3 năm, gần 10.500 ha rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm tại Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, việc mất rừng tự nhiên và đất rừng bị khai thác, lấn chiếm trái phép ở tỉnh Đắk Lắk tập trung chủ yếu là ở những diện tích rừng được giao cho các huyện, xã và các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đắk Lắk đẩy mạnh tuần tra canh gác, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các loại tội phạm. Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đắk Lắk đẩy mạnh tuần tra canh gác, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các loại tội phạm. Ảnh minh họa: Dương Giang/TTXVN
Chỉ riêng năm 2015 đến nay, tổng diện tích rừng tự nhiên bị phá, lấn chiếm trái phép lên đến gần 10.500 ha; trong đó, huyện Ea Súp là địa phương để mất rừng tự nhiên và đất rừng bị lấn chiếm nhiều nhất, với hơn 9.358 ha, kế đến là các huyện Ea H’leo, M’Đrắk, Krông Bông, Ea Kar, Cư M’gar, Lắk.
Một trong những nguyên nhân là vai trò quản lý nhà nước về rừng của cấp huyện, xã ở một số nơi chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao trong quản lý bảo vệ rừng đã được phân cấp.
Cùng đó là thiếu quan tâm đến quản lý bảo vệ rừng, xem việc bảo vệ rừng đã có chủ rừng thực hiện, từ đó, việc cụ thể hóa tuyên truyền các văn bản của Đảng, Nhà nước về rừng chưa được chú trọng. Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia lao động nghề rừng, bảo vệ rừng còn hạn chế, kém hiệu quả.
Ở những địa phương có các vụ việc phá rừng nghiêm trọng, nhất là tại huyện Ea Súp, các cấp chính quyền địa phương thiếu kiên quyết chỉ đạo xử lý, việc kiểm tra, phối hợp tổ chức kiểm tra cũng chưa được thường xuyên.
Việc kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng chưa kịp thời để có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu, dẫn đến gây hậu quả khó thu hồi rừng, đất rừng bị người dân lấn chiếm trái phép để sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Mặt khác, UBND cấp xã, huyện trên địa bàn được giao quản lý diện tích rừng khá lớn 131.891 ha nhưng không được giao kinh phí, cũng không có cơ chế, trách nhiệm chưa rõ ràng, thiếu sự kiểm tra, giám sát dẫn đến diện tích rừng này trên thực tế không có chủ rừng quản lý bảo vệ cụ thể. Việc phân công, phân trách nhiệm, xử lý trách nhiệm trong quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp chưa thể hiện rõ các quy định về trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhất là cấp huyện, xã và người đứng đầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chủ rừng…
Để từng bước khắc phục tình trạng này, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các huyện có diện tích rừng cụ thể hóa nhiệm vụ quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp để phân giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, chính quyền cấp xã tăng cường kỷ cương, thường xuyên giám sát việc thực hiện phân cấp quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn, đồng thời, có đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các giải pháp quản lý bảo vệ và phát triển rừng sau khi đã phân giao nhiệm vụ…
Các huyện, xã ngoài việc tăng cường quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép còn triển khai thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng theo đúng quy hoạch.
Tỉnh  Đắk Lắk cũng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm lâm địa bàn nhằm tham mưu cho UBND cấp xã tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn mình quản lý, có chính sách đãi ngộ tốt hơn để kiểm lâm địa bàn yên tâm làm việc.
Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, nhất là làm rõ vấn đề quyền, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng, cơ chế, chính sách khoán, quan tâm bố trí hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên nghèo, chưa đưa vào kinh doanh, có chế tài xử lý rõ ràng đối với chủ rừng, các cơ quan chức năng… khi để mất rừng…
Tỉnh Đắk Lắk hiện nay có tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp 722.141 ha; trong đó, diện tích rừng trên 505.076 ha, gồm rừng tự nhiên có 461.385 ha, còn lại là diện tích rừng trồng. Tỉnh hiện có 111 xã/184 xã có rừng, có nhiều xã hiện quản lý hàng chục nghìn ha rừng, đất rừng.
Quang Huy (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.