Ngọn núi "Trời đánh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi ngọn núi Chóp Chài (nằm ở xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) là ngọn núi… “trời đánh”.

Theo cuốn Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ ca dao Phú Yên (xuất bản năm 2007 của Nguyễn Đình Chúc) thì Chóp Chài có tên chữ Hán là Nựu Sơn, biệt danh là Quy Sơn. Nếu nhìn từ đèo Cả thì núi có hình dạng như một chiếc chài đang vãi trên mặt đầm. Còn nếu đứng gần, núi giống hình con rùa, nên đoạn nhô ra theo hướng xuống đường Nguyễn Tất Thành chạy vào TP. Tuy Hòa gọi là Cổ Rùa.
Những chứng tích có được cho rằng Chóp Chài là cù lao giữa biển từ hàng triệu năm về trước. Ngày nay, dân quanh vùng khi đào giếng thường bắt gặp những đoạn dây neo.

Từ thế Long Quy

 

 Núi Chóp Chài nhìn từ xa . Ảnh: K.N.B
Núi Chóp Chài nhìn từ xa.   Ảnh: K.N.B

Cổ Rùa là nơi mà trong truyền thuyết, Lương Văn Chánh sai lính của mình cho dựng tháp bằng tre, được “ngụy trang” rất khéo khiến cho quân Chăm thấy mà tưởng bằng đất. Trước đó có giao ước bên nào xây tháp nhanh và to lớn hơn sẽ thắng, bên thua sẽ tự động rút lui khỏi chiến trường mà ngày nay là TP. Tuy Hòa. Quân Chăm thấy tháp của đối phương xây nhanh và to lớn hơn tháp của mình, nên dù chưa xây xong, vẫn thực hiện giao ước, để lại tháp Nhạn huyền bí và không bao giờ bén mảng tới Phú Yên nữa.

“Núi Chóp Chài, nhất là đoạn Cổ Rùa tạo nên thế Long Quy địa linh nhân kiệt, tiếc là khi người Pháp làm đường tàu lửa đã chặt đứt Cổ Rùa, “yếm” nhân tài đất Việt”-ông Nguyễn Đình Chúc-nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phú Yên, cho hay. Cũng vì có vị thế phong thủy tốt mà ở chân núi Chóp Chài có đến bốn ngôi chùa danh tiếng, gồm: Bửu Lâm, Hòa Sơn, Khánh Sơn và Minh Sơn. Riêng ở phía Tây gần đỉnh núi có chùa Hang, một ngôi chùa được tạo nên bởi những tảng đá xếp thành hang. Ngôi chùa này do Thiền sư Pháp Tạng ẩn cư tu thiền đắc đạo và lập nên vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

Ngôi chùa này chính là “cái nôi” của nhiều truyền thuyết quanh việc tranh giành quyền bính giữa nhà Tây Sơn và triều Nguyễn. Có chuyện quân Nguyễn Ánh trú trong chùa Hang như sau: Từ đèo Cù Mông, khi bị quân Tây Sơn đánh tan tành, quân Nguyễn chạy vào đến hòn Nần thì xảy ra trận huyết chiến. Lại thua, quân Nguyễn tháo chạy vào Gành Đỏ, men theo sông cái chạy vào Chóp Chài, nấp ở chùa Hang. Còn quân Tây Sơn thì lùng sục nhiều ngày mà không thấy dấu vết gì nên đến phía sông Đà Rằng, truy quét ngược lên thượng nguồn. Lúc bấy giờ, quân Nguyễn Ánh mới rời khỏi chùa Hang đến đóng trại ở Lương Sơn, bị đội dũng binh Bà Hỏa (một đội binh của người dân tộc thiểu số) phát hiện và cùng với quân Tây Sơn, đánh đuổi đốt trại quân Nguyễn.

Trong thời gian ẩn nấp ở chùa Hang, quân Nguyễn được nhà chùa che giấu, cung cấp lương thực nước uống. Sau khi lên ngôi, nhớ ơn cứu mạng, vua Gia Long có sắc phong cho chùa nhưng qua thời gian chiến tranh kéo dài, những sắc phong này nay đã thất lạc.

Đến bị... "trời đánh"

 

Chùa Bảo Lâm dưới chân núi Chóp Chài.   Ảnh: K.N.B
Chùa Bảo Lâm dưới chân núi Chóp Chài. Ảnh: K.N.B

Núi Chóp Chài có độ cao 394 mét so với mực nước biển, nằm “cô đơn” giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Do gần trung tâm thành phố Tuy Hòa, có độ cao và mặt bằng rộng, đỉnh núi Chóp Chài là nơi đặt Trung tâm Truyền dẫn-Phát sóng VTV Phú Yên.

Anh Nguyễn Văn Thạo-kỹ sư vận hành máy phát sóng VTV Phú Yên cho biết mỗi năm ngọn núi bị sét đánh trên dưới cả trăm lần. Đầu năm 2004, Trạm thu-Phát sóng VTV Phú Yên được đưa lên. Cho đến hôm nay, bộ đếm sét của cột thu lôi đếm được 47 lần sét đánh trúng cột. “Xin nhắc lại, đó chỉ là những lần sét đánh trúng cột, vì thực tế số lần sét đánh xuống nhiều hơn gấp mấy lần. Tuy nhiên, do không đánh trúng cột nên bộ đếm không đếm được”-anh Thạo cho biết.

 

Núi Chóp Chài chính là nơi Tỉnh ủy Phú Yên giải thoát thành công Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào ngày 30-10-1961, sau hai lần bị “trục trặc” trước đó.

Theo anh Thạo, mùa mưa giông từ tháng 6 đến tháng 9 Âm lịch là sét đánh nhiều nhất, có ngày mười mấy lần. Thời gian Thiên Lôi hay “làm việc” là từ 12 giờ đến 19 giờ. Vị kỹ sư trẻ hài hước: “Quãng thời gian này, anh em “án binh bất động”. Nhiều khi nghe sét đánh liên tục mà muốn ù cả tai, “nhờ” vậy mà anh em mới biết được tất tần tật các loại sét: sét cục, sét sợi, sét hột,… Điều lạ là, tuy có người bị “ảnh hưởng” của sét đánh, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có ai tử vong vì sét cả”.

Anh Lê Ánh Dương-Trưởng phòng Kỹ thuật VTV Phú Yên, nhớ lại “kỷ niệm” cách đây khoảng bốn năm: Mùa mưa giông năm 2008, khi đang làm việc ở cơ quan thì có mưa giông. Tôi bèn gọi cho anh em trên Chóp Chài tắt nguồn điện cao thế để chuyển sang điện máy. Tuy nhiên, anh em trên ấy bảo rằng hệ thống thu-phát sóng đã bị tê liệt vì sét đánh”. Anh Dương chạy xe lên xem tình hình, khi lên gần đến nơi, cách khoảng 200 mét thì xe bị hết xăng. Do trời tối không thấy đường nên lấy điện thoại gọi anh em đưa pin xuống. Vừa rút điện thoại để chuẩn bị gọi thì anh giật mình bởi tiếng sét ngang tai.

Sau khi hoàn hồn, anh nhặt điện thoại lên thì màn hình đã bị vỡ, rồi dò đường lên đỉnh núi. “Sau vụ này, anh em đùa rằng tôi bị sét đánh không chết. Nhưng tôi nghĩ rằng, hôm đó mình chỉ bị ảnh hưởng, chứ nếu mà “ổng” đánh trúng thì giờ đã… mồ yên mả đẹp”-anh Dương chia sẻ.

Lê Xuân Thọ

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.