Yêu trong... dã chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cùng dắt tay nhau rời khỏi bệnh viện dã chiến khi thành phố đã qua cơn nguy kịch, họ trở về, bắt đầu cuộc sống bình thường bằng tình yêu đã nẩy mầm trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Vào thời điểm căng thẳng nhất đợt dịch Covid-19, tại Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 6, TP.Thủ Đức, TP.HCM, các bộ phận đều quá tải, quay cuồng trong bận rộn, căng thẳng. Dù vậy, những mầm xanh tình yêu vẫn mọc lên…

Bác sĩ Nam và Giang khiêng thùng đồ phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 6 (TP.Thủ Đức, TP.HCM)
Bác sĩ Nam và Giang khiêng thùng đồ phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 6 (TP.Thủ Đức, TP.HCM)
Thấu hiểu để yêu thương
Dịch Covid-19 bùng phát, tháng 7.2021, bác sĩ (BS) Vòng Tình Nam (27 tuổi, Khoa Nội tim mạch, BV Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, TP.HCM) được tăng cường về BVDC số 6 phụ trách điều phối tiếp nhận bệnh nhân F0. Những ngày sau đó, số lượng bệnh nhân ngày càng đông, có hôm lên đến hơn 1.000 ca. Ngoài bộ đàm, số điện thoại cá nhân của BS Nam cũng được công bố để thuận tiện khâu tiếp nhận. Thời gian này, cả tháng Nam không có thời gian gọi về nhà và cũng không thể nhận điện thoại từ mẹ do các cuộc gọi thường quá tải.
Tháng 8.2021, tình nguyện viên Trần Ngân Giang (21 tuổi, sinh viên y năm 2, Khoa Răng - Hàm - Mặt, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TP.HCM) được cử đến hỗ trợ phòng cấp cứu. Dù đã tham gia tình nguyện ở một số mảng chống dịch, nhưng vào BVDC chứng kiến những ca cấp cứu nghẹt thở, những cái chết đến quá nhanh, tâm hồn non nớt của cô sinh viên năm 2 dường như dễ xúc động hơn.

Nơi kiểm chứng tình yêu thật nhất

Lý giải cho tình yêu sét đánh của cả hai, BS Nam cho rằng: “Có thể do thời gian ở dã chiến quá dài, chứng kiến quá nhiều nỗi đau mất mát nên trái tim cũng vì thế mà rung động nhanh hơn”. Còn Giang? “Khi đã chứng kiến những cuộc chia ly trong tích tắc, những mất mát khi không còn người thân, người ta thường quý trọng những tình cảm và thời gian hiện tại”, cô chia sẻ.

Càng tìm hiểu nhau lâu, cả hai càng khẳng định quyết định của mình đúng đắn bởi tình yêu đến ở nơi mà không ai nghĩ tới và nó được kiểm chứng bởi sự khắc nghiệt của hoàn cảnh. “Chẳng ai lại dành chút thời gian nghỉ hiếm hoi ở dã chiến cho thứ mà họ không coi trọng”, Nam chia sẻ. Do vậy, tình yêu trong dã chiến với họ là thật và tự nhiên nhất.

Chuyện tình yêu của Giang và chàng BS khoa tim được nhen nhóm trong một tình huống khá đặc biệt. Hôm đó, đang làm việc thì Giang nhận tin người thân nhiễm Covid-19 đang ở tập thể cần cách ly kịp thời. Đã chứng kiến những cái chết đột ngột của người nhiễm, Giang gọi liền 5, 6 cuộc cho BS Nam - người trực tiếp điều phối tiếp nhận F0 lúc đó, nhưng không có người bắt máy.
Sốt ruột, Giang chạy xuống phòng điều hành BVDC trực tiếp tìm BS Nam, không biết mặt nên cô chỉ có thể hỏi khá gay gắt: “Có ai thấy BS Nam ở đâu không ạ? BS điều phối tiếp nhận bệnh mà sao gọi điện không nghe máy. Lỡ bệnh nhân cần hỗ trợ liền thì làm sao?”. Giang gọi điện thoại tiếp, thật bất ngờ, tiếng chuông vang lên ngay tại đó: BS Nam - người bị Giang chỉ trích đang ngồi ăn ngay trước mặt. Giang ngượng ngùng nhờ hỗ trợ. BS Nam cũng kết thúc bữa ăn sớm hơn, hướng dẫn cô sinh viên tình nguyện làm thủ tục đưa người thân nhập viện. Sau hôm ấy dù làm chung BV nhưng cả hai không gặp lại nhau vì quá bận rộn. Tuy vậy, một niềm cảm mến cô SV thẳng tính đã nhen nhóm trong BS Nam.
Khoảng một tuần sau, Giang có việc phải tới trường, đang loay hoay thì BS Nam đã đậu xe trước mặt. Anh tình nguyện dành chút thời gian nghỉ của mình để đưa Giang về trường. Trên đường đi, biết Giang từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện, bất chấp nguy hiểm lao vào tâm dịch, Nam càng mến cô hơn.
Về phần Giang, cô cũng dần cảm nhận được BS Nam thật ra rất chu đáo. Công việc của người điều phối cả ngàn ca bệnh/ngày không thể nghe hết mọi cuộc gọi đến, ăn cơm cũng tranh thủ từng phút. Có thời gian cả tháng trời BS Nam không liên lạc về nhà vì buông điện thoại ra, thoát khỏi bộ đồ bảo hộ cũng là lúc anh kiệt sức. Hai tuần sau ngày gặp gỡ định mệnh, vị BS trẻ và cô sinh viên y khoa đã chính thức hẹn hò.

Đêm trung thu tại bệnh viện dã chiến là dịp thư giãn hiếm hoi để D. và P. có cơ hội hiểu nhau hơn trong những ngày chống dịch khắc nghiệt
Đêm trung thu tại bệnh viện dã chiến là dịp thư giãn hiếm hoi để D. và P. có cơ hội hiểu nhau hơn trong những ngày chống dịch khắc nghiệt
Trong hoạn nạn tìm thấy chân tình
“Thời bình” Nguyễn Thị Mỹ D., 24 tuổi, và Phạm Lương Anh P., 32 tuổi, cùng làm điều dưỡng tại hai khoa khác nhau thuộc BV Phục hồi chức năng TP.HCM nhưng chưa biết mặt nhau. Đến khi Sài Gòn bùng dịch, cả hai cùng được tăng cường qua BVDC. Cũng từ đây, họ gặp gỡ, thấu hiểu và yêu nhau…
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 7.2021, cả hai được tăng cường qua BVDC khâu tiếp nhận bệnh nhân. Sau đó 3 tháng lại tiếp tục được điều về chung khoa cấp cứu bệnh nền.
Lúc đầu, hai người trao đổi công việc hằng ngày chỉ xoay quanh tình trạng bệnh nhân. Một phần vì chưa có thông tin gì về nhau, phần khác vì cả ngày gặp nhau khi mặc đồ bảo hộ, đến gương mặt của đối phương cũng chưa từng nhìn rõ.
Mấy tháng sau tới ngày trung thu, với vài thứ bánh kẹo đơn giản nhưng là lúc hiếm hoi, anh cùng đồng nghiệp được thảnh thơi ngồi lại với nhau. Hôm đó, họ ngồi tới khuya. Trong những câu chuyện trăn trở về dịch bệnh, về gia đình, anh P. phát hiện D. có nhiều suy tư đồng điệu với mình. Cả hai chưa có người yêu nên mối quan tâm nhiều nhất là ba mẹ. Mỗi ngày họ đều nhận những cuộc gọi đầy lo lắng từ gia đình. Câu trả lời luôn là “con vẫn ổn” để người thân an tâm. Tuy nhiên, thực tế khốc liệt hơn nhiều, đôi lúc chính họ cũng thấy mệt mỏi, hoang mang và cô đơn.

Hai tuần sau ngày gặp gỡ định mệnh, bác sĩ Nam và cô sinh viên Giang đã chính thức hẹn hò. Ảnh: Lam Ngọc
Hai tuần sau ngày gặp gỡ định mệnh, bác sĩ Nam và cô sinh viên Giang đã chính thức hẹn hò. Ảnh: Lam Ngọc
Từ những đoạn hội thoại lốp bốp, những việc tăng cường bất chợt cùng nhau, tình yêu của D. và P. cũng lớn dần. “Khi gia đình ở quá xa thì hai người đồng điệu cũng dễ tạo lực hấp dẫn kéo họ xích lại gần nhau hơn”, anh P. chia sẻ.
Đặc biệt, lực hấp dẫn càng mạnh hơn khi P. và D. cùng bị F0 ngay thời điểm dịch phức tạp nhất. P. thừa nhận một người dù mạnh mẽ thì khi bệnh cũng dễ trở nên yếu đuối. Có lẽ chính sự yếu đuối đó đã là chất dẫn khiến tình yêu nảy mầm ngay ở thời điểm khó khăn này.
Bản thân D. lúc đó dù đã được tiêm vắc xin nhưng sức đề kháng không tốt, lại ăn uống không được nên triệu chứng nặng, kiệt sức. Cả ngày làm việc, nên P. tranh thủ chút thời gian rảnh buổi tối theo dõi chăm sóc D. Vài hộp sữa, bánh, trái cây P. đều đặn gửi D. kèm dặn dò, nhắc nhở cô cố gắng vượt qua. “Những ngày D. sốt từ chiều đến khuya, mình lo lắng và rất xót xa cho cổ”, anh P. kể.
D. vừa khỏe lại thì tới lượt P. dương tính. Từ người cổ vũ, chăm sóc thì nay anh lại nhận được những tình cảm tương tự từ D. Cũng như P. trước đây, D. lo lắng, bồn chồn: “Sợ anh sốt cao đuối sức, mình luôn gọi điện động viên, chỉ mong anh bình an”, D. chia sẻ.
Cùng với sự quan tâm chăm sóc, tình cảm giữa hai người ngày một lớn dần. Kết thúc những ngày cách ly cũng là lúc cả hai chính thức cùng viết câu chuyện tình yêu của mình.
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Nơi ấy, ngày chưa yên ả

Nơi ấy, ngày chưa yên ả

Ngôi biệt thự màu “xanh”, có tầng hầm rộng, ghi dấu nhiều cuộc họp bàn nhuốm màu hoang tanh, buôn bán, vận chuyển cái chết trắng ở đây. Ngôi biệt thự bây giờ bỏ không, vắng vẻ. Và sẽ còn vắng vẻ nhiều năm nữa...
Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

2024 là tròn 15 năm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) ra nhập câu lạc bộ những vịnh đẹp của thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về Lăng Cô như ở đó có nhộn nhịp gì đâu, có kiến trúc lâu đời đâu mà dừng chân chiêm ngưỡng…