Xúc xích "Made in Gia Lai"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ chỗ làm xúc xích cho con ăn, chị Trần Thị Bé (phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp với sản phẩm này. Sử dụng những nguyên liệu sẵn có là đặc sản địa phương để sản xuất, sản phẩm xúc xích tươi của Công ty TNHH một thành viên Trần Lâm Gia Phát do chị làm Giám đốc đã nhanh chóng chiếm được niềm tin của khách hàng trong và ngoài tỉnh.    
Khởi nghiệp từ món ăn yêu thích của con
Ngay từ khi học đại học, chị Trần Thị Bé (SN 1991) đã luôn ao ước sau này sẽ tự tay làm ra những sản phẩm thực phẩm sạch. Đến tháng 9-2016, khi tham dự hội thảo “Lối đi nào cho nông sản Việt Nam” do Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Việt Nam tổ chức, chị càng nung nấu ý tưởng khởi nghiệp. Chị kể: “Tại đây, tôi được nghe các chuyên gia kinh tế phân tích về những cơ hội và thách thức của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Ngay lúc đó, trong đầu tôi đã nhen nhóm ý tưởng chọn một trong những sản vật của địa phương để chế biến ra sản phẩm đặc trưng”.
Nghĩ là làm, ngay sau đó, chị bắt đầu việc kinh doanh các sản phẩm đặc sản của địa phương. Trong quá trình này, chị tham gia học một khóa đào tạo ngắn ngày về làm xúc xích. Đây là món ăn mà con chị rất thích. “Chỉ là học để biết cách chế biến món ăn thôi nhưng không ngờ đó lại là hướng đi để tôi chính thức khởi nghiệp”-chị Bé nói về cơ duyên của mình.
 Sản phẩm xúc xích tươi của K.B Food được giới thiệu tại lễ hội nông sản địa phương do Siêu thị Co.op Mart Pleiku tổ chức. Ảnh: V.T
Sản phẩm xúc xích tươi của K.B Food được giới thiệu tại lễ hội nông sản địa phương do Siêu thị Co.op Mart Pleiku tổ chức. Ảnh: V.T
Sau khóa đào tạo, chị thử làm xúc xích tươi cho con ăn. Để con ăn ngon miệng, chị cẩn thận chọn nguyên liệu bổ dưỡng và dày công chế biến. Khi đó, bé nhà chị rất thích thú và bắt mẹ làm đi làm lại món này. Mỗi lần làm nhiều hơn một chút, chị chia sẻ món ăn với người thân, bạn bè. Người thì khen ngon, người lại bảo vị na ná như những hãng xúc xích khác. Không nản lòng, chị tiếp tục thử nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo ra hương vị xúc xích đặc trưng. Đến năm 2017, khi sản phẩm làm ra đạt chất lượng như mong muốn, chị Bé đã bàn bạc với gia đình đầu tư máy móc, thiết bị mở xưởng sản xuất xúc xích tươi quy mô lớn để cung cấp ra thị trường và xây dựng thương hiệu K.B Food.
Đến sản phẩm xúc xích “Made in Gia Lai”
Chị Bé cho biết, khi bắt tay vào sản xuất trên dây chuyền máy móc, chị mới thấy rằng công thức sách vở khác xa so với thực tế. Vì vậy, phải mất hơn 3 tháng, xưởng của chị mới cho ra những mẻ hàng đạt chất lượng như kỳ vọng. “Nếu mình cũng làm những sản phẩm giống như trên thị trường đang có thì sẽ không tìm được chỗ đứng. Thấy tép Biển Hồ từ lâu đã được “ghi danh” trong thực đơn đặc sản địa phương của nhiều hàng quán ở Pleiku, tôi nghĩ tại sao mình không làm món xúc xích tép Biển Hồ để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có này. Vậy là tôi đưa tép Biển Hồ vào sản xuất. Khi khách hàng đón nhận sản phẩm xúc xích làm từ tép Biển Hồ thì cũng là lúc tôi tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm khác được làm từ nguồn nguyên liệu đặc trưng của địa phương như cá thác lác Ia Ly, cá lăng Sê San, thịt bò Krông Pa, heo sọc dưa, gà đồng bào...”-chị Bé chia sẻ.  
Là một khách hàng thường xuyên sử dụng sản phẩm xúc xích của K.B Food, chị Nguyễn Thị Lan (tổ 8, phường Yên Thế, TP. Pleiku) không ngớt lời khen. Chị Lan cho hay: “Xem những clip chị Bé livestream khi đi thu mua nguyên liệu cũng như những chia sẻ về sản phẩm đã làm cho người tiêu dùng, tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng sản phẩm xúc xích K.B Food. Hương vị xúc xích K.B Food cũng rất đặc trưng so với nhiều loại xúc xích khác trên thị trường”.   
Để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ sản xuất, chị Bé đã liên kết với các hộ dân đánh bắt thủy sản cũng như các hộ chăn nuôi ở một số huyện trong tỉnh. Bà Nguyễn Thị Phi (xã Biển Hồ, TP. Pleiku), người cung cấp nguyên liệu tép Biển Hồ cho K.B Food, cho biết: Từ ngày hợp tác với Công ty, tép đánh bắt được của gia đình tôi tiêu thụ rất ổn định. Giá cũng được Công ty mua cao hơn so với bỏ mối ngoài chợ. Nhờ đó, nguồn thu của gia đình cũng ổn định hơn.
Trong 2 năm qua, K.B Food đã đưa ra thị trường 7 loại sản phẩm xúc xích tươi mang hương vị đặc trưng được làm từ những sản vật địa phương. Sản lượng xúc xích tiêu thụ của Công ty bình quân khoảng 2,5 tấn/tháng, lúc cao điểm đến 5 tấn/tháng. Đây là kết quả bước đầu để K.B Food từng bước khẳng định thương hiệu, góp phần quảng bá đặc sản của Gia Lai ra thị trường.
“Vì đây là các loại xúc xích tươi cho nên đơn đặt hàng tới đâu Công ty sản xuất tới đó để đảm bảo độ tươi ngon. Khi đã có đầy đủ những điều kiện để phát triển thị trường, ngoài kênh bán lẻ online, K.B Food thường xuyên tham dự các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với khách hàng. Công ty đã và đang mở rộng các kênh phân phối hiện đại là các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị để đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh”-chị Bé cho biết thêm.  
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.