Bé trai 22 tháng nuốt 2 viên bi nam châm vô bụng đến 6 tháng sau mới được phát hiện. Hai viên bi nam châm nằm ở hai khoang ruột khác nhau, lại hít chặt nhau nên kéo hai đoạn ruột lại, nguy cơ tắc ruột, hoại tử,…
|
Viên bi nam châm được lấy ra ngoài và qua hình ảnh X-quang khi ở trong ruột bệnh nhi (phải) BVCC |
Hôm nay (26.11), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) thông tin: Các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật gắp ra ngoài 2 viên bi nam châm bị ghim chặt trong ruột non của bệnh nhi N.B.Q (22 tháng tuổi, quê Đồng Nai).
Trước đó 1 tuần, bé có triệu chứng ho đàm, dần sốt cao, ói và tiêu lỏng từng đợt, quấy khóc nhiều, bú kém. Bệnh nhi được khám và điều trị viêm hô hấp và rối loạn tiêu hóa nhiều ngày nhưng không khỏi. Thấy vậy, người nhà đưa bé đến bệnh viện khám với tình trạng bụng đau, phình nhẹ.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bệnh nhi được thăm khám và chụp chiếu phim X-quang kiểm tra. Các bác sĩ phát hiện hai dị vật cản quang tròn nhỏ nằm gói gọn trong lòng bụng, khu vực ruột non.
Lúc này, mẹ bé mới nhớ lại, thời gian trước, bé có chơi một số viên bi nam châm hình dạng tương tự. Loại đồ chơi viên bi nam châm lắp ghép này được bán khá nhiều trên thị trường. Tuy nhiên, người nhà thấy có nguy cơ hóc nuốt sặc nên đã dẹp bỏ đồ chơi này hơn… sáu tháng nay.
Sau sáu tháng trời bị nuốt vô bụng, 2 viên bi nam châm nằm ở hai khoang ruột khác nhau nhưng đã hít chặc vào nhau, làm cho hai đoạn ruột bị kéo dính lại với nhau. Dần dần thành ruột bị xuyên thủng, bị bao lại, dọa tắc và nguy cơ hoại tử ruột.
Ngay lập tức, ê kíp phẫu thuật do thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Tạ Huy Cần, Trưởng khoa Ngoại Tổng quát, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đã nội soi xử lý gắp 2 viên bi này ra.
“Trong khi mổ nội soi ổ bụng, thấy dị vật nằm ở ruột non. Trong 2 giờ phẫu thuật, bác sĩ phải nhẹ nhàng bóc tách cẩn thận lấy dị vật, vệ sinh vùng tổn thương, kiểm tra kĩ thành ruột lân cận xử trí nguy cơ hoại tử và thủng ruột, rồi tiến hành khâu đóng vết mổ...”, bác sĩ Cần cho biết.
Đặc biệt, bác sĩ Cần cảnh báo, trẻ nhỏ có thói quen ngậm đồ chơi và dễ nuốt vào bụng. Bi nam châm hít vào nhau tạo nên mô hình liên kết chặt nên khi nuốt vào rất nguy hiểm. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể bị sốc nhiễm trùng do thủng ruột, gây nhiễm trùng ổ bụng và có thể dẫn tới tử vong.
Trường hợp trẻ bị hóc dị vật, nuốt các đồ chơi tháo rời vào nhập viện không phải hiếm. Do đó, phụ huynh nên lưu ý cân nhắc cho trẻ chơi những đồ chơi phù hợp với từng lứa tuổi. Khi bé có biểu hiện đau bụng, sốt, than mệt sau khi chơi đồ chơi, phụ huynh nên tìm cách hỏi bé và đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí kịp thời.
Theo Nguyên Mi (Thanh Niên)