Dù chỉ một đoạn ngắn nằm trên tỉnh lộ 664 nhưng đoạn đường qua Công ty 705 (xã Ia Krai, huyện Ia Grai) trông giống như một khu phố sầm uất. Hàng quán buôn bán tấp nập, các biển hiệu mặc sức phô trương với sự giới thiệu đủ các mặt hàng phong phú và đa dạng.
Theo nhiều người dân sống ở đây, ngày trước quanh khu vực này chỉ có vài hàng quán nhỏ chủ yếu phục vụ nhu cầu của cán bộ, công nhân của Công ty 705. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây đời sống người dân bắt đầu khá hơn nhờ nguồn lợi thu từ cây công nghiệp như: Cao su, cà phê, điều, tiêu… Điều kiện kinh tế phát triển, nhà nhà có của ăn của để thì nhu cầu mua sắm cũng nhiều hơn, thế là các cửa hàng, dịch vụ đua nhau mọc lên, quy mô và đa dạng hơn.
Theo nhiều người dân sống ở đây, ngày trước quanh khu vực này chỉ có vài hàng quán nhỏ chủ yếu phục vụ nhu cầu của cán bộ, công nhân của Công ty 705. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây đời sống người dân bắt đầu khá hơn nhờ nguồn lợi thu từ cây công nghiệp như: Cao su, cà phê, điều, tiêu… Điều kiện kinh tế phát triển, nhà nhà có của ăn của để thì nhu cầu mua sắm cũng nhiều hơn, thế là các cửa hàng, dịch vụ đua nhau mọc lên, quy mô và đa dạng hơn.
Chỉ chừng một cây số nhưng có đủ các loại hàng hóa, dịch vụ từ quầy điện thoại di động, salông xe máy, shop quần áo, cây xăng dầu, cửa hàng vật liệu xây dựng, cửa hàng tạp hóa, một chợ nhỏ bán cả sáng lẫn chiều cho đến dịch vụ cắt tóc gội đầu, nhà hàng ăn uống… khiến đoạn đường trông chẳng khác gì một khu phố sầm uất.
Một góc “phố” Công ty 705. Ảnh: L.L |
Với lợi thế về giao thông, nằm ngay trên chính trục đường trung tâm nối liền với các xã Ia Tô, Ia Grăng và Ia O, đường đi lên thủy điện Sê San 4 và giáp biên giới Campuchia, “phố” nơi đây là địa điểm thuận lợi để kinh doanh, buôn bán, là nơi cung cấp nguồn hàng cho vùng sâu, vùng xa khá thuận tiện. Bởi thế, không ít người từ nơi khác đến đây tìm kiếm cơ hội làm ăn. Chị Phương Trinh vốn là dân thị trấn Ia Kha nhưng đã lên Ia Krai thuê nhà buôn bán đã 3 năm nay, hiện chị đang làm chủ một tiệm điện thoại di động và một shop quần áo, chị Trinh cho biết: “Trên này buôn bán dễ hơn nhiều so với thị trấn, nhất là vào mùa thu hoạch, các dịp lễ tết, người dân từ các xã lân cận đến mua sắm rất đông. Bởi có xuống thị trấn Ia Kha phải mất 30 km trong khi hàng hóa ở dưới đó cũng không phong phú bằng ở đây mà ra thành phố Pleiku lại quá xa những 50 km”.
Còn chị Nguyễn Thị Hà (người Đak Lak) sau một dịp lên thăm bà con trên này thấy điều kiện đất đai màu mở, cơ hội làm ăn tốt hơn nên đã chuyển gia đình lên đây sinh sống. Mặc dù chỉ buôn bán hàng rau ở chợ nhưng mỗi ngày chị cũng kiếm được dăm bảy chục ngàn đồng đến trăm ngàn đồng, đủ lo tiền ăn hàng ngày cho gia đình. “Ngoài buôn bán, gia đình còn làm thêm cà phê, thu nhập cũng đủ nuôi các con ăn học. Hiện đứa lớn đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh”- chị Hà cho biết thêm.
Nếu được đầu tư, quy hoạch cơ sở hạ tầng một cách quy mô và có tầm nhìn lâu dài, chắc chắn trong tương lai “phố” vùng xa này sẽ trở thành một nơi giao thương có triển vọng.
Lê Lan