Đột nhập 'căn cứ' vàng tặc: Lộ điểm yếu chính quyền địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vị trí khai thác vàng trái phép cách trụ sở UBND xã khoảng 3km. Chủ tịch xã cho hay, đã nắm được thông tin nhưng bận họp hội đồng chưa thể giải quyết.
 
Tình trạng khai thác vàng trái phép đã diễn ra nhiều năm nay tại huyện Tương Dương (Nghệ An). Chính quyền vào cuộc, đốt lán trại, thu hồi máy móc, nổ sập hầm nhưng đến hẹn lại lên, “vàng tặc” tiếp tục lộng hành… 
Mục sở thị hầm vàng trái phép
Từ tỉnh lộ 543C, (đoạn qua xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, Nghệ An), đi theo khe Hốc, bản Văng Cuộm, xã Yên Tĩnh lên núi khoảng 300m, chúng tôi phát hiện một điểm khai thác vàng trái phép nằm giữa thung lũng. Dòng nước khe Hốc đục ngầu lẫn màu vàng quánh.
Tại hiện trường, có 4 lán bạt màu xanh, trong đó có hai lán khai thác vàng trái phép, 2 lán còn lại là nơi công nhân sinh hoạt và ngủ nghỉ. Lán bạt khai thác vàng được trang bị máy móc đầy đủ, hệ thống băng chuyền dùng để đãi vàng rất “chuyên nghiệp” và quy củ. Máy nổ còn nóng, máy khoan đá, cuốc xẻng vứt ngổn ngang, đất được cào xới, nước còn chảy qua vị trí lọc sàng vàng, dấu hiệu hầm vàng vừa mới hoạt động.
 
Máy móc được trang bị đầy đủ, quy củ.
Trong lán bạt sinh hoạt của công nhân, các vật dụng bếp bình ga, nồi cơm điện, rổ chậu thau… đầy đủ. Không xa là vị trí tắm giặt, vệ sinh. Còn một lán bạt khác thì có 5 công nhân đang nằm nghỉ.
Theo một công nhân (SN 1995, trú tại bản Văng Cuộm) cho biết: “Chủ của hầm vàng trái phép là một người đàn ông ở thành phố Vinh, đây là hầm cũ, anh em mới lên làm 8 ngày, mọi người đều từ bản Văng Cuộm. Ông chủ từng làm vàng ở núi Pu Phen nên quen biết và gọi bọn em lên chỗ này”.
Không thể xử lý triệt để
Huyện Tương Dương là một trong số ít địa phương của tỉnh Nghệ An có trữ lượng vàng. Đã có một số doanh nghiệp xin giấy phép về khoan thăm dò khai thác hoặc thăm dò nhưng không đi vào hoạt động khai thác. Sau khi hết hạn, những hầm vàng trở nên vô chủ, điều này dấy lên tình trạng “vàng tặc” kéo theo hệ lụy mất an ninh trật tự, ma túy, mại dâm, ô nhiễm môi trường, đảo lộn cuộc sống người dân…
 
Tình trạng khai thác vàng trái phép tại huyện Tương Dương còn nhức nhối.
Vị trí khai thác vàng trái phép tại khe Hốc cách trụ sở UBND xã Yên Tĩnh khoảng 3km nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Giải thích về vấn đề này, ông Vi Văn Khiêm – Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh nói: “Chúng tôi đã nắm được nhưng những ngày qua bận họp hội đồng chưa thể giải quyết. Địa bàn xã được thiên nhiên ưu ái có khoảng sản, xã và huyện rất quyết liệt xử lý. Cứ một tháng/1 lần là chúng tôi thành lập đoàn đi truy quét, đẩy đuổi, tuy nhiên chưa thể triệt để. Hầm vàng tại khe Hốc, trước đây do Công ty CP Trung Tín (trụ sở tại TP Vinh) xin giấy phép khai thác nhưng hết hạn tháng 2/2015 và chưa hoàn thổ. Lực lượng của xã mỏng, không thường xuyên được, cứ đẩy đuổi ‘vàng tặc” được vài ngày lại tái diễn. Chủ “vàng tặc” là người ngoài huyện, ở thành phố Vinh hoặc tỉnh Thái Nguyên vào. Chúng tôi cũng đau đầu vì vàng lắm…”.
 
Hầm mỏ cũ từ những công ty khai thác trước nhưng chưa hoàn thổ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phùng Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Tương Dương cho biết: “Điểm khai thác vàng nhức nhối nhất hiện nay trên địa bàn huyện là tại đỉnh Pu Phen. Huyện đã giao cho 3 xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa luân phiên 1 tháng/1 lần kiểm tra, đẩy đuổi. Còn vị trí tại khe Hốc, chúng tôi yêu cầu xã kiểm tra ngay. Lao động tại xã Yên Tĩnh tham gia khai thác vàng trái phép nhiều, nhỏ lẻ do một vài gia đình tự tổ chức hoặc có người đứng sau thuê dân bản làm”.
 
Ô nhiễm môi trường.
“Hiện trạng khai thác vàng trái phép là do lỗi chính quyền địa phương, các phòng ban tham mưu như Phòng TNMT, Phòng Nông nghiệp quản lý lỏng lẻo. Do ý thức, nhận thức của người dân trong khu vực đó chưa phối hợp trong việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản và tiếp tay cho “vàng tặc”. Nhiều lúc, chúng tôi thành lập đoàn đi thì không khéo trong đó đã dọn dẹp sạch sẽ, rất khó nên thông tin phải bí mật”, ông Hùng cho biết thêm.
Trao đổi với Tiền Phong, Bí thư huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải thừa nhận, huyện rất quyết liệt trong việc xử lý nghiêm tình trạng “vàng tặc” nhưng chưa thể triệt để.
Cảnh Huệ (TPO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.