(GLO)- Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã đi vào lịch sử dân tộc gắn với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Tổng Tư lệnh chỉ huy chiến dịch, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với thắng lợi này, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng và đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Để tiến tới kỷ niệm sự kiện trọng đại này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy của 3 tỉnh Gia Lai, Điện Biên, Quảng Nam đã thống nhất tổ chức cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên” tại địa bàn 3 tỉnh, bắt đầu vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9-2013 và sẽ kết thúc vào đầu tháng 5-2014. Cuộc thi được diễn ra với 2 hình thức là thi trắc nghiệm và thi viết.
Khen thưởng cho các thí sinh đạt thành tích tiêu biểu. Ảnh: T.N |
Tại Gia Lai, công tác thông tin tuyên truyền về cuộc thi được chú trọng. Sau lễ phát động, toàn bộ nội dung kế hoạch, thể lệ, câu hỏi thi trắc nghiệm kỳ thứ nhất (tháng 9-2013) và câu hỏi thi viết đã được đăng tải kịp thời trên trang tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Đồng thời giới thiệu các nguồn tài liệu tham khảo như Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, các tác phẩm hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Lịch sử Đảng bộ tỉnh và nội dung các bài viết của những đồng chí nguyên là cán bộ quân chủ lực Quân khu 5 đã trực tiếp tham gia trên chiến trường Bắc Tây Nguyên, Đak Pơ... giúp cho các thí sinh có điều kiện nghiên cứu, tham khảo phục vụ cho việc tham gia cuộc thi.
Tại lễ trao giải đợt I-Phần thi trắc nghiệm của cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên”, đồng chí Thái Thanh Bình-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh: “Ban chỉ đạo và Ban tổ chức cuộc thi rất mong thời gian tới, cấp ủy các cấp, các cơ quan ban ngành và địa phương trong tỉnh tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, cũng như làm tốt các công tác triển khai, để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, sinh viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia dự thi các kỳ tiếp theo một cách sôi nổi và rộng khắp, để cuộc thi thành công tốt đẹp và mang lại kết quả cao…”. |
Bên cạnh đó, các cơ quan thông tin đại chúng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Báo Gia Lai đã đăng tải nội dung thể lệ và câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi thi viết liên tiếp trên ba số báo viết và có nhiều bài viết về những cựu chiến binh nguyên là cán bộ, chiến sĩ từng trực tiếp tham gia trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 hiện đang sinh sống trên địa bàn TP. Pleiku, góp phần vào việc tuyên truyền ý nghĩa của cuộc thi. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh xây dựng video clip về cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên”, phát sóng hàng ngày trong chương trình truyền hình địa phương, đồng thời đưa nội dung thể lệ, câu hỏi các kỳ trong các chương trình truyền hình theo kế hoạch.
Ngoài ra, các cấp ủy đảng đã tăng cường chỉ đạo triển khai cuộc thi trong cán bộ, đảng viên. Các địa phương, đơn vị, các cấp, các ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, thể lệ, câu hỏi và phát động hưởng ứng cuộc thi trong toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, thanh-thiếu niên, cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân.
Ban tổ chức cuộc thi đã chú ý đến việc xây dựng hệ thống phần mềm câu hỏi trắc nghiệm các kỳ thi trên trang tin điện tử của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy một cách khoa học, tạo thuận lợi cho người tham gia dự thi dễ truy cập. Nội dung câu hỏi trắc nghiệm tập trung vào các sự kiện diễn ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ, như quá trình chuẩn bị chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, chủ trương của Đảng trong việc triển khai chiến dịch và diễn biến đợt I của chiến dịch Điện Biên Phủ; chỉ đạo của Trung ương về sự phối hợp trên chiến trường Bắc Tây Nguyên, Liên khu 5. Đây là những nội dung được đề cập trong các tác phẩm lịch sử, văn học, sách giáo khoa phổ thông và đại học, phù hợp với trình độ mọi lứa tuổi và đối tượng tham gia.
Em Lê Thị Quỳnh Như (học sinh lớp 12C9 Trường THPT Lê Lợi-TP. Pleiku) người vừa nhận giải nhì trong phần thi trắc nghiệm, cảm nhận: “Em cảm thấy rất phấn khởi và tự hào về lịch sử truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cuộc thi đã giúp em có thêm nhiều kiến thức bổ ích phục vụ cho học tập, cũng như trong các kỳ thi năm cuối cấp và đại học sắp đến…”.
Ảnh: Thanh Nhật |
Còn thí sinh Nhữ Công Hà (Công an thị xã An Khê) người vừa đạt giải nhất trong phần thi trắc nghiệm thì cho biết: “Ngoài thời gian công tác, tôi cố gắng tìm đọc tài liệu từ nhiều nguồn, để có được những thông tin thật chính xác tham gia thi trắc nghiệm. Qua cuộc thi này, bản thân tôi thấy mình cần tiếp tục học tập và rèn luyện nhiều hơn nữa, để đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”.
Qua hai kỳ thi, đối tượng tham gia dự thi chủ yếu là đoàn viên thanh niên các đơn vị, các trường học và cán bộ, công chức, viên chức một số cơ quan, ban ngành. Ban tổ chức đã nhận được trên 10.000 bài dự thi qua trang tin điện tử Tuyên giáo Gia Lai, qua bưu điện và gửi trực tiếp về Ban tổ chức (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và nhân dân trong tỉnh và nhiều địa phương trong nước như: Bình Định, Quảng Nam, Ninh Thuận, Kon Tum, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, Tây Ninh, Lâm Đồng, An Giang...
Nhiều thí sinh ở ngoài tỉnh đã đạt giải. Riêng địa bàn tỉnh, những đơn vị có số lượng thí sinh tham gia dự thi đông như tập thể cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh, Công an huyện Chư Sê, huyện Kông Chro, thị xã An Khê, các trường THPT Pleiku và THPT Lê Lợi (TP. Pleiku), THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê), THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Ia Pa), các trường phổ thông thuộc Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku…
Thanh Nhật