Xác định vùng trồng hồ tiêu Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cây hồ tiêu trên địa bàn Lâm Đồng chủ yếu do người nông dân tự tìm kiếm nguồn giống trồng xen canh trên diện tích cà phê, nên kết quả thu hoạch vẫn còn nhiều hạn chế, đầu ra bấp bênh. Để định hướng phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn, vấn đề đặt ra trước hết đối với ngành Nông nghiệp Lâm Đồng là cần rà soát, xác định các vùng trồng hồ tiêu phù hợp để khuyến cáo nông dân đầu tư thâm canh hiệu quả hơn. 

Phần lớn cây tiêu Lâm Đồng trồng xen canh trong vườn cà phê, quy mô hộ gia đình
Phần lớn cây tiêu Lâm Đồng trồng xen canh trong vườn cà phê, quy mô hộ gia đình
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cây hồ tiêu ở Lâm Đồng bắt đầu trồng phổ biến tại địa bàn các huyện Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2016 - 2018, với diện tích tăng từ hơn 1.711 ha lên 2.196 ha, trong đó tương ứng với diện tích kinh doanh là 725 ha (hơn 2.130 tấn) và gần 1.480 ha (hơn 4.595 tấn). 
Đến giai đoạn năm 2019 - 2020, do giá thị trường giảm mạnh, nông dân chuyển đổi gần 188 ha sang trồng các loại cây ăn quả khác như bưởi, mít, sầu riêng..., đưa diện tích hồ tiêu giảm xuống còn hơn 2.008 ha. Nhưng nhờ diện tích vào thời kỳ kinh doanh phát triển tốt với 1.841 ha nên đã đạt tổng sản lượng hơn 6.133 tấn. So sánh năm 2016 - 2018 thì tổng sản lượng tiêu giai đoạn này tăng hơn khoảng 1.538 tấn. 
Và theo thống kê tại các địa phương trong tỉnh, ước niên vụ 2021, diện tích hồ tiêu trên địa bàn hiện còn 1.988,3 ha; trong đó, diện tích kinh doanh hơn 1.941 ha, tổng sản lượng gần 6.290 tấn; diện tích tái canh trồng mới khoảng 6,5 ha. Toàn tỉnh Lâm Đồng với 11 cơ sở vườn ươm hàng năm đạt công suất khoảng 25.000 cây giống tiêu sản xuất theo phương pháp cắt hom ươm bầu để cung cấp theo nhu cầu chuyển đổi giống cây trồng của nông dân trên địa bàn. Nguồn giống gốc hồ tiêu ở đây chủ yếu mua từ các vùng chuyên canh trong nước để nhân rộng trồng tại các huyện nói trên của tỉnh Lâm Đồng từ năm 2016 đến nay gồm: các bộ giống tiêu chủ lực Vĩnh Linh (80,82%), Phú Quốc (8,84%), Srylanca (4,75%), Tiêu sẻ (3,28%), Tiêu lươn (1,49), còn lại là các giống khác (0,82%). 
Kết quả các mô hình trồng tiêu xen canh mang hiệu quả kinh tế tăng thêm từ 30 - 40% so với sản xuất cà phê độc canh thông thường. Một số mô hình điển hình như ở huyện Di Linh có hộ ông Nguyễn Văn Chu, thôn Tân Nghĩa, xã Tân Nghĩa trồng xen hồ tiêu (giống Vĩnh Linh) trên 2 ha diện tích cà phê, đến nay thu hoạch khoảng 8 tấn/ha, mang về lợi nhuận trên 350 triệu đồng/ha; hộ ông Trần Văn Phát, thôn Hiệp Thành II, xã Tam Bố trồng tiêu xen canh trên diện tích 5 ha cà phê, đạt lợi nhuận thu được trên 217 triệu đồng/ha; chưa kể thu hoạch cà phê trên 3 tấn nhân/ha. Hoặc ở huyện Đức Trọng có hộ ông Đoàn Thế Hiệu, thôn An Bình, xã Liên Hiệp, trồng xen hồ tiêu trên 1 ha diện tích cà phê từ năm 2016, kết quả hàng năm đã cho thu hoạch 1,5 tấn tiêu và 5 tấn nhân cà phê. 
“Hồ tiêu được người dân Lâm Đồng trồng xen canh chủ yếu với diện tích cà phê, điều, cây ăn quả... Việc chuyển giao kỹ thuật canh tác hồ tiêu chưa nhiều, chủ yếu thông qua một số lớp tập huấn kỹ thuật, khuyến nông tư vấn trực tiếp; phần lớn nông dân tự học hỏi kinh nghiệm hàng năm. Ở công đoạn thu hoạch tiêu đều thủ công bằng tay sau đó nông dân phơi khô bảo quản trong bao kín gió trước khi đem bán cho các đại lý hoặc bán cho thương lái tại địa phương. Một số hộ có điều kiện về các khoản thu nhập khác thường tích trữ toàn bộ sản lượng tiêu trong kho sau khi thu hoạch, bảo quản, nhằm chờ giá thị trường lên cao mới bán...”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng nhận định. 
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cây tiêu Lâm Đồng hiện chiếm phần lớn nông dân trồng quy mô nhỏ lẻ, chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã cũng như tổ hợp tác đầu tư quy mô tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nội tiêu và xuất khẩu. 
Bởi vậy, cần đánh giá đầy đủ về tình hình phát triển cây hồ tiêu trên địa bàn để xác định các vùng đất trồng phù hợp để khuyến cáo cho nông dân thâm canh, tăng năng suất, nhân rộng các mô hình liên kết phát triển ổn định, bền vững gắn với thị trường cạnh tranh. Ngược lại, đối với diện tích hồ tiêu trồng trên các chân đất thoát nước kém, dễ nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm..., ngành Nông nghiệp Lâm Đồng tiếp tục hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các giống tiêu mới hoặc các loại cây trồng hiệu quả hơn, đồng thời không mở rộng thêm diện tích. 
Giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đối với ngành Nông nghiệp Lâm Đồng là tăng cường tập huấn, thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm... phổ biến trên cây tiêu ngay từ khi trồng mới như sử dụng giống chống chịu bệnh, trồng cây trụ sống, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học cải tạo đất... Bên cạnh đó, cần thường xuyên vệ sinh thu gom, tiêu hủy kịp thời tàn dư cây bệnh trong vườn. Khi cần thiết áp dụng biện pháp “phòng trừ bệnh hại bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật đã được khuyến cáo trong danh mục được phép sử dụng, đảm bảo khai thác lợi thế đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển cây tiêu theo hướng bền vững, nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thu hoạch trên địa bàn Lâm Đồng... 
VĂN VIỆT (baolamdong.vn)

Có thể bạn quan tâm