Vườn "Thượng Uyển" ở Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu sinh thái Măng Đen là cảnh đẹp thiên nhiên của vùng Bắc Tây Nguyên. Đẹp đến nỗi trước đây nó đã từng được đặt cho cái tên là... Thượng Uyển!

 

Trong tư liệu “Kon Tum 100 năm lịch sử và phát triển” có đoạn viết: “Ngày 9-9-1959, Tổng thống chính quyền Sài Gòn ra Sắc lệnh số 234-NV thành lập một quận mới gọi là quận Chương Nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Quận Chương Nghĩa bao gồm phần đất của quận Kon Plông thuộc tỉnh Kon Tum (...). Quận lỵ Chương Nghĩa đặt tại Thượng Uyển”.

Địa danh “Thượng Uyển” nêu trên chính là Măng Đen. Nhưng ít ai ngờ miền đất đẹp như vườn hoa của vua chúa ấy lại từng là “tử địa” trong cả thời Pháp chiếm đóng và thời Mỹ can thiệp. Chuyện kể của ông A Yếu sau đây nói lên điều đó.

 Hoa anh đào nở tại hồ Đak Ke (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Ảnh internet
Hoa anh đào nở tại hồ Đak Ke (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Ảnh internet



Ông A Yếu (SN 1949, dân tộc Bahnar Rơ Ngao, hiện sống ở làng Plei Kơ Năng, xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum) từng là giáo viên Trường Tiểu học Thượng Uyển 2 niên khóa 1972-1973 và 1973-1974. Sau năm 1975, ông A Yếu thôi dạy học và tham gia công tác địa phương, đến năm 2000 thì nghỉ.

Ông A Yếu cho biết, từ thời Pháp chiếm đóng đến thời Mỹ can thiệp, quân địch đều chọn nơi đây làm cứ điểm quân sự, một cứ điểm biệt lập giữa rừng hoang núi thẳm. Trường Tiểu học Thượng Uyển nằm gọn lỏn trong khu cứ điểm, thuộc địa phận xã Chương An, bên mé Bắc đường số 5 (nay là quốc lộ 24), gần ngã ba giao lộ với đường về Măng Búk (nay là tỉnh lộ 676); phía bên kia đường là xã Chương Xuân, có đồn lính và sân bay dã chiến Măng Đen.

Măng Đen thời trước năm 1975 thường được gọi là “La Tu Gi” (Plateâu G.I). Theo một vài kiến giải đáng tin cậy thì đây là cái tên do người Pháp đặt hơn 100 năm về trước, trong đó “Plateau” có nghĩa là đồi, cao nguyên; “G.I”: Garde (phòng vệ), Idigène (địa phương). Đầu năm 1965, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ lên đây lập cứ điểm quân sự, ngay địa điểm quân Pháp từng lập đồn và bị đánh tan năm 1954. Như đã nói, cứ điểm nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, bao vây xung quanh là vùng kiểm soát của phía cách mạng. Giao thông đường bộ (đường 5) hầu như bỏ hoang vì bị cách mạng phục kích cắt đường. Phương tiện duy nhất để đi lại giữa thị xã Kon Tum và Thượng Uyển chỉ có trực thăng quân sự. Mà có nhiều khi trực thăng quần đảo mãi rồi lại quay lui về Kon Tum, không dám đậu xuống vì sợ dính đạn pháo.

Đồn trú trong vòng “tử địa” ấy, để trấn an tinh thần binh sĩ, Tuyên úy Phật giáo của Quân đội Việt Nam Cộng hòa bèn lập chùa Bảo Sơn. Tuyên úy Công giáo cũng dựng tượng Đức Mẹ cho binh lính có chỗ cầu lễ mong may mắn, bình an. Hiện nay, chùa Bảo Sơn đã bị hủy hoại, chỉ còn dấu tích nền hoang; còn tượng Đức Mẹ được chính quyền địa phương cho phép dựng lại sau khi phát hiện bị vùi lấp giữa rừng. Bức tượng này được đúc ở Pleiku rồi đưa bằng trực thăng lên Măng Đen, tổ chức dựng lên tại địa điểm như hiện nay vào năm 1973 (thầy giáo A Yếu có chứng kiến buổi khánh thành bức tượng này).

Năm 1974, cứ điểm quân sự Măng Đen một lần nữa bị tiêu diệt để tiến tới toàn thắng năm 1975. Để rồi giờ đây, Măng Đen trở lại là một vườn “Thượng Uyển” như xưa.

Hỏi về cách hiểu địa danh Thượng Uyển, thầy giáo A Yếu nói rằng, chỉ có thể hiểu theo nghĩa thông thường của từ Hán-Việt, là vùng đất trên cao (thượng) có cảnh sắc đẹp (uyển), giống như vườn Ngự Uyển của vua chúa vậy! Hỏi thăm thêm thầy giáo Nguyễn Hữu Nghĩa, nguyên công chức Sở Học chánh Kon Tum, người trực tiếp trao “Sự vụ lệnh” cho A Yếu về công tác tại Trường Tiểu học Thượng Uyển, tôi cũng nhận được cách lý giải như vậy.

Ngày nay, khách đến với Khu du lịch sinh thái Măng Đen giữa đại ngàn cây xanh hoa đẹp, khí hậu trong lành cũng có cảm giác như mình đang lạc vào một vườn “Thượng Uyển” được thiên nhiên tạo lập cho khu vực Bắc Tây Nguyên này. Nhưng khu vườn ấy không dành riêng cho vua chúa vương giả, mà là cho tất cả mọi người.

 

TẠ VĂN SỸ


 

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.