Di chứng hậu Covid-19 không chỉ là những biểu hiện về thể lý như: khó thở, yếu cơ, viêm phổi, tăng đông máu gây tai biến… mà còn là nỗi đau về mặt tâm lý.
Đến thời điểm này, TP.HCM trải qua gần 6 tháng chiến đấu ròng rã với đợt thứ 4 của dịch Covid-19. Chưa bao giờ, con người nhỏ bé trước dịch họa và sự sống mong manh, đau đớn đến vậy. Covid-19, một loại dịch bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh, khiến mỗi cá nhân phải tự mình chiến đấu, vượt qua hoặc phải lìa đời trong nỗi cô đơn.
Giúp nhau để vượt qua gánh nặng hậu Covid-19. Ảnh: Duy Tính |
Câu chuyện về một gia đình 5 người, gồm: cha mẹ, con trai ruột, con dâu và cháu nhiễm Covid-19, nhưng mỗi người cách ly một nơi, biệt vô âm tín cứ ám ảnh tôi. Lúc người mẹ già chuyển nặng và không qua khỏi, từ trong khu cách ly, người con trai nhận được tin và viết một tờ giấy ủy quyền cho bệnh viện để hỏa táng thi thể mẹ, bởi người cha già cũng đang trong cơn nguy kịch. Người con trai dùng điện thoại chụp và gửi cho nhân viên y tế nơi anh đang cách ly để nhờ gửi giấy ủy quyền này về cho bệnh viện - nơi người mẹ ra đi. Di chứng hậu Covid-19 không chỉ là những biểu hiện về thể lý như: khó thở, yếu cơ, viêm phổi, tăng đông máu gây tai biến… mà còn về mặt tâm lý. Di chứng về thể lý có thể chữa nhưng di chứng tâm lý đeo bám suốt cuộc đời của mỗi người.
Người ra đi trong đại dịch Covid-19 để lại di chứng tâm lý cho người ở lại, đặc biệt tác động lớn đến các thành viên còn lại trong gia đình. Trong loạt bài Gánh nặng hậu Covid-19, tôi đã đưa ra một số trường hợp điển hình. Có những trường hợp cha mẹ nghĩ mình không bảo vệ, không làm tròn trách nhiệm với con; những người làm con thì nghĩ mình chưa làm tròn bổn phận với cha mẹ, từ đó dẫn đến stress, trầm cảm, lo âu… và sống với chuỗi ngày thương nhớ, dằn vặt. “Yêu thương, sẻ chia, quan tâm nhau…” là những từ được các chuyên gia tâm lý khuyên nhủ mọi người để cùng giúp nhau vượt qua gánh nặng hậu Covid-19 dù trước, trong hay sau đại dịch.
Theo Duy Tính (TNO)