về đến ngã ba Chúp thì đụng trận địa chốt của Tiểu đoàn 2. Lực lượng ta chỉ còn chưa đầy 20 tay súng, trong đó có phóng viên Báo Quân đội Nhân dân Ngô Tất Thắng và 1 xe M113 nhưng khi phát hiện đoàn xe địch bật đèn pha từ phía Suông chạy tới, Tiểu đoàn trưởng Lan và Tiểu đoàn phó Hưởng đã nhanh chóng tổ chức thế trận đón đánh. Chờ cho đoàn xe địch vào đúng tầm, chiến sĩ ta đồng loạt nổ súng. Bị đánh bất ngờ, đội hình địch chững lại, nhưng chúng đã kịp dùng hỏa lực bắn trả xối xả. Chiếc xe tăng T58 đi đầu của địch hùng hổ tiến vào. Khẩu ĐKZ trên xe M113 của ta bị hỏng. Tiểu đoàn phó Hưởng liền xách khẩu B40 của chiến sĩ bộ binh vừa hy sinh lao lên, quả B40 nổ trên tháp pháo. Bọn địch trong xe lao ra, Ngô Tất Thắng liền dùng AK bắn quét, chúng phải bỏ chạy. Hưởng liền nhảy lên xe cởi áo dập lửa, nổ máy đưa xe về vị trí, cùng một số chiến sĩ thiết giáp dùng hỏa lực trên xe bắn vào đội hình địch. Trong lúc bám trên tháp xe tăng tác nghiệp, phóng viên Ngô Tất Thắng đã trúng đạn hy sinh. Có thêm hỏa lực xe tăng, các chiến sĩ ta diệt thêm hàng chục tên địch. Bọn tàn quân phải bỏ xe tháo chạy. Ta thu 1 xe tăng, 3 xe M113, 6 khẩu pháo cao xạ 37 mm và 57 mm, 8 xe ô tô…

Sáng 1-1-1979, Tiểu đoàn 1 cùng xe tăng từ Suông vượt qua bàn đạp của Tiểu đoàn 2 ở Chúp, lần lượt đè bẹp từng cụm địch trên đường 7, đánh chiếm cầu Khơ Nung, tiến đến bờ sông Mê Kông làm chủ bến phà phía Đông thị xã Kampong Cham. Tiểu đoàn 16 cao xạ cùng một bộ phận của Trung đoàn 48 được lệnh ở lại bảo vệ địa bàn. Bà con ở các phum 2 bên đường 7 bị Ăng-ca o ép đói rách bệnh tật bỗng chốc vỡ òa niềm vui khi được bộ đội tình nguyện Việt Nam vào giải phóng. Chúng tôi nhanh chóng tổ chức các tổ mang gạo, muối, thực phẩm, thuốc men vào giúp các gia đình bị thiếu đói, điều trị cho người bệnh. Tôi vẫn nhớ chị Seng Hiêng có khuôn mặt hiền hậu, biết tiếng Việt. Chị đã giúp chúng tôi nói cho bà con hiểu rõ chính sách phản động của bọn Khmer Đỏ; về đường lối chính nghĩa của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia; bộ đội Việt Nam sang đây là để giúp nhân dân Campuchia đánh đổ bọn phản động Pol Pot, xây dựng lại đất nước tươi đẹp hơn. Ngày hôm sau, Trung đoàn 48 (thiếu Tiểu đoàn 1) được tăng cường 2 đại đội thiết giáp tiến về phía Nam truy diệt bọn tàn quân và tiến công giải phóng thị xã Prây Veng. Sư đoàn 320 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.

Nguyễn Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.