Công ty 72 làm tốt công tác dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do giá mủ cao su giảm sâu trong những năm gần đây song Đảng ủy-Ban Giám đốc và cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức, người lao động (NLĐ) Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15) vẫn luôn làm tốt công tác dân vận trên địa bàn đứng chân.
 
Công ty TNHH một thành viên 72 được Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15, Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai, Huyện ủy Đức Cơ phân công làm công tác dân vận trên địa bàn 3 xã biên giới: Ia Nan, Ia Pnôn và Ia Dom. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, tập quán còn lạc hậu, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận, hàng năm, Công ty đều bám sát sự chỉ đạo của cấp trên để xây dựng kế hoạch công tác dân vận cụ thể, phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ của địa bàn và đơn vị.

 

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Quang-Giám đốc Công ty trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách trên địa bàn huyện Đức Cơ. Ảnh: N.D
Thiếu tá Nguyễn Cảnh Quang-Giám đốc Công ty trao nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách trên địa bàn huyện Đức Cơ. Ảnh: N.D

Đồng thời, Công ty tích cực trao đổi, phối hợp với các lực lượng chức năng và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, xây dựng nông thôn mới, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân.

Có thể khẳng định rằng, nhờ có sự đồng thuận, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trên địa bàn đứng chân, Công ty mới có thể đứng vững và phát triển được như ngày hôm nay. Vì vậy, Đảng ủy-Ban Giám đốc Công ty luôn xác định “còn dân là còn tất cả”, dân vận là vấn đề cốt lõi, là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải làm tốt công tác dân vận. Sau nhiều năm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, lãnh đạo Công ty đã tìm ra vấn đề căn cốt của công tác dân vận là phải làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện giúp đỡ về mọi mặt để họ tự làm ra của cải, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Trong 3 xã, hiện mới có xã Ia Dom về đích nông thôn mới nên Công ty xác định sẽ nỗ lực đóng góp công sức để đưa 2 xã còn lại sớm hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, cùng với việc trích các nguồn quỹ tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm để hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội và xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ nhân dân, Công ty tập trung thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Công ty đã cùng với xã Ia Nan duy trì có hiệu quả “Cánh đồng tình nghĩa quân-dân” (gần 6 ha lúa nước) tại làng Tung và cánh đồng lúa nước làng Nú (gần 50 ha), góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Đối với lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số (chiếm 50%), Công ty đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên như: thời gian xét tuyển dụng chính thức ngắn hơn lao động người Kinh; giao khoán sản lượng thấp hơn bình quân chung của Công ty; được ứng trước tiền lương sản phẩm để giải quyết công việc; lao động thời vụ được hưởng các chế độ, chính sách như lao động chính thức; vận động bà con tự làm máng mái che mưa, trồng mì, trồng lúa trên đường lô cao su tái canh, trồng mới để tăng thu nhập; thu mua mủ dây, mủ mót của bà con với giá cao hơn thị trường và trả tiền ngay. Công tác kết nghĩa, mô hình “Gắn kết hộ” ngày càng đi vào thực chất, tạo bước chuyển biến quan trọng về nhận thức, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu trong đồng bào. Bà con không chỉ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà thu nhập cũng cao hơn các xã khác trên địa bàn. Điều này đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương ghi nhận.

Nói thì đơn giản vậy nhưng để làm chuyển biến được nhận thức của bà con là cả quá trình vất vả. Đơn cử như việc làm máng mái che mưa trên vườn cây cao su, dù tiền công 1 ngày bằng số tiền thu hoạch trồng mì cả mùa vụ nhưng trước đây bà con không chịu làm. Nhờ kiên trì vận động, đến nay, bà con đã tự làm máng mái; đồng thời tích cực trồng mì, lúa nước...

Thiếu tá Nguyễn Cảnh Quang
(Giám đốc Công ty)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.