Khởi nghiệp bằng hướng đi "không đụng hàng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự cần cù và tinh thần cầu tiến, nhiều thanh niên trong tỉnh Gia Lai đã tạo nguồn thu nhập ổn định từ các loại cây trồng, vật nuôi mới. Những mô hình phát triển kinh tế này đã góp phần tiếp thêm ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu của nhiều bạn trẻ trên chính quê hương mình.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh Nguyễn Văn Huân (SN 1982, thôn Hồng Hà, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) luôn ước mơ làm giàu. Thuận lợi của anh Huân khi bắt đầu làm kinh tế vườn là có quỹ đất rộng 2 ha do bố mẹ cho để trồng mía và mì. Đây là những loại cây trồng phổ biến ở xã Ia Peng, tuy nhiên năng suất không cao mà giá cả lại bấp bênh, không mang lại nguồn thu ổn định. “Yêu thích nông nghiệp nên tôi thường xuyên tìm hiểu về những loại cây trồng mới, có năng suất cao. Năm 2017, trong một lần sang tỉnh Đak Lak, tôi tình cờ biết đến cây dứa không gai cho quả to, có vị ngọt thanh nên mua về trồng thử”-anh Huân chia sẻ.
   Vườn dứa không gai của anh Nguyễn Văn Huân.                   Ảnh: T.B
Vườn dứa không gai của anh Nguyễn Văn Huân. Ảnh: T.B
Trước khi thử nghiệm cây trồng này, anh Huân đã dành thời gian khoảng 2 tuần để học hỏi kinh nghiệm của những người trồng dứa ở tỉnh Đak Lak và đúc kết: Quan trọng nhất là đất phải tơi xốp, thoáng khí và thoát nước tốt. Từ những kiến thức học được, anh Huân đầu tư cải tạo đất vườn, bón thêm phân rồi bắt đầu trồng 200 cây dứa. Mặc dù thời tiết ở Ia Peng khá nóng nhưng cây dứa vẫn phát triển khá tốt bởi khả năng chịu hạn cao. Sau 1 năm cây dứa cho thu hoạch, mỗi quả nặng 1,5-3 kg. Nhận thấy đây là cây trồng có năng suất cao, hướng phát triển tốt nên đầu năm 2018, anh mua thêm 1.800 cây dứa giống về trồng. 
Theo anh Huân, ưu điểm của loại cây này là khả năng chịu hạn cao, phát triển nhanh, rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Do mép lá loại dứa này không có gai nên rất thuận tiện khi chăm sóc và thu hoạch. Với quy mô chỉ mới 3 sào nên anh Huân chủ yếu cung cấp dứa cho các chợ trong khu vực huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa. Tùy kích cỡ, giá mỗi trái dứa dao động từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng. “Trồng dứa mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây mía và cây mì. Đất ở đây cũng hợp với dứa, cho quả to và nhiều nước. Với giá bán như hiện tại, mỗi vụ tôi lãi 40-50 triệu đồng. Kết thúc đợt thu hoạch này, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích”-anh Huân chia sẻ.
Thêm một tấm gương khác thành công từ việc phát triển giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao tại địa phương là anh Quách Văn Luân (SN 1989, trú thôn Tân Tiến, xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê). Anh Luân quê ở tỉnh Thanh Hóa, vào lập nghiệp cùng người anh họ ở thôn Tân Tiến từ năm mới 16 tuổi. Vừa làm thuê vừa học hỏi kinh nghiệm và vay mượn vốn của người thân ở quê, năm 28 tuổi, anh Luân đã sở hữu 1.000 cây cà phê. Tháng 10-2018, sau khi tham quan trang trại nuôi dế của một người quen, nhận thấy mô hình này mang lại lợi nhuận cao nên anh tìm mua 5 khay trứng dế (100.000 đồng/khay) của một trang trại dế ở huyện Đak Đoa về chăm sóc.
Do chủ động học hỏi kỹ thuật và tìm hiểu kiến thức trên mạng internet, sau một thời gian nuôi thử nghiệm, anh Luân đã thành công bước đầu khi 5 khay trứng dế đều sinh trưởng tốt, tăng đàn nhanh. Trứng dế từ khi nở cho đến khi trưởng thành (còn gọi là dế sữa) mất 40-50 ngày; sau đó chừng nửa tháng dế bắt đầu sinh sản. Thức ăn của dế là cám gạo, lá mì, lá chuối. “Dế khá dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm, chuồng trại không cần cầu kỳ nhưng phải thoáng mát, sạch sẽ. Mô hình này khá phù hợp với những người ít vốn, chỉ cần học hỏi kinh nghiệm, chịu khó thì sẽ thành công “-anh Luân chia sẻ. Hiện tại, anh Luân đang có 24 khay trứng dế cùng hàng chục ngàn con dế sữa và dế giống. Anh cũng đã kết nối với các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn TP. Pleiku để bao tiêu sản phẩm dế sữa với giá trung bình 150.000 đồng/kg, mỗi tháng lãi 4-5 triệu đồng.
Ngoài nuôi dế, cuối năm 2018, anh Luân còn mua 2 cặp dúi từ trang trại của anh Lê Đức Linh (huyện Chư Pưh) về nuôi để nhân giống. Được hướng dẫn tận tình cách chăm sóc, cách làm chuồng trại phù hợp, thức ăn của dúi lại khá đơn giản nên anh Luân khá thuận lợi trong việc phát triển đàn dúi. Hiện tại, đàn dúi đã sinh sản, nâng tổng đàn lên 14 con. “Dúi khoảng 9-10 tháng tuổi là bước vào giai đoạn sinh sản, mỗi năm đẻ 3-4 lứa, mỗi lứa 2-4 con. Dúi có sức đề kháng tương đối tốt, nếu biết cách chăm sóc phù hợp thì sẽ phát triển khá nhanh. Với những thuận lợi như hiện tại, tôi tin chắc những mô hình mình đang theo đuổi sẽ thành công, tạo thu nhập ổn định cho gia đình”-anh Luân cho hay.
 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Rah Lan H’Nhum: “Cán bộ giỏi-phong trào mạnh”

Rah Lan H’Nhum: “Cán bộ giỏi-phong trào mạnh”

(GLO)- Chị Rah Lan H’Nhum-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Dun (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) được mọi người biết đến bởi sự gắn bó, hết lòng với công tác Hội. Chị là gương sáng về “cán bộ giỏi-phong trào mạnh” và là điểm tựa vững chắc của phụ nữ ở địa phương.

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Khởi nghiệp từ tiền mừng cưới

Đôi bạn trẻ ở Đắk Nông đã dồn hết tiền mừng cưới cho công cuộc khởi nghiệp với nấm đông trùng hạ thảo. Trải qua bao khó khăn, cặp đôi đã chứng minh đam mê sẽ không viển vông nếu có kiến thức và “đồng vợ, đồng chồng”.
Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

Người phụ nữ mang hoa sen đến Mỹ khởi nghiệp

“Hoa sen là biểu tượng cho vẻ đẹp thuần khiết trong văn hóa Á Đông. Lā SEN hay “Là Sen” được xây dựng và phát triển dựa trên nét văn hóa truyền thống ấy”, chị Nguyễn Thị Kim Loan mở đầu cuộc trò chuyện về hành trình khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Người trẻ trở về

Người trẻ trở về

(GLO)- Gần đây, có một sự dịch chuyển từ ít đến nhiều, từ âm thầm đến sôi nổi đang diễn ra tại Gia Lai, đó là “làn sóng trở về” của những người trẻ.
Hành trang sau khi rời quân ngũ

Hành trang sau khi rời quân ngũ

(GLO)- Những ngày cận Tết, toàn tỉnh Gia Lai có hàng ngàn chiến sĩ trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Chia tay đơn vị, nơi từng gắn bó trong suốt 2 năm với bao kỷ niệm khiến mỗi chiến sĩ không khỏi bịn rịn, lưu luyến.
Thu nhập khấm khá nhờ nuôi dúi

Thu nhập khấm khá nhờ nuôi dúi

Anh Phùng Ngọc Thuật (30 tuổi), ngụ xã Lai Đồng, H.Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, quyết định rời TP.HCM về quê nuôi dúi và đã bước đầu thành công khi mỗi tháng thu được 40-50 triệu đồng.