Xa dần chiếu Cà Mau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trên các dòng kênh miền Tây lâu rồi không còn thấy bóng dáng những chiếc ghe chở chiếu Cà Mau. Cũng không có thêm những chuyện tình đẹp và nổi tiếng như trong bài ca cổ “Tình anh bán chiếu”. Nghề dệt chiếu ở vùng đất cuối trời Tổ quốc đã qua những tháng ngày hưng thịnh… dần rơi vào quên lãng.

Nhớ thời dệt chiếu mua vàng

“Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm” - Câu hò trong bài vọng cổ lừng danh “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu từng đưa tên tuổi nghề dệt chiếu Cà Mau đến với bao thế hệ người Việt.

Một thời, chiếu Cà Mau theo xuồng ba lá đến khắp các tỉnh, thành miền Tây, miền Đông Nam bộ. Trải qua nhiều thăng trầm, chiếu Cà Mau giờ đây không còn cảnh tấp nập “ghe chiếu cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy”, không còn vươn tới Nam Kỳ lục tỉnh và Sài thành hoa lệ nữa.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi về xã Tân Thành (thành phố Cà Mau), bởi theo giới thiệu, chỉ nơi đây còn vài hộ giữ nghề dệt chiếu. Bên ngôi nhà nhỏ, ông Nguyễn Văn Trần Vũ (65 tuổi) đang ngồi chẻ lác (một loại cây để dệt chiếu).

Ngay đầu nhà ông Vũ, một khoảnh vườn nhỏ trồng lác, mấy ô đất giáp lộ cũng được trồng cây đay (còn gọi là cây bố) để lấy nguyên liệu cho nghề dệt chiếu. Ông Vũ bảo, trong xã, giờ chỉ còn nhà ông làm nghề chiếu để bán. Một vài hộ khác, thỉnh thoảng dệt chiếu để phục vụ nhu cầu của gia đình chứ không buôn bán nữa. Con kênh trước nhà ông Vũ, vì thế, không còn cảnh ghe chiếu xuôi dòng đưa chiếu Cà Mau đi khắp nơi như xưa.

“Thời vàng son gia đình tôi dệt chiếu mỗi tháng kiếm được chỉ vàng khỏe re. Bây giờ, dệt vì còn yêu nghề thôi. Nguyên liệu tôi tự trồng ở nhà, vậy mà khi bán xong trừ chi phí coi như huề vốn. Ngày xưa làm chiếu dư ra được cây vàng, giờ làm chiếu chỉ dư ra được những cây truồi”, ông Vũ cười, chỉ tay vào những cây gỗ luồn lác nhẵn bóng gác trên mái nhà.

Đôi tay ông Vũ thoăn thoắt chẻ lác. Mỗi cây lác to, ông chẻ làm tư, cố gắng không để lác bị sợi to sợi bé. Ông bảo, lác đều, chiếu dệt mới đẹp. Chẻ xong, ông mang lác rải ra khoảnh sân trước nhà để phơi nắng. Vài chiếc chiếu dệt xong cũng mang ra phơi khô để chuẩn bị giao về Kiên Giang.

“Có người họ hàng dưới Kiên Giang đặt gần chục chiếc chiếu. Mấy bữa nữa tôi xuống đó ăn cưới rồi chở theo luôn”, ông Vũ cười, bảo lâu lắm mới có chuyến giao chiếu đi xa. Giờ đây, chỉ có mối người quen, thích nằm chiếu dệt thủ công mới hay gọi điện đặt trước. Giá cả cũng không lời lãi là bao.

Chị em bà Cao Hồng Lệ (Tân Thành, Cà Mau) dệt chiếu

Chị em bà Cao Hồng Lệ (Tân Thành, Cà Mau) dệt chiếu

“Chúng tôi có tuổi rồi, không đi làm được công nhân, bảo vệ nữa nên đành ở nhà làm chiếu. Gọi là lấy công làm lãi thôi, chứ không đáng bao nhiêu”, ông Vũ nói. Theo lời ông Vũ, chiếu 1m8 hiện nay chỉ bán được vài trăm nghìn một đôi, trừ chi phí, công dệt không đáng kể.

“Nếu khách đặt chiếu dệt riêng, đặc biệt là chiếu cưới thì chi phí cao hơn. Cũng có người kỹ tính bắt cả hai vợ chồng tôi cùng dệt chiếu tân hôn để lấy may. Những đôi chiếu như thế có thêm hoa văn, chữ trang trí nên làm cả tuần mới xong, thường có giá vài triệu”, ông Vũ nói.

Khó giữ nghề

Trong khi chúng tôi nói chuyện, bà Cao Hồng Lệ (64 tuổi, vợ ông Vũ) lúi húi ở căn chòi dệt chiếu. Chỉ vài ba tấm ngói xi măng đặt trên mấy cây cột gỗ tạo nên khoảng sàn khoảng chục mét vuông là nơi sản xuất chiếu của gia đình. Dỡ xong đôi chiếu dệt từ hôm trước, bà Lệ căng dây đai để làm đôi chiếu mới. Từng sợi dây đai được cẩn thận luồn qua khung. Hơn nửa đời gắn bó với nghề dệt chiếu, lưng bà Lệ bị gập về phía trước, dáng người hơi còng. “Giờ đứng lên ngồi xuống không nổi, chóng mặt lắm”, bà Lệ nói.

Bà Lệ bảo, công đoạn căng dây đai rất quan trọng. Các dây đai phải có cùng độ căng, chắc chắn để khi dệt không bị lệch. Khi dây đai vừa căng xong, bà Lệ nhoài người ra phía sau chòi, gọi với sang nhà em gái Cao Thị Hồng mang dây lác nhuộm màu sang chuẩn bị dệt. Vào vị trí, từng sợi dây lác được bà Hồng dùng cây truồi luồn qua những sợi dây đai để bà Lệ dệt.

Sau mỗi dây lác, bà Lệ với tay sang mép ngoài chiếu, luồn sợi lác vòng mấy lần quanh dây đai để “bẻ bìa”. Người đưa lác, người dệt phối hợp ăn ý, không lệch nhịp nào. Đến đoạn cần nổi hoa văn, họa tiết, chữ… bà Hồng khéo léo dùng cây truồi luồn dây lác lên, xuống; bà Lệ phối hợp dùng tay nâng, ấn dây đai lên xuống như ấn phím đàn. Khi dây lác đan xen với nhau, màu của sợi lác tạo ra hoa văn như ý muốn. Nói thì đơn giản, nhưng phải có sự tính toán chi tiết từng nấc, nếu không chuẩn hoa văn sẽ không được như ý…

Theo lời ông Vũ, chiếu dệt 1m8 hiện nay chỉ bán được vài trăm nghìn một đôi, trừ chi phí, công dệt không đáng kể. “Nếu khách đặt chiếu dệt riêng, đặc biệt là chiếu cưới thì chi phí cao hơn. Cũng có người kỹ tính bắt cả hai vợ chồng tôi cùng dệt chiếu tân hôn để lấy may. Những đôi chiếu như thế có thêm hoa văn, chữ trang trí nên làm cả tuần mới xong, thường có giá vài triệu”, ông Vũ nói.

Bà Lệ lớn lên ở làng chiếu Tân Thành. Từ năm 14 tuổi, bà bước vào nghề, tập cắt, chẻ lác. Lâu dần, bà được má cầm tay chỉ việc dạy nghề dệt chiếu, coi như của hồi môn cho con gái về nhà chồng. Nói về tay nghề, bà bảo loại chiếu nào cũng dệt được, hoa văn nào cũng có thể làm, màu sắc đảm bảo tính thẩm mỹ. Để có chiếc chiếu đẹp, bà Lệ bảo kinh nghiệm là rất quan trọng. Với những người lành nghề, từng sợi lác sẽ được phơi khô đủ độ, không quá giòn, không quá ẩm; màu nhuộm vừa đủ để không bị phai…

Ông Nguyễn Văn Trần Vũ phơi sợi lác để làm chiếu Cà Mau

Ông Nguyễn Văn Trần Vũ phơi sợi lác để làm chiếu Cà Mau

Nghề làm chiếu của gia đình ông Vũ, bà Lệ đã truyền đến đời thứ 3, nhưng đang lo không có thế hệ kế cận giữ nghề. Con cái ông bà giờ đều làm ăn xa, kiếm sống bằng nghề chẳng liên quan gì đến nghề dệt chiếu. Thanh niên trong làng, trong xã cũng không ai thiết tha, mặn mà với cái nghề gian khổ này. Ở độ tuổi sắp “thất thập cổ lai hy”, ông Vũ nói, vợ chồng ông bà sẽ cố gắng duy trì nghề này thêm vài năm nữa.

Bà Lệ kể, vài năm gần đây, qua giới thiệu của chính quyền xã, nhiều du khách đã tìm đến nhà bà để tận mắt xem nghề dệt chiếu Cà Mau - nổi tiếng qua bài ca cổ “Tình anh bán chiếu”. “Chính quyền họ báo trước vài ngày để chúng tôi chuẩn bị, vì không phải đến lúc nào cũng gặp chúng tôi dệt chiếu.

Mỗi lần đến, sau khi trải nghiệm, khách du lịch cũng biếu chúng tôi vài trăm nghìn”, bà Lệ nói, đồng thời cho rằng, đây có thể là tín hiệu tốt về việc gìn giữ nghề cổ truyền của cha ông để phục vụ du lịch.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.